Thứ Bảy, 30/11/2024
Môi trường
Thứ Hai, 6/1/2014 21:49'(GMT+7)

Phổ biến những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi)

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai (sửa đổi) và lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường của 33 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: Đất đai là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước, nhận được sự quan tâm của toàn thể nhân dân. Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 29/ 11/2013, là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và bảo đảm giữ vững ổn định chính trị-xã hội.

Đây là Dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2003, nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp, đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp chế về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đa số tầng lớp nhân dân.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho Luật sớm đi vào cuộc sống, công tác phổ biến các nội dung đổi mới của Luật đóng vai trò rất quan trọng. 9 nội dung đổi mới của Luật Đất đai (sửa đổi) đã được báo cáo, làm rõ tại Hội nghị, trong đó Luật đã quy định một cách cụ thể hơn quyền và trách nhiệm Nhà nước, những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với từng đối tượng, từng hình thức sử dụng đất và điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, đồng thời đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường; Quan tâm đến vấn đề chất lượng đất, đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai của từng cấp hành chính, đồng thời góp phần khai thác tốt hơn tài nguyên đất đai; Tăng cường hơn việc vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai; Hoàn thiện cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai thông qua quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; Công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất; Luật hóa và quy định cụ thể nhiều nội dung, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất….

Tại Hội nghị, đa số các ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật để trình Chính phủ ban hành tập trung vào vấn đề bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận đối với nhà chung cư..../.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất