Lực lượng phiến quân vũ trang này được cho là đã kiểm soát một số mỏ dầu
của Nam Sudan từ vài ngày trước, đe dọa nguồn sống của nền kinh tế nước
này.
Quân đội Nam Sudan cho biết ngày 22/12, chính quyền trung ương đã mất
quyền kiểm soát thủ phủ của một bang sản xuất dầu mỏ quan trọng, trong
bối cảnh lực lượng nổi loạn trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek
Machar chiếm giữ thêm nhiều khu vực trong cuộc giao tranh với quân chính
phủ, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ nội chiến bùng phát tại quốc gia
non trẻ này.
Phát ngôn viên quân đội Nam Sudan, Đại tá Philip Aguer thừa nhận thủ phủ
Bentiu của bang Unity giàu dầu mỏ hiện nằm dưới quyền kiểm soát của một
tư lệnh quân đội ủng hộ ông Machar.
Lực lượng phiến quân vũ trang này được cho là đã kiểm soát một số mỏ dầu
của Nam Sudan từ vài ngày trước, đe dọa nguồn sống của nền kinh tế nước
này.
Lợi nhuận từ dầu mỏ cung cấp gần 99% ngân sách của Chính phủ Nam Sudan
và theo tổ chức Global Witness có trụ sở tại London (Anh), nước này kiếm
được 1,3 tỷ USD từ việc bán dầu mỏ chỉ trong vòng 5 tháng của năm 2013.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố nước này đã triển khai
thêm 46 binh sĩ tới Nam Sudan và cân nhắc sẽ có thêm hành động nếu cần
thiết sau vụ 3 máy bay vận tải CV-22 Osprey của nước này bị tấn công.
Trong lá thư gửi Quốc hội, ông Obama nêu rõ: "Sau khi máy bay bị tấn
công khi tiếp cận thành phố Bor, hoạt động đã bị hủy bỏ vì lý do an
ninh. Máy bay cùng tất cả các quân nhân trên máy bay đã rời Nam Sudan mà
không thể hoàn thành việc sơ tán. Quan sát tình hình Nam Sudan, tôi có
thể có thêm hành động để hỗ trợ an ninh cho công dân Mỹ, người và tài
sản tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Juba của Nam Sudan."
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các công dân nước này đã được sơ tán
an toàn khỏi Bor và đến thủ đô Juba trên các trực thăng dân sự của Liên
hợp quốc và Mỹ. Cho đến nay đã có khoảng 300 quan chức và công dân Mỹ
cùng 300 công dân các nước khác được đưa từ Nam Sudan tới Nairobi và các
nơi khác./.
(Vietnam+)