Chiều 17/12, Ban Tuyên giáo phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ động vật, thực vật hoang dã.
Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật, thực vật hoang dã đã trở thành một vấn đề nóng trong những năm gần đây tại Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ các loài và sản phẩm động vật, thực vật hoang dã trái phép dường như có xu hướng gia tăng ở nước ta trong hai thập kỷ qua.
Trong nhiều năm trở lại đây,Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm kiểm soát tình hình buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật, thực vật hoang dã (ĐTVHD) đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế quan trọng như Công ước về đa dạn sinh học, Công ước về buôn bán quốc tế các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp; tham gia các mạng lưới thực thi kiểm soát buôn bán ĐTVHD như ASEAN-WEN và thành lập Việt Nam – WEN; điều chỉnh và xây dựng, ban hành mới nhiều văn bản pháp luật như Luật hình sự sửa đổi năm 2009 – tăng mức hình phạt cho các tội danh liên quan đến ĐTVHD, Luật đa dạng sinh học năm 2008, Nghị định 160/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Nhiều vụ vi phạm về săn bắt, vận chuyển và buôn bán trái phép, cả trong nội địa và qua biên giới, đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐTVHD quá mức và trái phép đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Đây là một tỏng những nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài ĐTVHD. Các loài và sản phẩm từ ĐTVHD chủ yếu được sử dụng với mục đích làm thực phẩm, làm thuốc, vật cảnh, đồ trang trí, món ăn đặc sản… Chính những nhu cầu này đã khiến các loài ĐTVHD nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam biến mất và nhiều loài chưa nguy cấp cũng sẽ trở thành nguy cấp và tiến tới nguy cơ bị tuyệt diệt.
|
Đại biểu tham dự Hội thảo
|
Tài nguyên ĐTVHD đặc biệt là các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm vốn là niềm tự hào của đa dạng sinh học quốc gia. ĐTVHD là một bộ phận quan trọng cấu thành sự đa dạng sinh học độc đáo của nước ta. Sự biến mất của chúng sẽ làm giảm giá trị đa dạng sinh học mà chúng ta đang nỗ lực bảo tồn và phát triển. Tình trạng tiêu thụ, buôn bán các loài nguy cấp, quý hiếm nếu không có những giải pháp quyết liệt thì không những ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội, sức khỏe, an ninh quốc gia và đặc biệt là hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhằm khắc phục thực trạng trên, Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 (khóa XI) “Về chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đặt ra yêu cầu “bảo vệ nghiêm ngặt các loài ĐTVHD” và giải pháp thiết thực được đưa ra là: “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo dư luận xã hội thống nhất về nhận thức về việc không buôn bán, tiêu dùng bất hợp pháp ĐTVHD, lên án và xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu dùng bất hợp pháp ĐTVHD, góp phần đưa chủ trương, quan điểm mới của Đảng đối với việc bảo vệ ĐTVHD vào cuộc sống”. Đây là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, đòi hỏi sự nỗ lực cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và mỗi người dân.
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã Dự thảo “Hướng dẫn các cấp ủy đảng chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu dùng bất hợp pháp động, thực vật hoang dã theo tinh thần Nghị quyết.
Tại hội thảo lần này, các đại biểu tham dự đã thảo luận góp ý hoàn thiện Hướng dẫn các cấp ủy Đảng chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu dùng bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2014, để ngăn ngừa việc buôn bán, tiêu dùng bất hợp pháp các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐTVHD sắp tới, các ý kiến đồng thuận tập trung chỉ đạo tuyên truyền các nội dung sau:
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ ĐTVHD; các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐTVHD bị nghiêm cấm.
- Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ ĐTVHD; đặc biệt không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐTVHD nguy cấp, quý, hiếm.
- Tuyên truyền, tạo dư luận xã hội ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp ĐTVHD của các cơ quan chức năng trong dịp Tết Nguyên đán, qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tuyên truyền, vận động việc tổ chức Tết trồng cây, để trở thành phong tục, thói quen tốt đẹp của nhân dân ta mỗi khi Tết đến Xuân về. Tăng cường tuyên truyền học tập, làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ, tôn tạo thiên nhiên.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về nội dung tuyên truyền tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền lâu dài, thường xuyên. Cách thức tuyên truyền rộng rãi trên cả nước qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên sâu, tọa đàm, cung cấp các văn bản pháp luật, thông tin chuyên đề. Đảm bảo hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, coi trọng công tác tuyên truyền miệng. Tuyên truyền đến mọi đối tượng, chú ý đến các nhóm đối tượng khai thác, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động, thực vật hoang dã, các nhóm cán bộ, doanh nhân, học sinh, sinh viên; tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân các vùng thuộc khu bảo tồn, khu vực vùng đệm và các đô thị
Hội thảo lần này là một bước đi ban đầu và hiệu quả trong việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐTVHD, giảm tiêu thụ trái phép và tiến tới tiêu dùng xanh. Hội thảo cũng là một trong những nội dung thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2013-2016 giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa ký kết vào tháng 10-2013. Chương trình phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, giải quyết những vấn đề nảy sinh, tạo sự nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân đối với chủ trương, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Thu Hằng