Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 12/6/2010 11:45'(GMT+7)

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng giải trình bổ sung 6 vấn đề lớn

>> Báo cáo giải trình bổ sung của Phó Thủ tướng Thường trực

 Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã gửi tới Chính phủ hơn 190 câu chất vấn. Sau khi các thành viên liên quan của Chính phủ đã trả lời gián tiếp qua văn bản và trả lời trực tiếp tại Hội trường trong hai ngày qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày bổ sung, giải trình và trả lời chất vấn 6 vấn đề lớn. 

Ổn định trong phát triển

Phó Thủ tướng cho biết: “Sự ổn định mà chúng ta đang hướng tới phải là sự ổn định trong phát triển, chứ không phải ở trạng thái trì trệ”.

Muốn vậy, một mặt, chúng ta phải tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh với chất lượng và hiệu quả tốt hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Cùng với đó, việc cung ứng tài chính, tiền tệ và tín dụng phải ở mức hợp lý, vừa bảo đảm nhu cầu vốn và khả năng thanh khoản của nền kinh tế, vừa không đẩy lạm phát lên cao. Những tháng vừa qua, chúng ta đã cơ bản thực hiện được sự cân bằng này.

Chính phủ tán thành ý kiến của một số đại biểu Quốc hội là khi có điều kiện và khả năng thì cần tranh thủ các khoản vay ưu đãi để tạo bước đột phá, góp phần giải quyết nhanh ba điểm nghẽn phát triển, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc sử dụng các khoản vay phải có hiệu quả, quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng và phải bảo đảm khả năng trả nợ trong dài hạn.

Đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh hoặc Chính phủ vay về cho vay lại cũng phải tính toán kỹ hiệu quả và khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

 Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý nợ công; đồng thời, giao các cơ quan tham mưu nghiên cứu diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và các nước châu Âu, đề xuất các giải pháp đối phó với các tác động tiêu cực, trong đó có tác động của việc giảm giá đồng Euro đến nền kinh tế nước ta; xây dựng chiến lược quản lý nợ quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tính toán khả năng vay, trả nợ đến năm 2030, 2050., Phó Thủ tướng cho biết. 

Tăng chi cho an sinh xã hội bằng mọi cách 

Về quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, Chính phủ đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về vấn đề cần thực hiện hiệu quả hơn nữa yêu cầu phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội.

Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ luôn luôn quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng là tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong các năm 2008, 2009, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, song Chính phủ vẫn chỉ đạo bằng mọi cách tăng chi cho an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện các chính sách xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái.

“Giải quyết các vấn đề xã hội đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, lâu dài, kiên trì từ phía Nhà nước, sự ủng hộ, chung sức của cả xã hội và sự tham gia với nỗ lực cao của người dân, vừa phải quan tâm giải quyết những vấn đề lớn, cơ bản, lâu dài, vừa phải tập trung xử lý nhanh những vấn đề bức xúc trước mắt” Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng giải trình.

Khắc phục tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản tràn lan

Về quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Trước ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ những quan ngại sâu sắc về hiện trạng quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản, môi trường; Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước xử lý hiện trạng này.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là những khoáng sản có tiềm năng quy mô lớn nhằm khắc phục tình trạng đầu tư khai thác tràn lan, chế biến và xuất khẩu khoáng sản thô, lãng phí tài nguyên, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.

 Hoàn chỉnh dự án Đường sắt cao tốc theo góp ý của Quốc hội

Về Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc đã được Chính phủ đặt ra từ các nhiệm kỳ trước và đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt nước ta từ năm 2002.

Đây là một dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, được chuẩn bị công phu và có thời gian triển khai, thực hiện dài, khoảng 30 năm, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trình xin ý kiến của Quốc hội. Chính phủ nghiêm túc lắng nghe, phân tích, tổng hợp các ý kiến nhiều chiều để báo cáo chi tiết với Quốc hội.

Những năm gần đây, hạ tầng giao thông nước ta ngày càng quá tải, cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế - xã hội, gây nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Việc hình thành một hệ thống giao thông vận tải nói chung cũng như hệ thống vận tải đường sắt hoàn chỉnh phải mất nhiều năm.

Dự án đường sắt cao tốc được xây dựng chính là nhằm đáp ứng yêu cầu đó, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải với tầm nhìn dài hạn, được hoàn thành đưa vào sử dụng khi đất nước ta đã bước vào giai đoạn của nước phát triển.

Sẽ báo cáo bổ sung về đồ án quy hoạch Hà Nội

Đề cập đến đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, tiến hành thận trọng từng bước theo đúng trình tự pháp luật và với tinh thần công khai, dân chủ, cầu thị.

Bản đồ án quy hoạch đã được báo cáo xin ý kiến Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, xin ý kiến đóng góp của nhân dân, của các nhà khoa học, các chuyên gia và trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp này.

Trong phiên thảo luận chung tại hội trường ngày 15/6 tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo bổ sung với Quốc hội kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Vấn đề lớn thứ 6 được Phó Thủ tướng đề cập là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc không hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch, trong đó chủ yếu lại là các chỉ tiêu về xã hội và môi trường; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được xử lý...

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ cảm ơn các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Chính phủ, của từng thành viên Chính phủ cũng như của chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tham gia ý kiến của Quốc hội và nhân dân về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ./.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất