Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 10/6/2010 16:45'(GMT+7)

Tập trung xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng tồn đọng

Sáng 10/6, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (VPBCĐ) tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng BCĐ chủ trì Hội nghị.

Phòng, chống tham nhũng chuyển biến tích cực

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến và đạt kết quả tích cực trên cả 2 mặt phòng và chống.

Người dũng cảm tố cáo tham nhũng bước đầu được quan tâm, động viên. Sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, toàn án đã có sự chủ động và thường xuyên hơn nên nhiều vụ việc rham nhũng đã được phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó, mỗi năm, ngành Thanh tra đã tiến hành hàng  nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra kinh tế - xã hội.

Kết quả công tác thanh tra qua 3 năm (2007 -  2009) đã phát hiện vi phạm  tài chính trên 15.450 tỷ đồng, 1.549.300 USD và 22.802 ha đất, qua đó kiến nghị thu hồi cho nhà nước 9.871,827 tỷ đồng, 696.708 USD và 8.984,72 ha đất.

Trong 2 năm (2008 – 2009), ngành Thanh tra đã chuyển đến cơ quan điều tra 157 vụ việc tham nhũng có dấu hiệu hình sự để xử lý.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được đẩy mạnh. Trong 3 năm (2007 - 2009) và 4 tháng đầu năm 2010, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.063 vụ với 2.331 bị can; truy tố 1.201 vụ với 2.991 bị can; xét xử 1.070 vụ với 2.506 bị can.

Cũng trong 3 năm qua, BCĐ đã chỉ đạo, đôn đốc xử lý 38 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có 8 vụ án trọng điểm đến nay đã được các cơ quan tố tụng giải quyết dứt điểm ở 2 cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm). Các vụ án nghiêm trọng, phức tạp khác khởi tố trong năm 2008, 2009 đến nay đã xét xử phúc thẩm 5 vụ, xử sơ thẩm 3 vụ; 6 vụ có quyết định truy tố chuyển Tòa án nhân dân thụ lý…

Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật trong phòng chống tham nhũng

Tại Hội nghị, đại diện Viện KSND tối cao, Tòa án ND tối cao, Thanh tra Chính phủ, Công an TP Hà Nội… đã nêu những hạn chế trong công tác xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng như một số vụ án, vụ việc còn chậm được xử lý, có vụ kéo dài, phải trả hồ sơ để điều tra, bổ sung nhiều lần. Một số quy định phục vụ công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đồng bộ, chậm được bổ sung, ban hành. Một số địa phương phát hiện và xử lý vụ việc tham nhũng còn ít.

Từ thực tế nêu trên, nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định nhằm hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan sớm triển khai Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, dịch thuật tư pháp để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm tham nhũng trong tình hình mới.

Đồng thời bổ sung một số hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng thuộc tội danh tham nhũng trong Bộ luật Hình sự; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhất là việc ký kết, tham gia các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm tham nhũng có liên quan đến yếu tố nước ngoài.

Chống tham nhũng cần kiên trì, đồng bộ, quyết liệt, triệt để

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải luôn bám sát nguyên tắc “kiên trì, đồng bộ, quyết liệt và triệt để, phải nhìn thẳng vào sự thật để xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát các vụ án tham nhũng tồn đọng để tập trung xử lý dứt điểm; đồng thời phải chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án mới phát sinh; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm; xử lý đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm, không làm oan sai cho người vô tội.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục triển khai hiệu quả quy chế phối hợp đã được ban hành.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, thông qua xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, các cấp, các ngành cần đánh giá một cách sâu sắc, từ đó rút ra nguyên nhân dẫn tới tham nhũng để có giải pháp khắc phục và kịp thời bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất