Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 6/6/2018 16:26'(GMT+7)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Phòng chống tham nhũng và phát triển kinh tế là hai nhiệm vụ “kép”

 


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu trước phiên trả lời chất vấn Quốc hội chiều 6-6.

 

“Đặc khu người đứng đầu cũng phải đặc biệt”

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn: Nếu Quốc hội thông qua Luật Đặc khu thì tiêu chí tuyển chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu như thế nào?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt".

Phó Thủ tướng cho biết, trong dự thảo luật đã đề xuất quy định lựa chọn Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ, theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định và HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn.

Với quy trình chặt chẽ như thế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng sẽ chọn người đủ đức, đủ tài chèo lái đặc khu.

Tiếp tục về vấn đề đặc khu, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội, ảnh trên) chất vấn: Nếu triển khai ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong thì kinh tế - xã hội các địa phương đó phát triển đến mức nào, đóng góp to lớn thế nào cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Xin Phó Thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế ba đặc khu đó với sự ổn định về an ninh quốc phòng và sự vẹn toàn của lãnh thổ theo thời gian?

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, trên thế giới, việc ra đời đặc khu để tạo ra các nơi thử nghiệm các thể chế, tạo ra các cực tăng trưởng. Dự luật này hiện Quốc hội đang thảo luận, tính toán tổng thể lợi ích về kinh tế, thu hút đầu tư, quan hệ kinh tế với quốc phòng an ninh.

TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đầu tàu động lực của cả nước. Dù có hay không có đặc khu thì hai thành phố này vẫn là đầu tàu, cùng bảy vùng kinh tế trọng điểm, chúng ta tiếp tục tập trung cơ chế chính sách phát huy thế mạnh các vùng này. Tôi nghĩ, với việc ra đời đặc khu không ảnh hưởng, tác động gì đến quan điểm cũng như sự phát triển của chúng ta. Các nguồn lực của Trung ương và địa phương tập trung cho hai đầu tàu và bảy vùng kinh tế trọng điểm.

Chưa hài lòng với câu trả lời của ông Vương Đình Huệ về đặc khu kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc lại câu hỏi: Xin Phó thủ tướng cho một vài phác thảo về phát triển kinh tế - xã hội tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; mối quan hệ phát triển kinh tế ba đặc khu này với an ninh quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ cả nước theo thời gian ra sao?

 

Trước câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, Quốc hội đang bàn Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, hiện chưa ban hành, để có câu trả lời đầy đủ vấn đề đại biểu nêu thì cần nghiên cứu chặt chẽ hơn. "Xin đại biểu cho phép Phó thủ tướng trả lời bằng văn bản", bà Ngân nói.

Tìm giải pháp quản lý tiền ảo

 

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề cập đến một trong những vấn đề nóng hiện nay là tiền ảo và đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết giải pháp quản lý như thế nào.

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết, ngay khi có thông tin liên quan đến việc nhiều người mua máy về đào bitcon, rồi một số vụ việc phức tạp như sử dụng thẻ cào thanh toán trên mạng, đánh bạc, kinh doanh đa cấp mất hơn 15 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thành lập một đề án, giao Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan xử lý tiền ảo nói chung. Ngân hàng Nhà nước cũng ngay lập tức ban hành văn bản không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán ở Việt Nam. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết, thực trạng tiền ảo ở Việt Nam khá sôi động: “Từ năm ngoái đến nay đã nhập khẩu 15.600 bộ máy đào bitcoin, ở TP Hồ Chí Minh là hơn 9.000 bộ, còn lại là ở Hà Nội. Chính phủ dự kiến thời gian tới sẽ cấm nhập máy, nhưng cần xem xét thêm cơ sở pháp lý”.

 

Cũng vấn đề tiền ảo, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng tiền ảo là một trong những công cụ thanh toán ngang giá trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cho nên không nên cấm mà nên nghiên cứu tạo hành lang pháp lý. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đến giờ phút này, pháp luật Việt Nam chưa cho phép lưu hành tiền ảo. Còn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan nghiên cứu kỹ: “Sắp tới chúng ta phải có những chính sách đón trước những vấn đề như thế này” – Phó Thủ tướng nói.

Đề nghị quan tâm phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là phát triển khu vực ĐBSCL theo nghị quyết 120 của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề cập đến nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển khu vực ĐBSCL, trong đó 15 tỉnh, thành được phân công thực hiện nhưng còn chậm, ngoại trừ gần đây, Thủ tướng đồng ý cấp 2.500 tỷ đồng khắc phục sạt lở, thời gian tới Chính phủ có ưu tiên gì để thúc đẩy phát triển ĐBSCL?

Tương tự, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cũng đề cập đến nghị quyết 120 khi đề nghị cử một Phó Thủ tướng chuyên trách vấn đề này: “Chính phủ có giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách nghị quyết 120 về liên kết vùng, nhưng tôi kiến nghị Chính phủ giao cho một Phó Thủ tướng trực tiếp phụ trách mới hiệu quả”

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn.

Chia sẻ ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết việc ban hành Nghị quyết 120 là sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với khu vực ĐBSCL. Chính phủ đã tổ chức một hội nghị ba ngày về việc này, và bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đi trực thăng thị sát vùng. Sản phẩm là việc Chính phủ ban hành nghị quyết 120. Để thực hiện thì phải có biện pháp quản lý tổng hợp, trước hết là quản lý tài nguyên nước. Việt Nam mưa nhiều nhưng có tới 60-70% lượng nước phụ thuộc nước ngoài,. Nền đất vùng ĐBSCL yếu, cộng với khai thác nước ngầm vô nguyên tắc nên sụt lún thêm. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu, trong đó khu vực ĐBSCL lại là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ áp dụng công trình và giải pháp phi công trình. Xói lở bờ sông, bờ biển thì quan điểm phải dành không gian cho bờ sông, bờ biển khi quy hoạch đô thị, khu dân cư. Thủ tướng đã giao Bộ xây dựng xây quy hoạch tổng thể đô thị hoá ĐBSCL. Về nông nghiệp, phải tái cơ cấu theo ba vùng nước: mặn, lợ, ngọt. Chúng ta còn những tiểu vùng, như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… đã đưa vào thực hiện .

Còn về nguồn lực, Phó Thủ tướng cho biết vừa rồi Chính phủ ưu tiên cấp 2.500 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách 2018 để hỗ trợ giải quyết những bất cập,bức xúc liên quan đến sạt lở, di dời. Phó Thủ tưởng cũng cho biết hiện đang đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng 1.000 tỷ từ nguồn vốn dự phòng trung và dài hạn, ngoài ra các dự án ODA và dự án cũng tập trung vào đây. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ điều phối công tác liên kết vùng cùng các Bộ thực hiện nghị quyết. Phó Thủ tướng thừa nhận đúng là việc giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách chưa đủ lực như đại biểu nói, vì việc liên kết vùng liên quan đến nhiều ngành.

Phòng chống tham nhũng không ảnh hưởng phát triển kinh tế

Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) cho biết, cuộc chiến chống tham nhũng được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá đạt một số kết quả nhất định, tăng niềm tin lớn của cử tri với Đảng, Nhà nước. Đại biểu này đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quyết tâm của Chính phủ với cuộc chiến này trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua đạt được kết quả to lớn, căn bản và được đồng bào, cử tri cả nước đồng tình ủng hộ, dư luận quốc tế đánh giá cao.

“Khi chúng tôi tham dự diễn đàn kinh tế, nhiều quan chức các nước hỏi rằng, nếu đấu tranh phòng chống tham nhũng mà gay gắt như vậy có ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh không. Chúng tôi trả lời: “Không”. Bằng chứng là năm 2017, chúng ta đã làm được toàn diện cả về mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí và cả kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.

Ông Vương Đình Huệ cho biết quan điểm của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay là phải làm nhiệm vụ “kép”, tạo năng lực sản xuất mới, đổi mới mô hình tăng trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… mặt khác phải biết cách thực hiện với vấn đề còn tồn tại nhiều trong nền kinh tế, nhất là lĩnh vực liên quan đất đai, cổ phần hóa, tài chính ngân hàng, hải quan, công tác cán bộ…

Kết quả thanh tra Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội về số vụ, số phát hiện qua công tác kiểm toán. Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an cũng tiến hành điều tra, khởi tố kịp thời đối tượng; xử nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng về kinh tế.

