Tại kỳ họp thứ 13 Ban chỉ đạo Trung ương về Chính sách Nhà ở và Thị
trường bất động sản, diễn ra ngày 18/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng
Trung Hải nhận định tổng diện tích nhà ở tăng thêm trong năm 2013 là 79
triệu m2 vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra nên cần có sự tăng tốc. Các cơ chế
chính sách phải hài hòa, tạo điều kiện để các bên cùng có lợi, người mua
có thể mua nhà, người xây nhìn thấy hiệu quả đầu tư.
Việc giải quyết được 36.000 căn nhà ở xã hội thời gian qua có ý nghĩa
lớn và phải kể đến đóng góp từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Con số 1
triệu căn nhà ở xã hội cho thấy nhu cầu vẫn rất cao. Quỹ đất cho loại
hình nhà ở này không thiếu nhưng phải làm sao để thu hút doanh nghiệp
đầu tư.
Định hướng quy hoạch là rất rõ, khu nhà ở xã hội xen lẫn khu thương mại
để tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng các hạ tầng xã hội, hạ tầng
kỹ thuật, tạo ra sự công bằng xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa nhân văn
vì thế Chính phủ kiên quyết không thực hiện việc hoán đổi quỹ đất 20% vì
muốn thực hiện chủ trương này. Nhìn vào tỷ lệ tiêu thụ của vật liệu xây
dựng đều tăng trên 15%, riêng ximăng tăng 26%, là những tín hiệu tốt,
tương thích với sự ấm lên của thị trường bất động sản.
Về lâu dài cần một chính sách tín dụng riêng cho nhà ở xã hội, gói
30.000 tỷ đồng chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt. Về lâu dài, nếu không
chuyển tư duy từ mua sang cho thuê thì không thể giải quyết được vấn đề
căn bản về nhà ở.
Phó Thủ tướng lưu ý thúc đẩy nhà ở cho thuê bởi phân khúc này chưa khởi
sắc. Phải tìm nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa mặn mà, kể cả cách
tính lợi ích lẫn mặt thủ tục hành chính. Nếu doanh nghiệp “chê” không
làm tức là có vấn đề khó. Nếu biết đấy là chiến lược thì phải có giải
pháp, cơ chế chính sách và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tháo
gỡ.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thời gian tới cần ưu
tiên là dành tín dụng để hoàn thành các dự án còn dở dang nếu không sẽ
tiếp tục gia tăng tồn kho. Trường hợp rất đặc biệt mới cho triển khai dự
án mới.
Các ý kiến cho rằng dù chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền
kinh tế nhưng nhờ các giải pháp điều hành linh hoạt, điều chỉnh và định
hướng kịp thời nên thị trường bất động sản đã có chuyển biến tích cực.
Đặc biệt việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội được xem như
“mũi tên trúng đích” khi vừa góp phần giảm hàng tồn kho, giải quyết nhu
cầu nhà ở cho đại đa số nhân dân, đồng thời “kích hoạt” sự chuyển động
của thị trường bất động sản.
Trước những tác động của chính sách điều hành linh hoạt, thị trường bất
động sản đã dần “ngấm thuốc” và có phản ứng tích cực. Cơ cấu nguồn cung
nhà ở đã bắt đầu có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của thị
trường. Niềm tin của khách hàng đối với thị trường đang dần được hồi
phục. Phân khúc nhà ở xã hội và những căn hộ nhà ở thương mại có diện
tích nhỏ được người dân quan tâm và đã có nhiều giao dịch thành công hơn
trước.
Tính đến hết năm 2013, cả nước đã khởi công được 15 dự án nhà ở xã hội,
57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và đã
phê duyệt được 13 dự án.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Tình hình thị trường bất
động sản, kể từ cuối quý 3/2013 đến nay, đã có dấu hiệu tích cực, thể
hiện cả ở 3 tiêu chí: giá cả không giảm, có những nơi tăng; giao dịch
tăng, đặc biệt là vào quý 3 và 4/2013, đến giữa tháng Tư này tại Hà Nội
có lượng giao dịch gấp đôi quý 4/2013; tồn kho bất động sản giảm 34%.
Theo Bộ trưởng, những giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 02 của
Chính phủ là chính xác, đây là hệ thống các giải pháp khắc phục lệch pha
cung cầu, gắn việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường với chương trình
phát triển nhà ở quốc gia, gắn việc khắc phục khó khăn với việc đáp ứng
nhu cầu nhà ở thực cho người dân, biết sử dụng những giải pháp bằng
chính sách, hỗ trợ của nhà nước, chuyển dòng chảy từ nhà cao cấp sang
nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, khắc phục lệch pha cung cầu, hướng đến
nhu cầu thực và khả năng chi trả.
Từ đầu năm, thị trường tiếp tục khởi sắc, lượng giao dịch tăng trưởng
khá so với cùng kỳ năm trước, giá nhà có dấu hiệu chững lại không giảm
liên tiếp như năm ngoái, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ tại Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh. Một số địa phương khác như Khánh Hòa lại có sự
tăng giá ở phân khúc đất nền. Thị trường nhà ở năm nay sẽ tiếp tục có sự
điều chỉnh về cơ cấu sản phẩm, nguồn cung sản phẩm sẽ tập trung vào
phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2.
Đây cũng là loại sản phẩm tiếp tục được người tiêu dùng quan tâm.
Các dự án căn hộ, trung và cao cấp đã xong phần thô đang hoàn thiện, có
vị trí thuận lợi cũng sẽ có giao dịch tốt hơn. Các dự án bất động sản xa
trung tâm, hạ tầng không thuận lợi sẽ vẫn ít có giao dịch. Các nhà đầu
tư không có năng lực tài chính và kinh nghiệm, đầu tư các dự án không
phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc có lượng vốn vay lớn sẽ tiếp tục
gặp khó khăn, thậm trí sẽ phải rời bỏ thị trường, nhường thị trường cho
các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Cùng đó, việc quyết định cho phép đầu tư các dự án kinh doanh bất động
sản mới của chính quyền địa phương và quyết định đầu tư vào lĩnh vực bất
động sản của các doanh nghiệp sẽ được xem xét thận trọng và kỹ càng
hơn, một số địa phương đã tạm ngừng việc xem xét cho phép triển khai các
dự án mới. Vì vậy dự báo xu hướng trong năm 2014 xu thế chuyển nhượng
toàn bộ, từng phần dự án phát triển bất động sản (kể cả cho các doanh
nghiệp nước ngoài) và mua bán sáp nhập giữa các chủ đầu tư với nhau sẽ
phổ biến hơn.
Ngay sau khi Nghị quyết 02/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh
doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu được ban hành, Bộ Xây dựng -
cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã nhanh chóng phối hợp với Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành có liên quan ban hành các thông
tư hướng dẫn thực hiện. Điển hình là việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các
dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi
nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ; xác định
các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở.
Hiện liên Bộ (Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường cùng Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam) đã thống nhất nội dung chuẩn bị ký ban hành Thông tư
liên tịch hướng dẫn việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai khi
vay vốn để mua nhà ở xã hội.
Việc tập trung hoàn thiện thể chế về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất
động sản được đánh giá là một trong những trọng tâm. Ngoài Luật đất đai
do thành viên Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo được Quốc
hội thông qua tháng 11/2013 có hiệu lực từ 1/7 tới, Bộ Xây dựng tập
trung sửa đổi Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản,
dự kiến Luật Xây dựng sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng Năm
tới, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ được Quốc hội cho ý
kiến vào kỳ họp thứ bảy tháng Năm tới và dự kiến được Quốc hội thông qua
vào kỳ họp thứ tám vào tháng 11 năm nay.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã phối hợp cùng cơ quan chủ trì nghiên cứu
trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách lớn liên
quan đến nhà ở và thị trường bất động sản như Đề án thành lập Cơ quan
tái cho vay thế chấp nhà ở (MRA).
Cùng với Đề án Chiến lược phát triển thị trường bất động sản đã trình
Chính phủ, Bộ Xây dựng còn lập nhiều đề án như hỗ trợ hộ nghèo xây dựng
nhà ở phòng tránh bão lũ khu vực Miền Trung; Tiếp tục hỗ trợ nhà ở đối
với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 167
giai đoạn 2); đầu tư xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi cho
công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp tập trung;
thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi cô đơn, không nơi nương
tựa; phát triển các Đô thị Việt Nam ứng phó với Biến đổi khí hậu.
Cùng đó, Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn
đến năm 2030 tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, các địa phương căn cứ để
xây dựng hoặc điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở cho phù hợp với
mục tiêu chung. Hiện đã có nhiều địa phương ban hành chương trình phát
triển nhà ở và dự kiến cả nước sẽ hoàn tất trong năm 2014.
Theo Ban chỉ đạo, trọng tâm công tác của năm nay sẽ là tập trung hoàn
thiện thể chế về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản trong đó tập
trung công tác hoàn thiện các luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh
doanh bất động sản trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến vào kỳ họp thứ
bảy tháng Năm tới đây và thứ tám tháng 11 năm nay tạo sự chuyển biến
căn bản trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tiếp tục được
thực hiện đồng bộ, gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở Quốc
gia và phát triển nhà ở xã hội. Những chương trình nhà ở trọng điểm như
hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, nhà ở cho công nhân khu
công nghiệp, xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng
sông Cửu Long… cũng sẽ được đốc thúc, giám sát để đảm bảo tiến độ và
chất lượng.
Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, một số dự án
chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đã được thực hiện nhưng
rất chậm, kết quả thấp. Để tăng cường quỹ nhà này, việc dành và sử dụng
quỹ đất 20% tại các dự án sẽ được rà soát và kiểm tra chặt chẽ. Thêm
một thực tế nữa là số lượng chung cư cũ hư hỏng xuống cấp hiện còn khá
lớn nhưng việc cải tạo sửa chữa chưa được nhiều. Nguyên nhân vướng mắc
chủ yếu về quy định trong quy hoạch (hệ số sử dụng đất, tầng cao, số
lượng dân cư..) và vốn đầu tư.
Do đó, Ban chỉ đạo kiến nghị việc đầu tư cải tạo chung cư cũ cần được
tập trung theo chương trình phát triển nhà ở trọng điểm của thành phố.
Cùng với việc nghiên cứu đề xuất giải pháp để tăng tính minh bạch, thúc
đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường, các tiêu chí đánh
giá mức độ minh bạch sẽ căn cứ vào sự công khai, minh bạch hóa tình
trạng pháp lý của tài sản và giao dịch.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, số dự án được cấp phép quá lớn (40.000
dự án) so với nhu cầu thực và khả năng chi trả, vì vậy cần tập trung để
xử lý tồn kho này. Giải pháp đưa ra là cơ cấu lại dự án, tiếp tục rà
soát theo Chỉ thị 2.196 của Thủ tướng; biện pháp thu hồi dự án cũng cần
phải tính toán.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất, năm nay, nếu có dự án có nhu cầu vẫn phải đề
nghị Thủ tướng cho phép mới được triển khai. Việc quản lý thị trường bất
động sản cần có quy hoạch, kế hoạch thay vì hoàn toàn để thị trường vận
động. Đồng thời, cần có sự can thiệp của nhà nước chứ không phải “phi
thị trường.”./.
(TTXVN)