(TG)- Từ đầu tháng 7 đến nay, mưa, lũ xảy ra tại nhiều địa phương ở phía bắc và miền trung. Mưa lũ là điều kiện cho các loại bệnh phát sinh và bùng phát thành dịch, nhất là các bệnh về tiêu hóa, đau mắt đỏ, nước ăn chân, sốt rét, sốt xuất huyết... Ngành y tế cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch; người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều đợt mưa kéo dài ở các tỉnh, thành phố đã gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân tại các tỉnh miền núi phía bắc và một số tỉnh miền trung. Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng: trong và sau mưa bão, lũ lụt, rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước lan đi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường và tăng khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm. Rác thải và xác động vật chết ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân, là nguyên nhân gây các loại dịch bệnh như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ,... Ðáng chú ý, vi khuẩn E.Cô-li thường có nhiều trong nước, rau sống, thịt nhiễm khuẩn, vì thế mùa mưa bão được coi là mùa của bệnh đường ruột. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là những cơn đau bụng bất ngờ; sau đó một vài giờ người bệnh bị tiêu chảy.
Trong nhiều ngày người dân phải chống chọi với bão, lụt, cho nên sức khỏe thường bị giảm sút, thêm vào đó các tác nhân truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết phát triển gây nên các mầm bệnh tại cộng đồng. Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết: Khi mưa, bão xảy ra, sức khỏe và tính mạng người dân bị đe dọa do dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; nhất là sau lũ, lụt. Nguyên nhân chính do nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn thường khan hiếm; lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố. Ðặc biệt, người dân khó bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm. Vì vậy, người dân đang sinh sống tại những khu vực bị ảnh hưởng mưa, bão, lũ, lụt dễ bị ngộ độc thực phẩm và mắc các bệnh truyền qua thực phẩm như: Tả, thương hàn, viêm gan A, E...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong năm 2017, có khoảng từ 13 đến 15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Ðông, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó, sẽ có khoảng từ ba đến bốn cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ngành y tế các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa mưa, bão; giám sát tình hình, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; không để các bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng cũng đề nghị ngành y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiết yếu, có nguy cơ ô nhiễm cao; phát hiện, xử lý kịp thực phẩm ô nhiễm, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không bảo đảm ATTP; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để giám sát phát hiện sớm ca bệnh, cấp cứu và điều trị kịp thời; điều tra dịch tễ học theo quy định, xác định phương thức lây truyền, thức ăn, nguyên nhân gây bệnh để triển khai có hiệu quả và ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo mà ngành y tế đưa ra như: Lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh; ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà-phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy; thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế; khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Thái Sơn