Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 3/6/2018 15:37'(GMT+7)

Phong trào thi đua yêu nước phát triển theo dòng chảy liên tục, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước, nguyên Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng lễ kỷ niệm.

Trước đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ban tổ chức Nhà nước lễ kỷ niệm và các đại biểu đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy.

Phong trào thi đua yêu nước phát triển theo dòng chảy liên tục

Hôm nay, trời Hà Nội như trong xanh hơn khi đón 700 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến về dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và tuyên dương các Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động, các điển hình tiên tiến qua các thời kỳ.

Họ là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước ở khắp mọi miền Tổ quốc, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những đóng góp của họ đã làm cho phong trào thi đua yêu nước không ngừng phát triển như mong muốn cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc cách đây 70 năm (11-6-1948/11-6-2018).

Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương đã ôn lại quá trình 70 năm thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Trọng Hải.

Có thể nói, 70 năm qua, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lời kêu gọi đó được truyền đi như một lời hịch, thúc giục tất cả mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 11-6-1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc với mục đích diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân. Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì cũng phải thi đua. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt, mọi tầng lớp nhân dân, giúp ta vượt qua mọi khó khăn, mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.

 
Một số tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, cụ thể đã được phát động và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ sâu rộng trong cả nước qua suốt các thời kỳ. Sau khi đất nước thống nhất, tinh thần thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển ở mọi mặt đời sống xã hội, trong mọi tầng lớp nhân dân, ở từng ngành, từng cấp, từng giới… Các phong trào thi đua gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, các tầng lớp nhân dân. Nhiều điển hình cá nhân, tổ chức xuất hiện và ngày càng được nhân rộng, lan tỏa trong phong trào thi đua yêu nước.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, tổng kết công tác thi đua-khen thưởng 70 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và 9.351 cá nhân danh hiệu Anh hùng LLVTND, 1.332 tập thể và cá nhân nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng thưởng hàng trăm ngàn huân, huy chương, Chiến sĩ thi đua toàn quốc; tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu.

“70 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng, với những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ”, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Thượng úy Trần Bình Phục, Đội phó Đội vận động quần chúng, BĐBP tỉnh Cà Mau giao lưu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy.

Đúng như lời khẳng định của đồng chí Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, “phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục” khi mà từ người phi công huyền thoại, nhiều lần đánh rơi máy bay Mỹ, học lái máy bay trước khi biết đi xe đạp- Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy, cho đến anh bộ đội tận tâm dạy trẻ học chữ-Thượng úy Trần Bình Phục, Đội phó Đội vận động quần chúng, BĐBP tỉnh Cà Mau đều cho rằng, yêu nước đơn giản là làm tốt nhiệm vụ của mình và bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Đội Robocon, Trường Đại học Lạc Hồng giao lưu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy.

Hay đó còn là phong trào Đồng khởi của các bà, các mẹ tại tỉnh Bến Tre năm xưa, nay đã ươm mầm cho tinh thần đồng đội, đoàn kết để thế hệ trẻ trong đó có Đội Robocon, Trường Đại học Lạc Hồng tiếp bước chinh phục khoa học, kỹ thuật thế giới. Đó cũng có thể là anh nông dân Phạm Văn Hát (tỉnh Hải Dương) đã có những sáng chế máy móc góp phần giảm bớt gánh nặng lao động chân tay cho nông dân. Sản phẩm do anh chế tạo ra đã được tiêu thụ trên 63 tỉnh, thành phố cả nước và xuất khẩu đến hơn 10 nước trên thế giới. Đây chính là minh chứng sinh động cho sự tiếp nối của phong trào thi đua “Sóng Duyên hải”- một phong trào thi đua trong ngành công nghiệp miền Bắc trước đây…

Còn nhiều nữa những gạch nối, chuyển tiếp trong phong trào thi đua được các cá nhân, tập thể điển hình lặng lẽ lấp đầy, khiến phong trào thi đua yêu nước theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt 70 năm qua trở thành một dòng chảy mạnh mẽ, liên tục.

Tiếp tục “quạt” cho phong trào lớn mạnh thêm

Tham dự lễ kỷ niệm, chứng kiến sự lớn mạnh của phong trào thi đua yêu nước, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng biểu dương, đánh giá cao các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong toàn quốc. Đồng chí Tổng Bí thư cũng hoan nghênh Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, các ban, bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã tích cực, chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tạo nên thành tựu to lớn cho đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Trọng Hải.

Ôn lại lịch sử phong trào thi đua yêu nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công tác thi đua khen thưởng có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lê nin về thi đua vào phong trào cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm về thi đua lên một tầm tư tưởng, coi thi đua là một phẩm chất đạo đức, thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam. Người nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa các điển hình tiên tiến được vinh danh tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy.

Thi đua đã trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua lớn đã giải quyết những nhiệm vụ khó khăn cho đất nước, địa phương…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa các điển hình tiên tiến được vinh danh tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Trọng Hải.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng từ Trung ương đến cơ sở, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức và những cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng cần đề cao trách nhiệm, tiếp tục đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là một phương thức lãnh đạo của Đảng, một phương thức quản lý của chính quyền và là động lực để xây dựng con người mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa các điển hình tiên tiến được vinh danh tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy.

Tuy nhiên, đồng chí Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng như: Phong trào thi đua phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy huân chương; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít; việc phát hiện bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền thiếu đồng bộ, sinh động, thuyết phục làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân…

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng hoa các điển hình tiên tiến được vinh danh tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy.

Để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời gian tới, tiếp tục “quạt” cho phong trào lớn mạnh thêm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng; xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng; trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua cần tăng cường kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương, khen thưởng; tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng trong toàn xã hội, tạo động lực phát triển và lan tỏa sâu rộng trong từng đơn vị, cơ sở; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng; tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế và tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước; đồng thời, cần tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy và cán bộ theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ Trung ương đến địa phương…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố dẫn đầu phong trào thi đua các cụm, khối thi đua năm 2017. Ảnh: Thu Thủy.

Những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm đã được 700 đại biểu lĩnh hội, khẳng định quyết tâm sẽ “quạt” cho phong trào thi đua thêm lớn mạnh. Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, 700 đại biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước về hội tụ tại Hà Nội-trái tim của cả nước và cùng hô vang khẩu hiệu “quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm”. Hy vọng rằng, với những quyết tâm mới, phong trào thi đua yêu nước sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng tới từng cá nhân, tập thể.

Tại lễ kỷ niệm, 70 tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong nghiên cứu, công tác, học tập, lao động, sản xuất đã được biểu dương, tôn vinh và được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng hoa chúc mừng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 10 bộ, ngành và 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu phong trào thi đua các cụm, khối thi đua năm 2017

THU THỦY/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất