Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 26-12, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, cả nước có khoảng 26,3 triệu trẻ em. Trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em ước tính chiếm khoảng 8% tổng số trẻ em.
Theo số liệu của Bộ Công an, xâm hại trẻ em có giảm về số vụ việc và số nạn nhân. Tuy nhiên, năm 2018 nổi lên một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội. Qua phân tích của Cục Trẻ em và số cuộc gọi đến Tổng đài 111, những vụ xâm hại trẻ em sẽ bị tố cáo nhiều hơn do pháp luật về bảo vệ trẻ em đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận thông tin, có dịch vụ tiếp nhận thông tin thông báo, tố giác và thông tin này được bảo mật. Đặc biệt, nhận thức của người dân về trách nhiệm lên án, tố cáo những vụ xâm hại bạo lực tăng lên. Quyền tham gia của trẻ em đã được quan tâm. Trẻ em được lấy ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản chính sách có liên quan đến trẻ em. Các hoạt động diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động cho trẻ em được thực hiện thường xuyên.
|
Sân chơi sử dụng các vật liệu tái chế tại xã Hà Lỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. |
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Trẻ em, vẫn còn những hạn chế, tồn tại về công tác trẻ em như, tại một số địa phương, công tác bảo vệ trẻ em đặc biệt là phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chậm được xác định, bố trí theo Luật Trẻ em. Ngân sách dành cho quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em của một số địa phương không hoặc bố trí rất ít…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đánh giá cao nỗ lực cũng như những kết quả đã đạt được trong công tác trẻ em năm 2018 đồng thời yêu cầu Cục Trẻ em tiếp tục làm tốt một số nhiệm vụ trong năm 2019 như: Xây dựng cơ chế phối hợp với Trung ương đoàn để địa phương có thể tiếp nhận và có khả năng triển khai công tác bảo vệ trẻ em; tổng hợp và đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề trẻ em đặt ra như: Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trẻ em là nạn nhân buôn bán người...; phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, cơ quan báo chí để tham mưu và xử lý nhanh những vụ việc liên quan đến trẻ em…
BĂNG CHÂU/QĐND.VN