Theo số liệu của Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, tính từ đầu năm 2019 đến nay, thiên tai diễn biến khó lường, dị thường tại khắp các vùng miền trên cả nước, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại Lai Châu, Thanh Hóa, lũ lụt nghiêm trọng tại Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, trong khi đó mực nước 2 hồ chứa Sơn La, Hòa Bình thấp nhất trong những năm gần đây; hạn hán kéo dài nhất là tại khu vực Trung Bộ vào tháng 6-7 gây cháy rừng diện rộng; sạt lở bờ sông, bờ biển Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; mưa lịch sử, gây ngập lụt tại Phú Quốc, Kiên Giang; nước dâng, sóng lớn tràn qua gây sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau,…
Từ đầu năm 2019 đã có 4 cơn bão; 4 đợt không khí lạnh gây rét hại; 49 trận mưa lớn gây lũ, ngập lụt; 8 trận lũ quét, sạt lở đất; 195 trận dông lốc, sét, mưa đá, 121 vụ sạt lở bờ sông; 8 đợt nắng nóng,… Trong đó nghiêm trọng nhất là lũ quét, sạt lở đất tại Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa do mưa lũ sau bão số 3.
|
Bên cạnh những thiệt hại về vật chất nêu trên, thiên tai cũng đã làm đình trệ sản xuất, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực, nhất là khu vực Bắc Trung Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian qua, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thànhủy đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng làm tốt công tác thông tin tại cơ sở. Các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng được đẩy mạnh và có nhiều cải tiến với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. Kết hợp chặt chẽ các phương tiện hiện đại (phát thanh, truyền hình, website, facebook, tin nhắn qua zalo, viber, SMS) với các công cụ truyền thống (loa phóng thanh, loa cầm tay, cồng chiêng, tù và, trống phách vv…); tần suất cung cấp thông tin được tăng lên nhiều lần, phản ánh kịp thời các diễn biến và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT). Đến nay, đã có 51/63 tỉnh và 18/22 bộ, ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tích cực xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai và triển khai Quỹ Phòng, chống thiên tai tăng thêm nguồn lực phục vụ có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai của địa phương.
Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở và người dân thường xuyên được cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ thuật ứng phó; nhiều nơi được đào tạo, tập huấn, diễn tập nên nhận thức đầy đủ hơn từ công tác phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Công tác rà soát, xây dựng, điều chỉnh, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phòng chống thiên tai được quan tâm chỉ đạo (Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai; Sửa đổi Nghị định 94/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 quy định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai; xây dựng Nghị định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế để cứu trợ khẩn cấp vàkhắc phục hậu quả thiên tai), tạo hành lang pháp lý, tăng nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai để triển khai công tác PCTT phù hợp với thực tế và đi vào cuộc sống.
Trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp với yêu cầu đảm bảo an toàn cho một xã hội với quy mô dân số, nền kinh tế ngày càng tăng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT khuyến cáo một số nội dung cần tập trung triển khai trong thời gian tới như sau:
Trước hết, cần tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3, 4, mưa lũ miền Trung, Tây Nguyên gây ra và sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.
Hai là, sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 94/2014/NĐ-CP về thành lập và quản lý quỹ PCTT; trình Ban Bí thư chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTT.
Ba là, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai; phát huy vai trò của cộng đồng ở địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Bốn là, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, trong đó ưu tiên sử dụng nguồn lực xã hội hóa, thuê dịch vụ; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng trực tuyến để chủ động trong việc chỉ đạo ứng phó thiên tai ngay từ giờ đầu.
Thiên tai đã làm 117 người chết và mất tích; 148 người bị thương; 1.102 nhà bị sập đổ, 30.124 nhà bị hư hỏng, tốc mái và di dời khẩn cấp; 63.000ha lúa và 14.000 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 18.000 ha cây trồng bị thiệt hại; 137km đê kè bị sạt lở; 122km đường giao thông bị sạt lở và gần 880.000 m3 đất đá, bê tông sạt lở,… Tổng thiệt hại về kinh tế gần 10.000 tỷ đồng. |
Năm là, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ chỉ đạo điều hành PCTT. Áp dụng công nghệ theo dõi, vận hành theo thời gian thực đối với các quy trình vận hành các lưu vực sông liên tỉnh để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, an toàn công trình và hạ du,…
Sáu là, tiếp tục đầu tư phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn phù hợp với từng địa bàn; cung cấp phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn phù hợp với từng vùng miền, nhất là các địa phương khu vực miền núi như xuồng cao su, súng bắn dây, thiết bị vượt ngầm tràn vào các khu vực bị chia cắt.
Bảy là, nâng cao và kiểm soát chất lượng tàu thuyền hoạt động trên biển; triển khai ngay việc lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản; trong đó hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với các tàu cá trên 15m vào ngày 1-4-2020.
Tám là, theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, tích trữ nước tại các hồ chứa, hệ thống kênh, rạch ĐBSCL; chủ động sử dụng hợp lý, hiểu quả nước trong mùa cạn năm 2019 - 2020.
Chín là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai Quốc gia, Trung tâm điều hành cấp vùng./.
Tuấn Anh