Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, với các bệnh như: đột quỵ, mạch vành, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hút thuốc lá không những gây tổn hại đối với sức khỏe bản thân người sử dụng mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh vì hít phải khói thuốc; tác động xấu đến môi trường sống, làm tăng gánh nặng kinh tế đối với các quốc gia do chi phí chăm sóc y tế lớn để điều trị các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ ngày 01/5/2013. Điều đó, thể hiện những bước tiến đáng ghi nhận trong công tác lập pháp của Việt Nam, thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tác hại của thuốc lá cũng như yêu cầu và tầm quan trọng của việc phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng.
Tuy nhiên, để Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào cuộc sống thì vẫn còn đó những khó khăn, vấn đề cốt lõi trong công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá là phải nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng.
Bỏ thuốc lá đã trở thành một phong trào rộng rãi trên thế giới, dù là nước phát triển hay nước đang phát triển cũng đều quan tâm tới vấn đề này. Để thúc đẩy phong trào bỏ thuốc lá, thế giới đã chọn ngày 31/5 hàng năm làm “Ngày Thế giới không hút thuốc lá”. Hàng năm, vào ngày 31/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác cùng kỷ niệm Ngày Thế giới không thuốc lá. Mục đích nhằm nêu bật những nguy cơ sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm sử dụng thuốc lá.
Trong những năm qua, nhận thức của người dân về tác hại của khói thuốc ngày được nâng cao, nhất là được sống trong môi trường không khói thuốc lá; nhiều tỉnh, thành phố, các bộ, ban ngành đã quan tâm triển khai các quy định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ sở y tế, trường học, cơ quan, xí nghiệp trong toàn tỉnh; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.
Thông qua hoạt động tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc lá có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ này không lớn. Ngược lại, người mắc bệnh có liên quan đến thuốc lá lại có xu hướng tăng.
Mặc dù công tác PCTHTL đã được hiện thực hóa thành luật, nhưng để triển khai được luật trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập, vẫn còn hiện tượng hút thuốc lá tại nơi làm việc và những nơi công cộng. Tại cơ sở y tế là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và cả khuôn viên, nhưng thực tế, tại các trung tâm y tế, bệnh viện vẫn có rất nhiều người “vô tư” hút thuốc... Trong khi đó, việc xử lý vi phạm thực hiện chưa nghiêm khiến người dân thờ ơ với quy định.
Mỗi chúng ta ai cũng có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Việc nâng cao nhận thức về PCTHTL để có thể bảo vệ được quyền lợi của những người xung quanh là điều mà chúng ta cần phải làm. Vì thế, công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin về tác hại của thuốc lá, về các ảnh hưởng của thuốc lá đối với những người trực tiếp sử dụng thuốc lá là rất cần thiết. Việc thông tin cần đa dạng, thường xuyên để cộng đồng dễ nhận biết, dễ liên hệ với tình trạng sức khỏe bản thân trước những tác hại cụ thể của hút thuốc lá thụ động. Cùng với đó, cũng cần phải phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong từng lĩnh vực của công tác PCTHTL để người dân có thể nhận biết, giám sát hoặc kiến nghị khi cần thiết.
Công cuộc PCTHTL không phải đơn giản, đòi hỏi phải diễn ra thường xuyên, liên tục và lâu dài. Việc thực thi quy định xử phạt hành chính hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cần thực chất, đủ để răn đe. Đặc biệt, vấn đề cốt lõi là người dân phải tự nâng cao ý thức tự giác không hút thuốc lá. Luật PCTHTL ra đời là hành lang pháp lý quan trọng góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Do đó, mỗi người hãy cùng chung tay đưa nội dung Luật này vào đời sống để xây dựng một môi trường sống an toàn, không khói thuốc lá, bảo đảm an toàn sức khỏe cho tất cả chúng ta.
Trên thực tế hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân chưa nâng cao nhận thức và nói “không” với tác hại của thuốc lá, bởi những chế tài và hình thức xử phạt cho người hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chưa đi vào thực chất, chưa có tính răn đe mạnh, việc thực thi quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công vẫn là "cuộc chiến" chưa có hồi kết.
Để đạt được những kết quả khả quan hơn trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá cần sự chung tay của cả cộng đồng nhằm triển khai các giải pháp đồng bộ như tuyên truyền tích cực, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và lưu ý việc đẩy mạnh truyền thông trực tiếp với những đối tượng nông dân ít tiếp cận với thông tin, không thích lý thuyết dài dòng mà chỉ cần có người làm gương trước để làm theo.
Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường không thuốc lá từ bệnh viện, trường học, công sở và gia đình. Có thể nói, đây là khâu then chốt vì là nơi chúng ta có thể bắt đầu thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Tuyên truyền, đưa công tác phòng chống tác hại thuốc lá vào nội quy thi đua khen thưởng hàng năm, lãnh đạo và cán bộ cốt cán làm gương, có sự đấu tranh của những người bị hút thuốc lá thụ động trong đơn vị đồng thời cơ quan biểu dương, khen thưởng người bỏ hút thuốc lá. Từ đó, trong đơn vị xuất hiện tâm lý đám đông và người hút thuốc lá thấy khó khăn mỗi khi hút thuốc nên buột phải giảm dần số lần hút thuốc đến lúc sẽ quyết định “bỏ hút thuốc”.
Hiện, 80% người dân sống ở nông thôn. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền tác hại thuốc lá từ tổ chức hội nông dân đến nông dân, từ hội phụ nữ đến phụ nữ. Tại gia đình, người hút thuốc biết rõ tác hại thuốc lá, không ai lại “nỡ đầu độc con, cháu mình” bằng khói thuốc lá nên họ buột phải ra ngoài nhà để hút thuốc hoặc là quyết định “bỏ thuốc lá” vì sức khỏe chính mình và của người thân.
Bệnh viện là nơi điều trị người bệnh, thường có loa phát thanh tuyên truyền không hút thuốc lá trong bệnh viện, lại có lực lượng bảo vệ giám sát, người nhà bệnh nhân nhắc nhở thì không ai có thể “coi thường việc cấm hút thuốc lá”. Các thầy thuốc không hút thuốc lá trong bệnh viện vì phải chấp hành nội quy cơ quan, đồng thời phải là người làm gương không hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trường học là nơi tập trung những trẻ em, thiếu niên, thanh niên, tất cả đều tương lai của nước nhà, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cấm hút thuốc tuyệt đối trong khuôn viên trường học. Tuyên truyền lồng ghép vào bài học tạo ra tâm lý các em “ghét thuốc lá vì hại sức khỏe”, thầy giáo phải tự giác gương mẫu không hút thuốc lá. có biển ghi rõ “Cấm hút thuốc trong trường học” ở ngay lối vào trường giúp cho khách đến liên hệ với trường học cũng phải thực hiện.
Công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá không phải đơn giản, đòi hỏi phải diễn ra thường xuyên, liên tục và lâu dài. Việc thực thi quy định xử phạt hành chính hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cần thực chất, đủ để răn đe. Đặc biệt, vấn đề cốt lõi là người dân phải tự nâng cao ý thức tự giác không hút thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ra đời là hành lang pháp lý quan trọng góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Do đó, mỗi người hãy cùng chung tay đưa nội dung Luật này vào đời sống để xây dựng một môi trường sống an toàn, không khói thuốc lá, đảm bảo an toàn sức khỏe cho tất cả chúng ta./.
Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, có hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.
Nhằm thông tin đến cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới môi trường, WHO chọn thông điệp “Thuốc lá - Mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” làm chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022.
Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe. |
TG