 

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiêm túc chấp hành, thực hiện nghiêm chương trình công tác của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các cơ quan hữu quan, các ngành tư pháp, kết hợp với giám sát của Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng này.

Ban hành chỉ thị để kiểm soát thuốc kém chất lượng

Đại biểu Mùa A Vàng (Điện Biên) chất vấn: thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng, gây bức xúc cho cử tri và nhân dân. Xin Phó Thủ tướng cho biết giải pháp của Chính phủ trong vấn đề này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay các nước phân loại tỷ lệ thuốc giả chiếm khoảng 10%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này khá thấp, khoảng 2,1%. Nhưng vừa qua, xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt là vụ thuốc ung thư giả Vinaca. Trước tình hình này, một mặt Chính phủ chỉ đạo phải xử lý nghiêm những sai phạm, riêng vụ Vinaca đã tiến hành khởi tố và bắt giam; mặt khác, phải tăng cường công tác quản lý về mặt nhà nước của Bộ Y tế.

Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo tăng cường công tác đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, cùng với việc đấu thầu tại các tỉnh, bệnh viện. Hiện nay, đấu thầu có nhiều tác dụng, quản lý chất lượng thuốc trên cơ sở hồ sơ mời thầu minh bạch; giảm được giá thuốc nhiều. “Qua đấu thầu, chúng ta giảm được từ 15-20% chi phí giá thuốc, trong đó có những thuốc biệt dược giảm 13-14%. Chúng ta tăng cường quản lý chất lượng và quy trình bán thuốc cũng như kê đơn tại cửa hàng, hiệu thuốc. Thời gian vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo và đã thực hiện việc kết nối công nghệ thông tin với cơ sở khám, chữa bệnh với nhà thuốc bảo đảm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Chúng ta thực hiện thí điểm từ đầu năm 2017 tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hưng Yên. Dự kiến sẽ đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện việc này vào tháng 7-2018 và tiến tới triển khai trên toàn quốc”, Phó Thủ tướng nói.

 

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Thủ tướng xem xét ban hành Chỉ thị tăng cường phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất kinh doanh trái phép một số loại sản phẩm hàng hóa, trong đó có loại thuốc. Hiện quy trình đã làm xong và Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị trong tháng 6 này. Tinh thần của chỉ thị một là, bảo đảm chất lượng; hai là giảm giá thuốc theo mặt bằng thu nhập hiện nay.

* Báo cáo của Chính phủ giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV cho biết, tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã gửi 137 phiếu chất vấn các thành viên Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản gửi đến các vị ĐBQH. Hơn hai ngày qua, đã có bốn Bộ trưởng, hai Phó Thủ tướng tham gia trả lời chất vấn tại hội trường.

Trước khi trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có bài phát biểu, trong đó cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018

Báo cáo cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực.

Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,55% (chủ yếu do tăng giá xăng dầu và giá thịt lợn hơi), bình quân 5 tháng tăng 3,01%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%.

Tín dụng 5 tháng tăng 5,8%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Xuất khẩu 5 tháng đạt trên 93 tỷ USD, tăng 15,8%; xuất siêu 3,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, tăng 13,6%, bằng 41,6% dự toán.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6,75 tỷ USD, tăng 9,8%. Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. Nông nghiệp được mùa, giá bán tăng, nông dân có lãi, đời sống được cải thiện…

Sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 9,7%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 11,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1%, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%. Khách quốc tế đạt trên 6,7 triệu lượt, tăng 27,6%. Trong 5 tháng có trên 52 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt 1,42 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm và có chuyển biến tích cực. Tạo việc làm cho trên 640 nghìn lao động, trong đó đưa 48 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng cao hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng mới đạt 22,5% dự toán. Nhập siêu của khu vực trong nước cao. Cắt giảm thủ tục hành chính nhiều nơi chưa đạt yêu cầu; chi phí logistics, vận tải, kho bãi... còn cao. Xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp. Tình hình khiếu nại, khiếu kiện, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.

Báo cáo cũng giải trình thêm về bốn nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, chất vấn gồm: Về kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn, xử lý tồn tại của các dự án BOT; về quản lý đất đai, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phổ thông, quản lý giáo dục mầm non và đạo đức, lối sống trong nhà trường; về thị trường lao động, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng dạy nghề, chăm sóc bảo vệ trẻ em.

Theo Báo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất