Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 10/6/2010 16:44'(GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Tài Chính trả lời chất vấn trực tiếp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn sáng 10/6. Ảnh tư liệu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn sáng 10/6. Ảnh tư liệu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết đã nhận được 15 chất vấn, trong đó có 2 câu do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền trả lời; 4 câu không thuộc thẩm quyền Bộ nên đã chuyển cho các cơ quan chức năng khác.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng trình bày, Đề án giá lúa đảm bảo cho nông dân có lời tối thiểu 30% đã được Bộ hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4. Mặc dù dự án chưa được phê duyệt chính thức, nhưng trên thực tế, Chính phủ cũng đã triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn đầu tư mua thiết bị, mua lúa, cà phê tạm trữ... Về Bảo hiểm nông nghiệp, Bộ cũng đã trình phương án với Chính phủ, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tới 80 – 90% chi phí mua bảo hiểm phí mua bảo hiểm cho hộ nghèo.

Lương và thu nhập ở SCIC: Dư luận quan tâm cách tính như thế nào?

Mở đầu chất vấn trực tiếp, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi: “Có phải Bộ trưởng đang kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Ở các nước khác trên thế giới có việc Bộ trưởng kiêm nhiệm chức năng này?”.

Bộ trưởng Vũ Văn  Ninh cho biết, đúng là ông đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị theo phân công của Thủ tướng Chính phủ do đây là một mô hình quản lý mới. SCIC là một tổng công ty đặc thù, mới được thành lập năm 2005, đang tiếp nhận quản lý khoảng 911 doanh nghiệp nhà nước, nhưng mới chiếm có 1,8% số vốn nhà nước (7.000 tỷ đồng); phần còn lại thuộc sự quản lý của các tập đoàn, tổng công ty. Bộ trưởng cho hay việc kiêm nhiệm này ở nước khác là có, thậm chí là Thủ tướng kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị như ở Singapore.

Vấn đề tiền lương và thu nhập của lãnh đạo SCIC, Bộ trưởng không né tránh giải trình. Ông khẳng định, quỹ lương được duyệt bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tiền lương và thu nhập của cán bộ tại SCIC thực hiện theo đúng các quy định về tổng công ty nhà nước, theo Luật doanh nghiệp 2003 và các Nghị định có liên quan của Chính phủ. Ông giải thích việc dư luận hiểu chưa rõ về thu nhập và tiền lương của lãnh đạo SCIC là do các khoản thu nhập chứ không phải từ quỹ lương như các khoản truy lĩnh năm 2007 sang năm 2008 mới được nhận, tiền làm thêm giờ, tiền ăn trưa, khoán điện thoại. Tuy nhiên, có sai phạm là ở chỗ nhiều giờ làm thêm vượt quy định.

Chưa hết thắc mắc, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục chất vấn: “Dư luận không quan tâm nhất đến việc lương sếp là bao nhiêu, mà là thực hiện tính lương như thế nào, có đúng các quy định không. Tại sao có Tập đoàn tổng công ty nhà nước lỗ hàng nghìn tỷ đồng mà vẫn trả lương người đứng đầu 5 tỷ, 3 tỷ đồng một năm”?

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cũng quan tâm vấn đề này: “Tôi đồng tình với quan điểm làm lợi cho đất nước thì được hưởng thu nhập xứng đáng. Nhưng với SCIC, một tổng công ty vừa mới được thành lập, phần lợi nào thực sự là SCIC làm ra, phần nào là do các doanh nghiệp tự sinh lãi? Giống như một vườn cây trồng lâu năm rồi, nay anh chỉ việc hái quả thôi, không thể tính là công sức của mình”.

Chốt phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vấn đề ở đây không hẳn là lương mà tổng thu nhập có hợp lý không, có hài hòa không.

Quản lý giá: chế tài xử phạt vi phạm về giá hiện chưa đủ sức răn đe

Một nhóm vấn đề quan trọng khác được nhiều đại biểu quan tâm là công tác quản lý giá cả. Làm rõ vấn đề này, ngoài phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh còn có sự tham gia trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nêu những bức xúc của vấn đề giá cả: “Nhà nước quy định 14 mặt hàng thiết yếu trong danh mục bình ổn giá phải niêm yết giá bán, nhưng trên thực tế nông dân luôn bị làm giá, việc xử phạt còn quá nhẹ. Giá xăng dầu trên thị trường luôn tăng nhanh giảm chậm, còn giá rất nhiều loại thuốc chữa bệnh vẫn đội lên cao hơn giá thành 4-5 lần”.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Ninh cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thực hiện đúng các quy định hiện hành, còn việc giá xuống chậm là do còn phải trích quỹ bình ổn giá và cắt lỗ trước đó (khi giá lên doanh nghiệp phải chịu lỗ để giữ giá bán, ổn định tình hình kinh tế xã hội).

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, kết quả kiểm tra liên ngành cho thấy tình trạng vi phạm các quy định về giá cả vẫn còn xảy ra tương đối phổ biến. Ghi nhận ý kiến của các đại biểu cho rằng chế tài xử phạt vi phạm về giá hiện chưa đủ sức răn đe, Bộ trưởng khẳng định cố gắng kiểm soát chặt chẽ và luôn luôn đứng về phía người tiêu dùng.

Trong vấn đề làm giá thuốc trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu giải trình thêm, theo thông tin thống kê tháng 5 vừa qua, trong 4 tháng đầu năm 2010, giá thuốc chỉ tăng 3,1%, thấp hơn mức tăng CPI chung so với cũng kỳ 2009.Tuy nhiên, Bộ trưởng công nhận, việc một số loại thuốc đặc trị tăng giá mạnh, tới 2-3 lần là có thật. Bộ trưởng nói thêm "Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc này và bước đầu đã thấy có hiệu quả”.

Tổng hợp phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Với nền kinh tế nước ta hiện nay thì phải có phương pháp quản lý giá mới, không thể bằng mệnh lệnh hành chính. Nhưng quản lý giá vẫn là vấn đề lớn, dân vẫn còn kêu”.

Nợ quốc gia: không có nợ quá hạn và nợ xấu

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi đến Quốc hội thì nợ quốc gia của Việt Nam đến 31/12/2009 chiếm 38,9% GDP; nợ Chính phủ chiếm 41,9% GDP, trong đó nợ trong nước chiếm 41,2%, nợ nước ngoài chiếm 58,8%. Tuy nhiên, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, những con số này chưa bao quát hết tình hình nợ công của Việt Nam.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định con số nợ công, nợ quốc gia và nợ chính phủ đưa ra là chính xác, đã bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước tự vay, tự trả, nợ doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh. Ông nói: “Tôi không giấu nợ vì nếu vỡ nợ thì Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm trước tiên”. “Đến nay không có khoản nợ nào đến hạn mà không trả được, không có nợ quá hạn và nợ xấu”.

Một số vấn đề khác liên quan đến tình trạng “nợ” quyết toán của nhiều công trình lớn; chủ trương hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, cơ sở để tính toán thu – chi ngân sách, trình Quốc hội quyết định bội chi ngân sách...đã được nêu ra trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài Chính.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều hành Phiên chất vấn, ông cho biết, đã có 189 câu hỏi được gửi đến Thủ tướng, Phó Thủ tướng và trưởng các bộ, ngành. Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Giao thông Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn trực tiếp.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất