Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 24/3/2011 9:39'(GMT+7)

Phim truyện Việt Nam 2010: Chất lượng có song hành cùng số lượng?

Những năm gần đây, nhất là vào dịp trao giải Cánh diều hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam, dịp Liên hoan phim Quốc gia được tổ chức hai năm một lần của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các phương tiện thông tin đại chúng và khán giả có dịp tập trung phân tích, phát biểu ý kiến xung quang các vấn đề của phim truyện Việt Nam, đặc biệt là về chất lượng phim. Trang Văn hóa - Văn nghệ của các tờ báo, tạp chí, truyền hình, báo điện tử…đều giành sự quan tâm nhất định cho điện ảnh - truyền hình. Những dư luận trái chiều, ý kiến khen chê khác nhau nhưng tựu trung, phần lớn đều xuất phát từ mong muốn nền điện ảnh dân tộc phát triển, đáp ứng được nhu cầu xem phim của khán giả trong nước, có những tác phẩm điện ảnh mang chất lượng nội dung và nghệ thuật ngang tầm khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, cũng có những bài báo khi lạm bàn về tác giả, tác phẩm điện ảnh bằng thiên kiến và cảm tính cá nhân của người viết nên đã đưa ra nhận xét, đánh giá lệch lạc khiến độc giả mất phương hướng để tiếp nhận và xử lý thông tin một cách khách quan, đúng đắn.

Nhìn chung, năm 2010 đã có một số phim có chất lượng về nội dung và nghệ thuật, ngoài việc đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn còn có yếu tố hấp dẫn được khán giả (phim Vượt qua bến Thượng Hải, Long Thành cầm giả ca, Tây Sơn hào kiệt, Khát vọng Thăng Long…). Sản xuất phim hiện nay đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường, công chúng. Thị trường điện ảnh đã hình thành rõ nét ở nước ta. Ở các đô thị lớn đã có cụm rạp hiện đại. Một số phim do tư nhân sản xuất đã thu hồi vốn, có lãi (Cánh đồng bất tận, Cô dâu đại chiến, Để mai tính…). Các phim Việt Nam chiếu trong năm 2010 không có sai phạm về mặt nội dung. Riêng phim Lý Công Uẩn-Đường tới thành Thăng Long đã chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim, chọn thời điểm thích hợp để phát sóng. Phim Bi, đừng sợ giống trường hợp của Chơi vơi năm trước, đem chuông đí đánh xứ người ở các liên hoan phim quốc tế nhưng khán giả Việt Nam lại đón nhận một cách dè dặt, giới chuyên môn cũng có ý kiến đánh giá nhiều chiều.

Hiện nay, điện ảnh Việt Nam đã hình thành đa dạng, phong phú các dòng phim và quan niệm làm phim. Đề tài và cách khai thác đề tài đã có những thay đổi tiến bộ. Bên cạnh dòng phim chính thống với đề tài đất nước, truyền thống lịch sử và cách mạng, hiện thực đời sống, đất nước, xã hội, con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái cũ và cái mới đã xuất hiện dòng phim đề cập tới đời sống của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội hiện nay những bộ phim khám phá bản thân con người và những khát vọng riêng tư, những bộ phim giải trí, phim hài, phim phong tục... Xu hướng liên kết làm phim với nước ngoài, Việt kiều về nước làm phim và sự hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đã có nhiều bộ phim có chất lượng nội dung và nghệ thuật thấp, từ đó gây tâm lý chán phim Việt, người dân dần mất nhu cầu đến rạp xem phim. Bản thân những người trong giới điện ảnh cũng bất bình với lối làm phim ẩu “nhanh, nhiều, nhạt” và các mô típ sáo mòn “tình, tiền, tù, tội”, căn bệnh trầm kha “giáo điều, hời hợt”… Phim điện ảnh được Nhà nước đầu tư công chiếu vào các dịp kỷ niệm rồi cất vào kho, không có khán giả, phim truyền hình tiết tấu chậm, nội dung dàn trải, câu chuyện, bối cảnh, diễn xuất, kỹ xảo đều ở mức đơn giản, thiếu sáng tạo, thiếu tính chân thực.

Trong vấn đề chọn đề tài, chủ đề làm phim, đã xuất hiện xu hướng coi nhẹ phim truyền thống, lịch sử, cách mạng, dòng phim chính luận về công cuộc đổi mới mà tập trung nhiều cho dòng phim giải trí. Do nhiều nguyên nhân, các hãng phim tư nhân không mặn mà với các đề tài truyền thống cách mạng, chính luận.

Chất lượng nội dung và nghệ thuật ở một số bộ phim chưa cao. Trong tổng số 10 phim truyện nhựa dự giải Cánh diều năm nay, kể cả những phim đạt giải Cánh diều vàng cũng chưa thực sự thuyết phục và hoàn thiện. Một số phim truyện nha giải trí mô típ sáo mòn, câu khách, xã rời đời sống hiện thực, hạ thấp chức năng giáo dục của điện ảnh (Cô dâu đại chiến, Thiên sứ 99, Em hiền như ma sơ). Đã xuất hiện một số phim có dấu hiệu vi phạm bản quyền tác giả (Giao lộ định mệnh) và một số phim dính vào nghi án đạo nhạc…

Phim truyền hình có xu hướng làm phim nhanh, ẩu, nội dung dàn trải, diễn xuất không thuyết phục. Những phim video dài tập càng về sau càng đuối. Một số phim làm về các hiện tượng tiêu cực trong xã hội đôi khi cắt nghĩa, lý giải chưa thuyết phục, gây phản cảm cho người xem.

Phim truyện truyền hình chất lượng không đồng đều ở các đài truyền hình Trung ương, các thành phố lớn và đài truyền hình các địa phương. Hiện phim truyền hình Việt Nam được sản xuất và phát sóng, hoặc liên kết phát sóng tại hai trung tâm lớn là Trung tâm sản xuất phim Đài Truyền hình Việt Nam và Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Phần lớn các đài truyền hình các tỉnh phát phim truyền hình dài tập của nước ngoài, số lượng phim Việt Nam sản xuất rất ít.

Nguyên nhân của những hạn chế trên, có thể thấy:

Thứ nhất, các Chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật như Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII), Nghị Quyết 23 của Bộ Chính trị còn nhiều điểm chưa được thể chế hóa. Luật Điện ảnh và Luật Điện ảnh sửa đổi đã được Quốc hội thông qua nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ.

Thứ hai, nhận thức của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương chưa đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển của văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Có địa phương các cơ sở điện ảnh bị sáp nhập, rạp chiếu phim không được đầu tư, nâng cấp, thậm chí bị xóa bỏ, các đội chiếu phim lưu động hoạt động manh mún, không được chỉ đạo, quản lý về nghiệp vụ.

Thứ ba, nhân lực cho ngành điện ảnh vừa thiếu, vừa không có đủ người đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp trên mọi lĩnh vực: đạo diễn, diễn viên, kỹ sư âm thanh, giám đốc sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu trữ phim… Chất lượng đội ngũ không đồng đều, thiếu đồng bộ giữa các ngành chuyên môn.

Thứ tư, vấn đề đào tạo đội ngũ kế cận còn chưa được quan tâm đúng mức, chương trình, giáo trình, trang thiết bị học tập còn thiếu, chưa cập nhật. Công tác chiêu sinh chưa đáp ứng được tiêu chí chọn người có năng khiếu. Nhiều chuyên ngành quan trọng của công nghệ điện ảnh đến nay vẫn chưa có khoa đào tạo chính thống như: âm thanh, sản xuất phim, dựng phim, hóa trang, kỹ xảo điện ảnh, tổ chức quản lý phát hành phim…

Thứ năm, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất phim điện ảnh và truyền hình trong nước. Hiện nước ta chưa có trường quay phim dành cho phim điện ảnh, phim truyền hình bối cảnh chủ yếu vẫn theo lối “ăn đong”, chỉ có một số hãng phim tư nhân có trường quay phục vụ cho sản xuất phim truyền hình.

Thứ sáu, kinh phí sản xuất phim nhựa và phim truyền hình hiện nay quá thấp so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.

Để khắc phục tình trạng trên, mong muốn điện ảnh Việt Nam vượt qua tình trạng khó khăn, yếu kém cần sự chung tay, góp sức của nhiều cơ quan, tổ chức cũng như cá nhân mỗi người nghệ sĩ. Đứng ở góc độ công tác chỉ đạo, định hướng trên lĩnh vực điện ảnh ở nước ta thời gian tới, xin có vài kiến nghị:

1. Đổi mới nhận thức về hoạt động điện ảnh ở các cấp, các ngành, coi nhu cầu hưởng thụ của xã hội là yếu tố chi phối sản xuất phim trên cơ sở phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, xã hội. Cần coi trọng chức năng định hướng cũng như chức năng giải trí lành mạnh của tác phẩm điện ảnh.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh cần hoạch định chiến lược phát triển nền điện ảnh dân tộc, chỉ đạo thực hiện tốt Luật Điện ảnh, đồng thời Nhà nước cần sớm phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành điện ảnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” để giúp điện ảnh phát triển, có cơ hội bắt kịp với các nền điện ảnh trong khu vực và trên thế giới.

3. Nhà nước cần có chính sách ổn định đặt hàng làm phim theo các nhu cầu văn hóa, chính trị của đất nước và có quy chế, biện pháp quản lý để sử dụng nguồn đầu tư có hiệu quả.

4. Hội Điện ảnh Việt Nam cần phát huy vai trò của tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên ngành và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh trong việc tham gia giải quyết các vấn đề về hoạt động sáng tác và phát triển nền điện ảnh dân tộc

5. Đối với các đài truyền hình, cần củng cố hội đồng duyệt phim truyện của đài theo quy định của Luật Điện ảnh, cân đối thời lượng phát sóng phim Việt Nam và phim nước ngoài và đảm bảo chất lượng phim, có sự liên kết, thống nhất giữa đài truyền hình trung ương và các địa phương.

Hiện cả nước có 9 đơn vị sản xuất phim thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 20 đơn vị thuộc các bộ, ngành, tổ chức xã hội và khoảng 60 đơn vị tư nhân. Năm 2010, số lượng phim truyện (bao gồm phim nhựa và phim video) gia tăng đáng kể, đạt con số cao nhất từ trước tới nay: 17 phim truyện nhựa, trong đó có 5 phim của nhà nước tài trợ, đặt hàng; gần 5000 tập phim video, phần lớn là phim truyền hình dài tập, phim do tư nhân sản xuất.

TS Trần Thị Phương Lan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất