(TG) - Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo xoay quanh Hội nghị cung cấp thông tin về nhân quyền cho báo chí diễn ra ngày 28/9, tại Hà Nội.
Hội nghị cung cấp thông tin về nhân quyền cho báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Rất đông các phóng viên, báo chí đã có mặt đưa tin về sự kiện này.
Những nội dung chính được trao đổi trong Hội nghị gồm: Nỗ lực của Việt Nam trong các hoạt động đảm bảo quyền con người thời gian qua, đặc biệt là trong 3 năm qua, từ khi Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; vấn đề lao động và lao động của Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đảm bảo quyền trẻ em...
Bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) cho biết: Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong các nước tham gia vào thời điểm đó (184/192). Từ đó tới nay, Việt Nam luôn tham gia Hội đồng Nhân quyền một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Việt Nam tích cực tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân quyền, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người. Việt Nam thực hiện nghiêm túc cơ chế rà soát định kỳ phổ quát đối thoại thẳng thắn với các nước cũng như các khuyến nghị đã chấp thuận và được đánh giá cao về sự năng động, tích cực. Việt Nam, Bangladesh và Philippines là đồng tác giả Nghị quyết về tác động của Biến đổi khí hậu với quyền trẻ em; tổ chức tọa đàm quốc tế thu hút hàng trăm người tham dự...
Việt Nam cũng nghiêm túc trong thực hiện cơ chế UPR (Rà soát định kỳ phổ quát), đối thoại thẳng thắn với các nước tại phiên bảo vệ UPR; thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị đã chấp thuận…
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng, xây dựng giá trị chung của nhân loại. Bên cạnh đó, tiếng nói, hình ảnh, vị thế của Việt Nam cũng được nâng cao trên trường quốc tế; Việt Nam đã lên tiếng phản bác những luận điệu, thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam...
Về vấn đề lao động và lao động Việt Nam trong TPP, đại diện Trung tâm Hỗ trợ phát triển Quan hệ lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thông tin về các nội dung liên quan đến điều chỉnh quyền tự do liên kết; đưa tiêu chuẩn lao động vào trong hiệp định thương mại tự do; lợi ích và tác động của TPP từ góc độ lao động xã hội đến Việt Nam…
Về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em, Việt Nam hiện có hơn 26 triệu trẻ em, trong đó có trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để hỗ trợ những trẻ em này, cùng với việc hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em, hiện cả nước có 31 trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, 158 văn phòng tư vấn cấp huyện; 1.539 điểm tham vấn cộng đồng và 2.765 điểm tham vấn trường học…
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Chương trình “Mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đảm trách hướng tới mục tiêu 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cần giảm gia tăng tỷ lệ trẻ em bị xâm hại; có kế hoạch hỗ trợ, can thiệp 100% trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý, theo dõi cũng là những nội dung mà chương trình hướng đến...
Hiện nay nhiều trường học trong cả nước đã thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ngoài giờ lên lớp để đạt được mục tiêu trên. Đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, bị bỏ rơi, nhiễm HIV…) nhận được sự quan tâm chăm sóc của nhà nước và cộng đồng xã hội thông qua các chính sách trợ giúp xã hội, tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, hòa nhập cuộc sống cộng đồng một cách tốt nhất.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Hiện nay vấn đề nhân quyền dễ bị các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng với động cơ xấu, diễn biến hòa bình tranh thủ cơ hội gây tác động xấy tới một bộ phận xã hội. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà báo, phóng viên khi đưa thông tin về vấn đề này cần trang bị đủ kiến thức, nhạy bén, đọc các tài liệu tham khảo kỹ lưỡng để có cái nhìn khách quan nhất trước khi thông tin. Đồng thời, các cơ quan chức năng khi cung cấp thông tin cần chủ động kết nối và nhanh chóng cung thông tin chính thống cho báo chí, nhằm nâng cao hiệu quả của báo chí trong công tác truyên truyền đúng đắn về nhân quyền cho người dân./.
TA