Trước khi Đoàn nghị sỹ Nga rời Moskva đến Hà Nội tham dự Đại hội đồng
Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132, phóng viên TTXVN tại
Liên bang Nga đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Konstantin Yosifovic
Kosachev, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện)
Nga, Trưởng đoàn nghị sỹ Nga tham dự IPU tại Hà Nội về một số vấn đề
liên quan công tác chuẩn bị của đoàn Nga và nội dung chuyến đi.
-Thưa ông Konstantin Kosachev, ông đánh giá thế nào về Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 sắp tới tại Hà Nội?
Ông Kosachev: Tôi rất thú vị chuẩn bị cho chuyến đi
Việt Nam tham dự IPU sắp tới. Liên minh Nghị viện Thế giới là một trong
những đại hội đồng có uy tín nhất, quy tụ các thành viên rất có tiềm
năng. Tiềm năng của IPU là ở chỗ các nghị sỹ đại diện cho các quốc gia
có cơ hội gặp nhau để thắt chặt quan hệ và đưa ra các dự án hợp tác mới
trong tương lai.
Mỗi một kỳ họp của IPU đều có chủ đề và khẩu hiệu riêng. Kỳ họp dưới sự
chủ trì của Việt Nam được lấy khẩu hiệu: "Nghị viện vì phát triển bền
vững và dài hạn sau năm 2015," là một trong những chủ đề có tính thời sự
nhất đối với nhân loại trong giai đoạn hiện nay.
Tôi được biết vào tháng 9 tới tại New York, người đứng đầu nhà nước và
chính phủ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cũng sẽ thảo luận chủ đề
phát triển bền vững đến năm 2030. Tất nhiên là các nghị sỹ không thể
đứng ngoài cuộc thảo luận này và các phiên làm việc tại Hà Nội sắp tới
sẽ góp phần định hướng nội dung phục vụ thảo luận tại Liên hợp quốc.
Đại hội đồng năm nay càng có ý nghĩa khi được tổ chức tại Hà Nội, thủ đô
của Việt Nam, quốc gia trong những năm gần đây luôn đạt được sự phát
triển kinh tế bền vững. Đất nước các bạn đã lần lượt vượt qua các cuộc
khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới với các tiềm năng phát triển rất
ổn định.
Việt Nam có chiến lược phát triển riêng, nằm ở vị trí địa-chiến lược
quan trọng, có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên song không
chỉ dừng lại ở đó. Các bạn đang tập trung phát triển các lĩnh vực công
nghệ cao của nền kinh tế, vì vậy việc các nghị sỹ trên khắp thế giới gặp
gỡ ở Hà Nội là dịp quan trọng để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm phát
triển bền vững, đưa ra các dự án phát triển trong tương lai. Tôi cho
rằng kỳ họp tại Hà Nội có ý nghĩa thời sự quan trọng và rất thú vị.
-Thưa ông, quan điểm của Nga đối với mục tiêu phát triển bền vững là gì?
Ông Kosachev: Mục tiêu của phát triển bền vững là hỗ
trợ các nước trong việc xây dựng chương trình và thể chế, giúp đỡ các
nước phát triển phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của mình.
Trong những năm gần đây Nga tham gia tích cực vào tiến trình này của
Liên hợp quốc và chúng tôi có một chính sách quốc gia đã được Tổng thống
phê chuẩn về thúc đẩy hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc, chúng tôi cũng đưa ra quan
điểm của mình về mục tiêu cũng như phương hướng phát triển trong thập
niên tới.
Quan điểm của chúng tôi là không một quốc gia nào được chính trị hóa vấn
đề này hoặc lồng ghép các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do v.v...
Mặc dù trong tổng số 17 nội dung của phát triển bền vững có vấn đề dân
chủ, nhân quyền, song chúng tôi cho rằng đây không phải là nội dung duy
nhất và chủ đạo.
Chúng tôi ủng hộ quan điểm phát triển bền vững trước hết là thúc đẩy
phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao mức sống, sau đó mới đến việc cải
cách thể chế chính trị, vì việc xác định thể chế chính trị là quyền chủ
quyền của mỗi quốc gia. Chúng tôi sẽ nêu và bảo vệ quan điểm này tại kỳ
họp ở Hà Nội sắp tới.
-Đoàn nghị sỹ Nga đã chuẩn bị thế nào và mong chờ kết quả gì ở Đại hội đồng lần này?
Ông Kosachev: Chúng tôi đã chuẩn bị rất nghiêm túc cho
Đại hội đồng IPU lần này. Chúng tôi đã lên kế hoạch có các cuộc gặp
quan trọng song phương ở Hà Nội. Ngoài ra chúng tôi cũng đã nghiên cứu
dự thảo các nghị quyết sẽ được thông qua và chuẩn bị đưa ra các sáng
kiến của mình.
Chúng tôi dự định sẽ kiến nghị đưa ra thảo luận tại Đại hội đồng Liên
hợp quốc vào tháng 9 tới vấn đề ý nghĩa của chiến tranh thế giới lần thứ
hai và 70 năm chiến thắng phátxít.
Chúng tôi cũng sẽ đề nghị Liên hợp quốc xác định rõ đường hướng phát
triển của thế giới hiện nay va vai trò của các tổ chức quốc tế trong
việc đưa ra các quyết sách có ảnh hưởng, nhất là liên quan đến các lệnh
trừng phạt kinh tế.
Chúng tôi cho rằng Liên hợp quốc là cơ quan duy nhất có quyền thảo luận
và đưa ra các lệnh trừng phạt này, ngoài ra không một quốc gia hay nhóm
quốc gia đơn lẻ nào khác có quyền áp dụng lệnh trừng phạt chống quốc gia
khác.
Liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga D.Medvedev dự kiến
sẽ diễn ra từ ngày 5-6 tháng Tư tới, chúng tôi cho rằng chuyến thăm này
có ý nghĩa quan trọng.
Trong thời gian ở Hà Nội, chúng tôi sẽ bàn thảo với các đại biểu Quốc
hội Việt Nam các biện pháp nâng cao quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại,
kỹ thuật quân sự và nhân văn.
Chúng tôi cho rằng chúng ta có nguồn lực to lớn và kim ngạch thương mại
hiện nay là chưa tương xứng với tiềm năng, tính chất tin cậy và quan hệ
hữu nghị giữa hai nước. Chúng tôi cùng với các đồng nghiệp Việt Nam sẽ
thảo luận vấn đề này để nâng cao hơn nữa các mặt hợp tác song phương./.
Cao Cường (Vietnam+)