Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 14/3/2011 22:31'(GMT+7)

Các trung tâm dạy tiếng Việt trên đất Mỹ: Bảo tồn và phát huy văn hóa Việt

 
Điều này chứng tỏ năng lực hội nhập, sự thông minh và tính cần cù của những người gốc Việt trên đất Mỹ. Tuy vậy, cùng với những thành đạt là nỗi ưu tư của hai thế hệ người gốc Việt sinh sống tại Mỹ, đó là việc con em họ đã và đang quên dần tiếng mẹ đẻ với nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như ban đầu là việc họ lo sợ con cái họ không thể hòa nhập với cộng đồng bản xứ, nên ngày ấy những đứa trẻ gốc Việt nói tiếng bản xứ giỏi là một niềm hãnh diện và vui mừng của  các bậc phụ huynh. Cũng vì vậy nhiều năm qua, phong trào nói tiếng Việt trong sinh hoạt gia đình luôn được người gốc Việt thế hệ thứ nhất và thứ hai quan tâm, tích cực đẩy mạnh, đặc biệt là qua nhiều cuộc vận động các trường công lập mở lớp  giảng dạy tiếng Việt trong chương trình ngoại ngữ.

Vào thời gian đầu, có không ít các trung tâm dạy tiếng Việt được mở tự nguyện bởi những người tình nguyện gốc Việt như Trung tâm Văn Lang, Lạc Hồng, Xuân Thu... và các nhà thờ, chùa chiền tại nhiều tiểu bang của Mỹ cũng trở thành trung tâm gặp gỡ của các gia đình gốc Việt vào thời điểm cuối tuần khi họ đưa con em đến đây học tiếng Việt. Hiện nay, theo thống kê của nhà chức trách Mỹ có khoảng hơn 200 cơ sở, trung tâm dạy tiếng Việt trong cộng đồng tập trung nhiều ở các bang đông người Việt sinh sống như California, Texas, Washington... Các trung tâm này chủ yếu dạy cho các em học sinh trong dịp hè và vào các ngày nghỉ cuối tuần. Mỗi trung tâm có từ 100 – 1.000 học sinh. Riêng khu vực Nam California, sơ bộ có khoảng 20.000 học sinh tham dự các khóa đào tạo được tổ chức tại khoảng 86 – 90 trung tâm với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, với gần khoảng 1.600 giáo viên trong đó có khoảng 1.000 giáo viên hoạt động tình nguyện. Có nhiều trung tâm học viên được học miễn phí, nhưng cũng có một số trung tâm thu kinh phí để trang trải các khoản chi phí điều hành.

Ngoài chức năng giảng dạy tiếng Việt, các trung tâm này cũng là sân chơi lành mạnh để các bạn trẻ gốc Việt tham gia vào các hoạt động văn hóa, giải trí để tìm hiểu thêm về cội nguồn. Đây là một mục tiêu quan trọng mà cộng đồng Việt Nam đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ trong hơn ba thập niên qua. Bởi ai cũng hiểu ngôn ngữ không là cứu cánh duy nhất, nhưng là một công cụ quan trọng để góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát huy văn hoá Việt Nam. Trong khi đó, một cuộc nghiên cứu tại Học Khu Garden Grove cho thấy, trình độ học vấn của học sinh Việt Nam thường đi đôi với mức độ thông thạo Việt ngữ của các em (theo tác giả Lynn Saito, 2002). Nhiều cuộc nghiên cứu tương tự khác của Giáo Sư Carl L. Bankston và Min Zhou đối với cộng đồng và học sinh Việt Nam tại Lousiana, nơi có đông học sinh Việt Nam cũng cho thấy nhiều kết quả tương tự. Kết quả nghiên cứu này còn cho thấy mức điểm học vấn của các học sinh Việt Nam có thể ảnh hưởng ngược với mức độ Mỹ hóa (assimilation) của các em hay của các bậc phụ huynh. Điều đó có nghĩa rằng ngày nào các em còn thông hiểu tiếng Việt, ngày đó các em còn duy trì được mối liên hệ thường xuyên với bố mẹ, họ hàng, hay sinh hoạt cộng đồng và theo đó các em có điều kiện học giỏi hơn.

Theo lời anh Tôn Thất Thiệu, Hiệu trưởng Trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng, Nam California cho biết: “Trung tâm hiện có khoảng 950 học sinh, cũng là con số cao nhất trong các trung tâm tiếng Việt ở Mỹ, bao gồm 7 cấp lớp, từ mẫu giáo đến lớp 6. Có 45 thầy cô đang phụ trách giảng dạy. Cứ vào mỗi chủ nhật hàng tuần, các lớp học bắt đầu từ 1h30 đến 3h30 chiều. Tất cả các thầy cô đều là nghiệp dư, làm việc tình nguyện tại trung tâm. Giống như phong trào hướng đạo, rất nhiều phụ huynh trở thành giáo viên để hỗ trợ trung tâm. Bên cạnh chương trình học, trung tâm còn có những hoạt động ngoại khóa để các em vừa có thêm niềm vui, vừa có dịp áp dụng tiếng Việt mình đã học vào thực tế. Ví dụ như chương trình văn nghệ Đêm Hồng Bàng được tổ chức hàng năm vào khoảng tháng 4 với các tiết mục múa, hát, họat cảnh do các em cùng thầy cô thực hiện. Ngòai ra còn có các kỳ triển lãm về văn hóa, lịch sử Việt Nam, các cuộc thi viết văn, viết chính tả giữa các trung tâm Việt ngữ với nhau... Nói chung, tôn chỉ của trung tâm chúng tôi là bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam trên đất Mỹ, bởi tiếng Việt còn là văn hóa Việt Nam còn!” ./.


 Theo NGUYỄN SINH/ Đại đoàn kết. vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất