Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 8/6/2011 9:56'(GMT+7)

Phòng, chống tác hại của Game Online với học sinh: Phải “nhận diện” chính xác

Học sinh “nghiện” Game Online, vấn đề được xã hội quan tâm. Ảnh: Như Ý

Học sinh “nghiện” Game Online, vấn đề được xã hội quan tâm. Ảnh: Như Ý

Giảm quán "nét", tăng nỗi lo

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, vào tháng 10-2010, trên địa bàn Hà Nội có 566 đại lý kinh doanh internet ở cách trường học dưới 200m, thì đến tháng 5-2011, con số này chỉ còn 77. Đây được cho là minh chứng rõ nét cho sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, trong đó có các nhà trường trong việc dẹp bỏ tụ điểm kinh doanh internet gần trường học.

Tuy vậy, với ban giám hiệu nhiều trường - những người nắm khá rõ về đặc điểm trường mình thì những con số ấy chưa làm họ vui mừng. Thực tế cho thấy, sau cuộc tổng rà soát và dẹp bỏ các đại lý internet cách trường học dưới 200m trên địa bàn, nhiều quán "nét" đã lui về hoạt động bí mật hoặc trá hình. Những cơ sở này không treo biển kinh doanh, HS vào chơi đều là khách quen và được phục vụ chu đáo. Hiệu trưởng, giáo viên trong trường đều biết, đều đã báo cáo với chính quyền địa phương, song việc dẹp bỏ dường như không thể bởi khó tìm ra chứng cứ.

Theo khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội, có tới 72% số HS cho biết thường chơi G.O ở những địa điểm gần nhà hoặc xa trường, chỉ có 12,6% "tự thú" là chơi ở gần trường, có thể đi bộ được. Rõ ràng, phương án đóng cửa các quán "nét" gần cổng trường dù có được thực hiện triệt để cũng khó giảm thiểu tình trạng HS chơi G.O.

Chia sẻ mối lo lắng về tình trạng này, đại diện lãnh đạo Trường THPT Minh Phú khẳng định: Những con số thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội về tình trạng HS chơi và nghiện G.O chưa phản ánh đúng thực tế. Giáo viên của trường đã trực tiếp hỏi từng HS và được biết, khi trả lời khảo sát, các em chỉ trả lời đúng ở một mức độ nhất định và theo hướng tích cực. Còn thực tế, có cả cán bộ lớp vẫn thường xuyên chơi G.O. Điều ấy cho thấy G.O không chỉ cám dỗ HS chưa chuyên cần, mà còn lôi cuốn cả những HS ngoan, học khá.

Giáo viên chưa "nhận diện" được nghiện G.O

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để HS, phụ huynh và toàn xã hội nâng cao hiểu biết về tác hại của G.O, nhất là G.O có trò chơi bạo lực, không lành mạnh là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được các đại biểu đưa ra tại hội thảo. Song, nói như Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình Nguyễn Thế Đại thì công tác tuyên truyền về G.O hiện nay còn mờ nhạt, tài liệu về G.O quá ít. Không ít thầy, cô giáo chưa nhận biết được những triệu chứng nghiện G.O của HS, các con đường dẫn đến nghiện G.O, đâu là những G.O bạo lực và không lành mạnh? Thế nào là chơi G.O trái quy định?... Khi chưa thể "nhận diện" chính xác về G.O thì việc tuyên truyền, quản lý, giáo dục HS tránh xa tác hại của G.O khó có thể làm được như mong muốn.

Cùng nhận định này, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng cho rằng, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về G.O, Bộ GD-ĐT cần cung cấp cho các nhà trường băng hình, tài liệu để giáo viên hiểu biết rõ về các triệu chứng, hình thức chơi G.O, tác hại của việc nghiện G.O… từ đó mới có thể định hướng được việc quản lý, giáo dục HS.

Vai trò của nhà trường trong việc phối hợp với phụ huynh để cùng quản lý HS cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập. Điều này phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và từng phụ huynh HS. Khi cha mẹ hiểu biết đầy đủ và chính xác về G.O với những tác động tiêu cực đến hành vi, đạo đức, lối sống của con em mình thì chắc chắn sẽ chủ động, tích cực quản lý, giáo dục.

Cha mẹ "giúp" con nghiện G.O?

Bức tranh nhức nhối về tình trạng HS chơi và nghiện G.O trên địa bàn Hà Nội đã cho thấy sự cần thiết phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đối với việc kinh doanh dịch vụ G.O và vai trò của người lớn trong việc định hướng hành vi, phát triển nhân cách cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Trong khi chờ thêm những văn bản pháp quy đủ mạnh của Nhà nước về quản lý dịch vụ G.O, thì việc phòng, chống phải bắt đầu ngay từ mỗi gia đình bởi HS thường chơi G.O ngoài giờ học, trong khi không ít cha mẹ lơ là trong việc quản lý, giáo dục con. Bảng tổng hợp số liệu thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội là minh chứng cho điều ấy. Trong số gần 370.400 HS được hỏi, có tới gần 61% số em cho biết thường chơi G.O vào ngày nghỉ; nếu vào ngày thường, 81% số HS chơi G.O vào các giờ nghỉ trưa hoặc tối (từ 12-13h và từ 18-21h), tỷ lệ HS chơi trong giờ hành chính rất ít.

Giải pháp ngăn chặn tác hại của G.O từ gia đình còn xuất phát từ thực tế là phần lớn các em đều được bố mẹ cho tiền để chơi G.O. Thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy, gần 51% số HS được hỏi cho biết được bố mẹ hoặc anh chị cho tiền chơi, trong khi đó, tất cả HS đều trả lời bố mẹ biết các em dùng tiền để chơi G.O ngoài quán nhưng vẫn cho.

- Theo khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội, 94% HS được hỏi cho biết thời gian cho mỗi lần chơi G.O khoảng từ 1 đến 3 giờ; 66,8% số HS biết G.O có ảnh hưởng tiêu cực đến việc học; 53% số HS trả lời không hề biết tới các quy định của Nhà nước về quản lý G.O; 57% số HS không quan tâm tới các nội dung cảnh báo (như độ tuổi được chơi, loại trò chơi…) khi đăng nhập vào các trò chơi.

-Theo Chương trình hành động phòng, chống tác hại của G.O do Bộ GD-ĐT mới ban hành và sẽ triển khai từ đầu năm học 2011-2012, các nhà trường phải vận động, giáo dục HS theo chương châm "3 không": không chơi trò chơi bạo lực; không làm ngơ khi biết bạn nghiện G.O; không làm ngơ khi biết có địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ G.O trái phép.

Theo HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất