Thứ Sáu, 22/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 23/7/2019 19:17'(GMT+7)

Phối hợp giữa các ban, ngành, triển khai hiệu quả Luật An ninh mạng

Luật An ninh mạng được Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua với tỷ lệ 86,86% phiếu tán thành. Luật gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức với 4 trọng tâm và 5 chính sách lớn của Nhà nước về bảo vệ an ninh mạng. 

Nhiều quy định trong Luật An ninh mạng cũng quy định rõ trách nhiệm với cộng đồng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý hệ thống thông tin và cung cấp dịch vụ trên không gian mạng; góp phần quan trọng hình thành không gian mạng an toàn, lành mạnh; góp phần nâng cao khả năng bảo vệ an ninh mạng trước những nguy cơ đến từ không gian mạng, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. 

Bộ Công an đang khẩn trương hoàn tất dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng và Nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện một số biện pháp nghiệp vụ bảo vệ an ninh mạng, trình Chính phủ ban hành để triển khai thực hiện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an báo cáo 2 chuyên đề gồm: Quá trình xây dựng, nội dung cơ bản và một số vấn đề đặt ra trong triển khai thi hành Luật An ninh mạng và Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong triển khai thi hành Luật An ninh mạng... Các đại biểu cũng đã được xem phóng sự tư liệu về những thách thức đối với an ninh mạng; tọa đàm chia sẻ, làm rõ thêm những nội dung trong Luật An ninh mạng như cách phòng, chống thông tin xấu độc, sai sự thật, chống Nhà nước và trách nhiệm xây dựng không gian mạng lành mạnh; bảo vệ thông tin cá nhân...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam nêu rõ: Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, không gian mạng đã mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho xã hội cũng như làm thay đổi nhận thức, hành vi và lối sống của con người; đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức tác động trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. 

Điểm lại tình hình thế giới và khu vực; những ưu tiên chiến lược trong đầu tư ngân sách cho an ninh mạng của các cường quốc trên thế giới, Thứ trưởng Bùi Văn Nam đã chỉ ra những nguy cơ và thách thức đối với Việt Nam về an ninh mạng. 

Thứ trưởng Bùi Văn Nam nhấn mạnh: Bảo vệ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, được xác định là nhiệm vụ chiến lược ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trên cơ sở đó, các nước đã ban hành các văn bản pháp luật và thiết lập quy tắc ứng xử để điều chỉnh các hành vi, mối quan hệ xã hội trên không gian mạng, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ an ninh mạng và phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. 

Luật An ninh mạng của Việt Nam được ban hành đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng. Đây là văn bản quan trọng, được xây dựng công phu, chặt chẽ, đã tham khảo, tiếp thu những văn bản quy phạm pháp luật của các nước trên thế giới, phù hợp với quan hệ quốc tế và xu hướng phát triển; qua đó góp phần điều chỉnh những vấn đề mang tính cấp thiết, cấp bách đang đặt ra hiện nay.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam mong muốn, sau hội nghị, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cả nước sẽ thống nhất và nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ an ninh mạng khi tham gia hoạt động trên không gian mạng; mọi hoạt động trên không gian mạng đều phải hướng tới an toàn, an ninh và bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam đề nghị, các đại biểu cần nắm rõ những nội dung cơ bản, vấn đề cốt lõi của Luật An ninh mạng; làm rõ vai trò, vị trí của Luật An ninh mạng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo chủ quyền, quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước; các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Luật An ninh mạng; cũng như việc tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành với Bộ Công an để triển khai Luật An ninh mạng đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới./.

Xuân Tùng/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất