Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo tham vấn về dự án Luật Bảo
hiểm xã hội (sửa đổi) do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Tổ
chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 26/3.
Hiện nay, việc tính lương hưu đang có sự không giống nhau giữa người lao
động khu vực doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Lương hưu của cán bộ,
công chức, viên chức được tính là bình quân tiền lương tháng đóng bảo
hiểm xã hội của mười năm cuối trước khi nghỉ hưu. Trong khi đó, lương
hưu của người lao động khu vực tư nhân lại tính bình quân tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Mặc dù các chuyên gia quốc tế khuyến nghị cần có một công thức tính
lương hưu chung để đảm bảo sự công bằng đối với người lao động, tuy
nhiên theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân,
do quá trình phát triển của Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ thay đổi
các cách tính lương khác nhau nên chưa thể áp dụng một công thức chung
cho tất cả các đối tượng người lao động. Vì vậy, việc áp dụng cách tính
lương hưu đồng nhất sẽ được thực hiện với những người lao động bắt đầu
tham gia bảo hiểm xã hội kể từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có
hiệu lực, dự kiến từ ngày 1/1/2015.
Theo dự thảo, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu cũng được sửa đổi theo
hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45%
từ 15 năm lên 20 năm, tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1%
lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ
hưu cho đến khi tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi theo
phương thức mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu
sẽ áp dụng đối với lao động tại khu vực nhà nước từ năm 2016 và các đối
tượng còn lại từ năm 2020.
Mặc dù các ý kiến đều thống nhất việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết
nhưng các đại biểu cho rằng cần thực hiện tăng theo lộ trình và xem xét
việc thay đổi tuổi nghỉ hưu đối với những đối tượng khác nhau.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng
việc tăng độ tuổi nghỉ hưu cho tất cả các đối tượng từ 2020 là chưa hợp
lý, chỉ nên áp dụng đối với người lao động trong khu vực nhà nước, còn
đối với khối doanh nghiệp sản xuất thì nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu vì
nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì sức khỏe của lao động nữ tại khu vực khó đảm
bảo năng suất lao động.
Bên cạnh những vấn đề còn gây nhiều tranh cãi, một số quy định về chế độ
bảo hiểm xã hội được sửa đổi đã đảm bảo tốt hơn quyền thụ hưởng người
lao động.
Về chế độ thai sản, luật bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con
được nghỉ việc 5-7 ngày làm việc kể từ ngày vợ sinh con tùy thuộc vào
việc sinh con bình thường hay phải phẫu thuật, sửa đổi quy định về thời
gian hưởng thai sản lên 6 tháng theo Bộ luật Lao động năm 2012.
Chế độ tử tuất mới cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng
trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần, tăng mức trợ cấp
tuất một lần đối lên 2 tháng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm
2014.../.
Theo TTXVN