Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là đơn vị dẫn đầu cả nước về số người
hiến tặng giác mạc, tạo nên sức lan tỏa tới nhiều địa phương trong cả
nước. Để ghi nhận những tấm lòng nhân ái, Bệnh viện Mắt Trung ương và
UBND huyện Kim Sơn tổ chức tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của gia đình những
người hiến tặng giác mạc và những người tích cực vận động thực hiện
phong trào này vào ngày 8-10.
Kể từ tháng 4-2007, cụ Nguyễn Thị
Hoa ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, người đầu tiên trong cả
nước hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đến nay huyện Kim Sơn đã có 128
ca hiến tặng.
Theo Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện có 178 người được ghép giác mạc của những người hiến tặng trong cả nước.
Ông
Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: “Riêng trong
năm 2013, có 18 ca hiến giác mạc đến từ 27 xã, thị trấn trong huyện và
đã có 8750 người đăng ký hiến tặng sau khi qua đời”.
Những kết
quả của phong trào hiến tặng giác mạc, không thể không kể đến đóng góp
to lớn, của linh mục Đoàn Minh Hải ở giáo xứ Cồn Thoi. Ông là người đi
đầu trong cuộc vận động hiến tặng giác mạc ở địa phương, giúp Cồn Thoi
trở thành là đơn vị đi đầu cho phong trào này ở huyện Kim Sơn.
Cách
đây ba năm, người hiến giác mạc nhỏ tuổi nhất là bé Trần Văn Hùng 6
tuổi, con trai anh Trần Văn Dũng, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn. Bé
Hùng mất trong một tai nạn giao thông và gia đình quyết định hiến giác
mạc của cháu. Tại buổi lễ tôn vinh, anh Trần Văn Dũng chia sẻ: “ Cũng vì
nghĩa cử cao đẹp, con tôi mất đi rồi, tôi cũng muốn mang một phần thân
thể của cháu, đem lại ánh sáng cho những người mù lòa”.
Anh Lê
Văn Doanh ở Thanh Hải, Hải Dương là một trong 178 người được ghép giác
mạc của những người hiến. Được ghép giác mạc vào năm 2008, anh vừa tốt
nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân. Có dịp gặp lại những người hiến giác
mạc tại buổi lễ tôn vinh, anh Doanh cảm kích cho biết: “Được gặp lại
những người hiến giác mạc ở đây, tôi vô cùng biết ơn họ, vì họ đã cho
tôi được sống một cuộc sống thứ hai, để thực hiện ước mơ học đại học.
Nếu không có những người đó, tôi sẽ không thể có cuộc sống bình thường
và tiếp tục theo đuổi ước mơ”.
Những năm qua, với sự tham gia
nhiệt tình của Hội Chữ thập đỏ, chính quyền địa phương và đội ngũ tình
nguyện viên ở Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung đã và đang góp
phần cho phong trào hiến tặng giác mạc có sức lan tỏa rộng khắp, ngày
càng phát triển mạnh hơn, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều người.
Thạc
sĩ, BS Nguyễn Đức Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ:
“Nghĩa cử cao đẹp của những người đã tự nguyện hiến giác mạc và gia
đình họ luôn được Bệnh viện Mắt Trung ương, ngành Y tế và toàn thể xã
hội ghi nhận, và coi đây như những món quà vô giá cho những người còn
sống”.
Hiện nay, nguồn giác mạc trong nước vẫn còn thiếu. Trong
khi đó, tại Việt Nam có khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác
mạc. Mỗi năm số lượng lại tăng thêm 15.000 người. Bởi vậy mà “ghép giác
mạc” là biện pháp thay thế duy nhất, món quà vô cùng quý giá đem lại ánh
sáng cho những người mù.
Để tỏ lòng biết ơn tới các gia đình
hiến giác mạc, Ban Tổ chức cũng trao tặng nhiều Bằng khen, đồng thời tổ
chức diễu hành tại một số đường phố chính ở huyện Kim Sơn nhằm tuyên
truyền ý nghĩa và đề cao việc làm mang tính nhân văn này.
PHƯƠNG NHUNG/NhanDan