Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) được tổ
chức tại Hà Nội từ ngày 28/3 đến ngày 1/4 với chủ đề "Các mục tiêu phát
triển bền vững: Biến lời nói thành hành động."
Nhân dịp này, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, tiến
sỹ Pratibha Mehta đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về mối quan hệ
hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện Thế giới.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Bà có thể chia sẻ về sự hợp tác và mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện Thế giới?
Bà Pratibha Mehta: Liên minh Nghị viện Thế giới và Liên
hợp quốc đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ kể từ đầu những năm 1990,
với mục tiêu cùng đóng góp xây dựng những quan hệ quốc tế và đưa ra các
quyết định có tính minh bạch và có trách nhiệm hơn.
Sự hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện Thế giới đã được
thể chế hóa trong hai hội nghị cấp cao nghị sỹ của nghị viện toàn thế
giới trong năm 2000 và năm 2005 tại New York.
Tại hội nghị đầu tiên, nghị sỹ của các nghị viện trên thế giới đã cam
kết sẽ hỗ trợ các nguồn lực cho Liên hợp quốc nhằm giúp giải quyết những
thách thức phức tạp trên toàn cầu và nâng cao các kết quả phát triển.
Trong năm 2010, các nghị sỹ đã một lần nữa triệu tập một cuộc họp để
đánh giá công tác của cộng đồng nghị viện trong việc thúc đẩy các mục
tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu quan trọng khác trên toàn
cầu. Trong tuyên bố cuối cùng, các nghị sỹ đã cam kết sẽ hỗ trợ cải tổ
Liên hợp quốc trong việc tham gia thường xuyên và cụ thể hơn với các
nghị viện quốc gia.
Trong tháng 11/2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đưa ra nghị quyết
thông qua tư cách quan sát viên của Liên minh Nghị viện Thế giới. Nghị
quyết về sự hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện Thế giới
này đã cho phép lưu hành các tài liệu chính thức của Liên minh Nghị viện
Thế giới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và trực tiếp nâng cao những
đóng góp của Liên minh Nghị viện Thế giới trong sứ mệnh của Liên hợp
quốc.
Sự hợp tác liên tục này được căn cứ theo hai cơ chế thể chế chính: Một
phiên điều trần nghị viện, được tổ chức bởi Liên minh Nghị viện Thế giới
trong phiên họp mùa thu hàng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhằm
cung cấp một cơ hội cho các thành viên của Nghị viện tham gia vào các
cuộc tranh luận về nội dung và tương tác với các quan chức Liên hợp quốc
và các bên liên quan khác.
Một Ủy ban chuyên về các vấn đề Liên hợp quốc thuộc Liên minh Nghị viện
Thế giới, được thành lập vào mùa Xuân năm 2007 đã tiến hành các nhiệm vụ
ở nhiều lĩnh vực với các nước thí điểm thực hiện sáng kiến "Thống nhất
hành động" của Liên hợp quốc ở cấp quốc gia.
Những nhiệm vụ này nhằm đánh giá sự tiến bộ trong việc đảm bảo tính nhất
quán cao hơn trong hệ thống Liên hợp quốc, bao gồm sự tham gia lớn hơn
của nghị viện trong việc xây dựng kế hoạch phát triển quốc gia và giám
sát hiệu quả công tác viện trợ. Ủy ban đã có chuyến công tác tại Việt
Nam để kiểm tra đánh giá việc cải tổ Liên hợp quốc vào tháng 2/2009.
Liên minh Nghị viện Thế giới và Liên hợp quốc cũng đang thực hiện các
hoạt động chung trong các lĩnh vực được ưu tiên như dân chủ, bao gồm
tăng cường các nghị viện, quyền con người, các vấn đề của phụ nữ, bảo vệ
trẻ em, HIV/AIDS, thương mại và phát triển bền vững. Sự hợp tác này
cũng liên quan đến sự tăng lên của các cơ quan và các chương trình đặc
biệt của Liên hợp quốc.
Vì vậy, chúng ta thấy ở đây rõ ràng có một sự hợp tác thực chất giữa
Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện Thế giới bao gồm nhiều lĩnh vực
được quan tâm chung. Chúng tôi hoàn toàn hy vọng mối quan hệ này sẽ được
tiếp tục củng cố trong những năm tới.
- Xin bà cho biết quan điểm về chủ đề chung của Đại hội đồng Liên minh
Nghị viện Thế giới lần này tại Việt Nam, đặc biệt là sự liên quan đến
vai trò của nghị viện trong việc phát triển và triển khai thực hiện các
chương trình nghị sự sau năm 2015 và mục tiêu phát triển bền vững?
Bà Pratibha Mehta: Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế
giới lần thứ 132 sẽ thảo luận về các vấn đề khác nhau liên quan đến hòa
bình và an ninh, thương mại, phát triển bền vững và quyền con người,
trong đó có chiến tranh mạng, quản lý nước và các chủ đề khác.
Ngoài ra, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 còn có
các diễn đàn cho thanh niên và đại biểu nghị sĩ là phụ nữ để thảo luận
về các vấn đề chung thu hút nhiều sự quan tâm. Chủ đề chính của Liên
minh Nghị viện Thế giới lần này là “Các mục tiêu phát triển bền vững:
Biến lời nói thành hành động.”
Bây giờ là một thời điểm quan trọng trong sự hình thành và phát triển
của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), khuôn khổ toàn cầu đã được
thống nhất đồng ý. Các mục tiêu phát triển bền vững này được xây dựng
dựa trên các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) sẽ hết hạn trong
năm nay.
Nhóm công tác mở (OWG) được thành lập bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc với
vai trò như một thực thể liên chính phủ toàn diện và minh bạch nhằm đưa
ra các khuyến nghị về một tập hợp các mục tiêu phát triển bền vững.
Các Chính phủ và các bên liên quan khác, dưới sự phối hợp của Liên hợp
quốc, hiện đang thảo luận về danh sách đề xuất của các mục tiêu phát
triển bền vững. Danh sách này đã được trình bày bởi Nhóm công tác mở vào
tháng 9/2014. Điều này cũng đã được nêu trong Báo cáo tổng hợp của Tổng
thư ký đệ trình tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 12/2014.
Cũng thật trùng hợp khi thời điểm này Đại hội đồng Liên minh Nghị viện
Thế giới lần thứ 132 thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc thực
hiện và khoanh vùng các mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là một
kênh thông tin cho các nghị viên nhằm thu thập thông tin cho các cuộc
thảo luận chính thức trong năm nay, đồng thời định hình một khuôn khổ
hướng dẫn và theo dõi tiến độ phát triển quốc tế cho đến năm 2030.
Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 sẽ được xây dựng dựa trên
những thành tựu đã đạt được cũng như những kết quả chưa được hoàn thành
của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Do đó chúng ta có thể muốn
xem xét lại tiến trình hoàn thiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỳ
trên toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia.
Sau 15 năm ký kết Tuyên bố Thiên niên kỷ, chúng ta có thể thấy rõ ràng
rằng sự tiến bộ thật sự và lâu dài đã được thực hiện. Trên toàn cầu,
nhiều mục tiêu và chỉ tiêu đã được hoàn thành hoặc gần được hoàn thành.
Nghèo đói cùng cực đã giảm một nửa; sự lây lan nhanh chóng của các bệnh
nghiêm trọng như bệnh lao và sốt rét đã được dừng lại; sự bất bình đẳng
giới trong giáo dục đã được thu hẹp và việc tiếp cận với nước sạch và vệ
sinh môi trường đã trở thành hiện thực đối với nhiều người.
Việt Nam cũng không ngoài ngoại lệ này. Việt Nam đã trở thành hình mẫu
thành công cho nhiều quốc gia học tập bởi Việt Nam đã hoàn thành nhiều
mục tiêu và chỉ tiêu đề ra với hiệu quả cao.
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 10% năm 2000 xuống còn 6% vào năm 2014. Tỷ lệ
tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn một nửa trong suốt hai thập
kỷ qua, từ 58‰ năm 1990 xuống còn 22,9 ‰ năm 2014.
Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến mang thai đã giảm hơn 2/3 trong giai
đoạn từ 1990-2014, giảm từ 233 xuống còn 60 trường hợp bà mẹ tử vong
trên 100.000 ca sinh.
Để hoàn thành các mục tiêu kể trên, chúng ta có thể thấy được sự cam kết
mạnh mẽ của Chính phủ, sự tích hợp và lồng ghép của các mục tiêu phát
triển thiên niên kỷ với bối cảnh quốc gia và trong các kế hoạch phát
triển là vô cùng quan trọng.
Chúng ta cần phân biệt rõ ràng rằng những đề xuất phát triển bền vững
không chỉ đơn thuần là vòng thứ hai hay sự lặp lại của các mục tiêu phát
triển thiên niên kỷ, mà các mục tiêu này tham vọng và toàn diện hơn.
Bối cảnh phát triển đã có sự thay đổi đáng kể.
Một số thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu và bất bình đẳng ngày
càng tăng giữa các nước và tại mỗi quốc gia, ngày càng trở nên cấp bách
hơn. Dự thảo khuôn khổ phát triển bền vững không chỉ nhằm nhận ra tầm
quan trọng của sự hợp tác công trên toàn cầu và các quan hệ đối tác toàn
cầu - giữa các quốc gia, mà còn nhằm thu hút sự tham gia các bên liên
quan khác nhau bao gồm cả khu vực tư nhân, các nghị viện và các tổ chức
xã hội dân sự.
Dự thảo các mục tiêu phát triển bền vững vạch ra một chương trình nghị
sự phát triển mới rộng lớn hơn, tuy nhiên vẫn dựa trên căn cứ. Dự thảo
này cũng báo trước một cách tiếp cận và giám sát sự thay đổi mới. Điều
này có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định chính sách chiến lược
quốc gia ở khắp mọi nơi, trong đó có Việt Nam.
Một mục tiêu đặc biệt của phát triển bền vững về quản trị công tốt hơn đã được đặt ra trong các đề xuất của Nhóm công tác mở.
Chúng ta không thể nói về việc phát triển và thực hiện các mục tiêu phát
triển bền vững mà không nhấn mạnh vai trò của các nghị viện.
Đầu tiên và quan trọng nhất, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát
triển bền vững yêu cầu sự tham gia tích cực hơn nữa của các nghị sỹ
trong việc hoạch định chính sách, đặc biệt là ở cấp chiến lược. Điều này
không chỉ liên quan đến việc theo dõi và đánh giá tiến độ, mà các nghị
sỹ cần phải hướng dẫn và ủy quyền cải tổ và đảm bảo sự gắn kết chính
sách một cách tổng thể.
Thứ hai, các nghị viện cần xem xét đến các chức năng thuộc nghị viện làm
sao có thể được hỗ trợ và thể chế hóa trong quá trình hoạt động. Trong
khi có rất nhiều ví dụ từ trong thời gian thực hiện các mục tiêu phát
triển thiên niên kỷ, mà chúng ta có thể áp dụng lại được.
Ví dụ như Ủy ban Thường vụ ở Philippines hay Ủy ban giải pháp mục tiêu
phát triển thiên niên kỷ ở Mông Cổ. Điều quan trọng là các nhà lập pháp
quốc gia phải xây dựng các giải pháp liên quan đến bối cảnh riêng của
từng đất nước.
Cuối cùng, các nghị viện quốc gia có vai trò quan trọng trong việc thúc
đẩy quan hệ đối tác, không chỉ trong và giữa các quốc gia, giữa các bộ
và chính quyền địa phương; mà còn bên ngoài nghị viện bao gồm các tổ
chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân.
Khi Quốc hội Việt Nam đã phát triển và được trao quyền trong những năm
gần đây; lợi ích kinh doanh, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức phi
Chính phủ khác đã nhận được một cuộc điều trần mạnh mẽ hơn. Điều này nên
được tiếp tục trong việc triển khai thực hiện khuôn khổ mục tiêu phát
triển bền vững.
Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 lần này tập trung
vào các mục tiêu phát triển bền vững nhằm đem lại một cơ hội cho các
nghị sỹ tranh luận về vai trò của họ trong việc thúc đẩy nhanh các nỗ
lực hình thành và phát triển của các mục tiêu phát triển bền vững.
Tôi tin tưởng rằng các nghị sỹ khi tham gia Liên minh Nghị viện Thế giới
sẽ có những đóng góp ý kiến mạnh mẽ và có những hành động cụ thể nhằm
đạt được mục tiêu "nhân phẩm cho mọi người."
- Trân trọng cảm ơn bà./.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)