Thứ Ba, 17/9/2024
Thể thao
Thứ Ba, 13/1/2015 13:55'(GMT+7)

Phong trào chơi bóng gỗ ngày càng lan rộng mạnh mẽ tại Việt Nam

Bóng gỗ mới được du nhập vào Việt Nam vào năm 2009.

Bóng gỗ mới được du nhập vào Việt Nam vào năm 2009.

Từ một câu lạc bộ bóng gỗ đầu tiên ở Hà Nội được thành lập vào tháng 9/2009, đến nay cả nước đã có hơn 10 câu lạc bộ bóng gỗ chuyên nghiệp. Đặc biệt, phong trào chơi bóng gỗ đã được “bình dân hoá” khi nó phát triển rộng khắp các tỉnh thành như: Quảng Ninh, Phú Thọ, Gia Lai, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh…với nhiều thành phần trong xã hội tham gia.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Khả Luân, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng gỗ châu Á, Chủ tịch câu lạc bộ bóng gỗ Hà Nội, người đầu tiên mang môn thể thao này về phát triển ở Việt Nam cho biết, đây là môn thể thao do ông Ming Hui Weng, người Đài Loan (Trung Quốc) phát minh vào năm 1990.

Cách chơi môn này gần giống như golf nhưng có chi phí rẻ hơn nên nhiều người có thể tham gia luyện tập. Từ khi ra đời cho đến nay, bóng gỗ đã thu hút hơn 2 triệu người chơi ở mọi độ tuổi tại Đài Loan. Hiện nay, bóng gỗ đã phát triển ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hệ thống Liên đoàn thế giới, Liên đoàn châu Á.

Và mới đây đã thành lập Liên đoàn Bóng gỗ Đông Nam Á. Hiện ông Ming Hui Weng là Chủ tịch Liên đoàn Bóng gỗ Thế giới.


Ông Hà Khả Luân, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng gỗ châu Á, Chủ tịch câu lạc bộ bóng gỗ Hà Nội, là người đầu tiên đưa bóng gỗ về Việt Nam.



Tuy mới du nhập nhưng phong trào chơi bóng gỗ đã phát triển khá nhanh và mạnh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.



Đội tuyển bóng gỗ Việt Nam tập luyện tại Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội.



Vận động viên Nguyễn Huyền Trang đã giành được 4 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 7 huy chương đồng tại các giải bóng gỗ thế giới và châu Á.



Môn bóng gỗ rất gần gũi với một số trò chơi dân gian của Việt Nam như đánh khăng, đánh đáo, chơi bi...



Cầu môn của bóng gỗ cũng được làm bằng gỗ.


Cũng theo ông Hà Khả Luân, môn bóng gỗ rất gần gũi với một số trò chơi dân gian của Việt Nam như đánh khăng, đánh đáo, chơi bi...

Và một điều quan trọng nữa đó là môn thể thao này không đòi hỏi ở người chơi bất kỳ một điều kiện nào về chiều cao, cân nặng hay thể lực. Chính vì những lý do đó, ông Luân đã quyết định mang môn bóng gỗ về quảng bá và phát triển tại Việt Nam.

Với tư cách là người phát triển môn bóng gỗ ở Việt Nam, ông Luân chia sẻ, đầu tiên môn thể thao này sẽ được phát triển thành môn thể thao quần chúng rồi sau đó mới phát triển thành môn thể thao chuyên nghiệp.

Bởi theo ông, với sự khéo léo của người Việt Nam, chúng ta có thể tiếp cận được tới đỉnh cao của môn thể thao này.

Năm 2014, Đội tuyển Bóng gỗ Việt Nam tham dự Asian Beach Games 4 tại Phuket (Thái Lan) đã mang về cho đoàn thể thao Việt Nam 1 Huy chương vàng và 3 Huy chương đồng, đứng thứ hai trong số 8 nước tham dự môn bóng gỗ, chỉ sau nước chủ nhà Thái Lan.

Đây là bước đà quan trọng để Đội tuyển Bóng gỗ Việt Nam có thể gặt hái được thứ hạng cao hơn khi Asian Beach Games 5 sẽ diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) trong năm 2015 này./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất