Thứ Bảy, 5/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 6/8/2009 19:52'(GMT+7)

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Có nghề trong tay, đổi thay cuộc sống

Sáng 6/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị truyền hình trực tuyến về Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020, nhằm lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương.

Trong 12 năm vừa qua, đầu tư cho dạy nghề ngày càng tăng, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Công tác dạy nghề sau một thời gian dài suy giảm đã có dấu hiệu phục hồi và có bước phát triển mới, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu về số lượng cho thị trường lao động, chất lượng dạy nghề có những chuyển biến tích cực.

Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có một thực tế đang tồn tại là hiện nay học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học không mặn mà với đào tạo nghề - Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Đề án có tổng kinh phí 41.000 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn ODA. Nguồn vốn xã hội, doanh nghiệp, người học và các nguồn vốn hợp pháp khác chỉ chiếm 3%.

Đề án đề cập đến 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có 2 nhóm giải pháp đột phá là đổi mới cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề và giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Trong 12 năm qua, công tác dạy nghề có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn có một thực tế là hiện nay, học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học không mặn mà với đào tạo nghề. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, quan niệm xã hội còn coi trọng bằng cấp, học vị mà chưa quan tâm đúng mức đến vai trò, vị trí của nghề nghiệp, của công nhân kỹ thuật trong xã hội.

Mặt khác, công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, thanh niên chưa được chú trọng khiến thanh niên chưa hiểu đúng về học nghề và chưa coi học nghề là một con đường lập nghiệp. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tuyển sinh khó tại các trường nghề do các học viên không nắm được thông tin về trường dạy nghề, cơ sở dạy nghề cũng như nghề mũi nhọn, nghề thế mạnh… nên thường lúng túng trong chọn trường, chọn nghề phù hợp với doanh nghiệp, lĩnh vực mình đang hướng tới.

Trước mắt, trong giai đoạn 2009-2010, mục tiêu cụ thể của Đề án là dạy nghề cho 3,38 triệu người, trong đó đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất có trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề là 665.000 người (tăng trung bình 18,2%/năm) để bảo đảm vào năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Năm 2010, sẽ có 80% sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề có nhu cầu làm việc có việc làm ngay sau tốt nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là đề án sử dụng ngân sách lớn, vì vậy Chính phủ cần cân nhắc kỹ trong bố trí kinh phí cho các địa phương để thực hiện Đề án, tránh cơ chế xin – cho, dàn trải gây đầu tư lãng phí, không đạt hiệu quả.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đổi mới cơ chế tài chính là khâu đột phá cho công tác đào tạo nghề, nên ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ người đi học nghề bằng cách cho vay vốn - Ảnh: Chinhphu.vn

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đề án được triển khai trong thời gian tới sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực. Để Đề án có thể đi vào cuộc sống, thật sự hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lấy ý kiến đầy đủ của các Bộ, ngành liên quan, sớm hoàn thiện Đề  án. Phó Thủ tướng cho rằng, đổi mới cơ chế tài chính là khâu đột phá cho công tác đào tạo nghề, theo đó ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ người đi học nghề bằng cách cho vay vốn. Phải dự báo về nhu cầu học nghề hàng năm, tránh đầu tư ào ạt vào các cơ sở dạy nghề, dẫn tới tình trạng có trường nhưng không có người học, gây dư thừa trong mạng lưới đào tạo nghề, lãng phí cho xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị từ nay đến năm 2015, cần tập trung cho công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác dạy nghề và học nghề ở Việt Nam. Chúng ta cần nhận thức rằng, vào đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất. Thực tế hiện nay cho thấy, chọn được nghề phù hợp và học nghề để có tay nghề giỏi cũng được xã hội rất trân trọng và có vị trí xứng đáng trong xã hội, “Có nghề trong tay – Đổi thay cuộc sống”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đầu tháng 9/2009 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì thực hiện sẽ trình Chính phủ Đề án này.

Những hạn chế cơ bản của hệ thống dạy nghề giai đoạn 1998-2008

Công tác dạy nghề ở nước ta chưa chú trọng đào tạo theo yêu cầu xã hội cần. Chất lượng dạy nghề còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Theo Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trên 12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Chưa có trường có năng lực đào tạo nghề chất lượng cao tiếp cận trình độ của khu vực, thế giới và chuẩn quốc gia dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam phải tuyển dụng lao động có trình độ cao của nước ngoài.

Một số mục tiêu cụ thể của Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề 2009-2020

Giai đoạn 2009-2020, dạy nghề cho 24,58 triệu người, trong đó đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành là 5,815 triệu người, đảm bảo đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 230 trường cao đẳng nghề và 310 trường trung cấp nghề, trong đó có 10 trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiên tiến của thế giới, 20 trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiên tiến của khu vực, 120 trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề trọng điểm quốc gia.

Giai đoạn 2009-2020 đào tạo nghiệp vụ sự phạm dạy nghề và kỹ năng nghề cho 40.000 người để trở thành giáo viên dạy nghề; vào năm 2020 có 100% giáo viên dạy nghề có thể dạy tích hợp lý thuyết và thực hành, 40% giáo viên dạy cao đẳng nghề có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ; tỷ lệ giáo viên quy đổi/học sinh, sinh viên quy đổi ở các trường là 1/15.

Đến năm 2020, ban hành 400 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; biên soạn đề thi đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho 400 nghề, tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 6 triệu lao động.

(Nguồn: Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội)


(Theo Chinhphu.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất