(TG)-Hệ thống chính trị cơ sở có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Xã, phường, thị trấn, thôn làng, ấp, bản là nơi tổ chức, vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nơi thể hiện sức mạnh, nguyện vọng chính đáng của nhân dân lao động, nơi chính quyền trong lòng dân, Đảng trong cuộc sống.
Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng ở cơ sở thì phải thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị. Sinh thời Bác Hồ dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, người cán bộ trong hệ thống chính trị là nòng cốt, rường cột cùng toàn dân làm nên thành công của cách mạng từ cơ sở.
Thừa Thiên Huế là trung tâm tôn giáo của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với 04 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài. Tín đồ các tôn giáo 669.000 người, chiếm gần 60% dân số toàn tỉnh.
Trong đó Phật giáo là tôn giáo có vai trò và ảnh hưởng quan trọng nhất đến cộng đồng cư dân nơi đây. Xét về mặt lịch sử, Phật giáo ở Thừa Thiên Huế có vị trí và tầm quan trọng đáng kể đối với Phật giáo Việt Nam, là nơi có nhiều phong trào chấn hưng Phật giáo, cũng là nơi đào tạo nhiều tăng tài, nhiều cư sĩ qua các thời kỳ. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có trên 60 vạn tín đồ Phật giáo, chiếm 54,45% dân số và khoảng 1500 tăng, ni; trong đó 946 chức sắc, 1156 chức việc. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 01 Học viện Phật giáo, 01 Trường Trung cấp Phật học, 01 Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán; 01 Trung tâm Du lịch tâm linh Phật giáo Quán Thế Âm, 545 chùa, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường, 241 gia đình Phật tử với 17.733 đoàn sinh, 1.992 huynh trưởng.
Tôn giáo có số lượng đông thứ hai ở Thừa Thiên Huế là Công giáo. Hiện nay Công giáo có trên 6,1 vạn tín đồ, chiếm 5,5% dân số. Tôn giáo này có Toà Tổng Giám mục là Tổng hành dinh của Giáo tỉnh Huế. Giáo phận Huế có 04 giáo hạt, 70 giáo xứ, 48 giáo họ, 25 nhà nguyện, 119 nhà thờ, có 01 Đại chủng viện, 01 tổ chức Caritas; 01 Tổng Giám mục, 145 linh mục, có 09 trường và 59 lớp nhà trẻ và mẫu giáo, 2 cơ sở y tế và 1 trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật; 09 dòng tu (05 dòng tu nữ và 04 dòng tu) với 641 tu sĩ.
Tính đến quý ba năm 2016, Tin Lành ở Thừa Thiên – Huế có 02 Chi hội thánh Việt Nam (Miền Nam) hợp pháp, 02 Nhà thờ, 02 chức sắc với tổng số 389 tín đồ.
Đạo Cao đài ở Thừa Thiên – Huế có 01 thánh thất Cao đài họ đạo Vĩnh Lợi, 01 Ban Cai quản thánh thất Cao đài họ đạo Vĩnh Lợi tại 41C Hùng Vương, thành phố Huế, với 217 tín đồ, 02 lễ sanh, 06 chức việc.
Với chủ trương tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo hội trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Có thể nói, tình hình tôn giáo ở Thừa Thiên Huế trong những năm qua có những chuyển biến tích cực, hoạt động của các tổ chức tôn giáo ngày càng đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật. Quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với chính quyền các cấp ngày càng tốt hơn, gần gũi và hợp tác chặt chẽ. Phần lớn tín đồ, chức sắc phấn khởi trước những thành tựu của đất nước và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng; tích cực xây dựng cuộc sống hài hòa “tốt đời - đẹp đạo”, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Các tôn giáo trên địa bàn Thừa Thiên Huế phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực như:
Về các sinh hoạt, lễ hội tôn giáo: Các lễ hội lớn hàng năm như: Lễ Phật đản, lễ Quán Thế Âm, lễ Vu lan (Phật giáo); lễ Noel, lễ Phục sinh (Công giáo, Tin lành) đều được các tôn giáo tổ chức ở qui mô lớn, thu hút hàng vạn tín đồ tham gia. Đặc biệt, lễ Noel, lễ Phật đản, lễ hội La Vang có lượng người tham dự đông, có lúc lên đến năm, bảy chục ngàn người.
Về vấn đề xây dựng cơ sở vật chất thờ tự: Chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hợp pháp có nhu cầu chính đáng được cấp đất, xây dựng cơ sở thờ tự. Hầu hết các tôn giáo đều tranh thủ các nguồn lực tài chính từ trong tín đồ, các tổ chức giáo hội ở trong nước và ngoài nước để trùng tu, sửa chữa hoặc xây dựng mới các cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Cụ thể: Phật giáo có hàng trăm tự viện, tổ đình, chùa làng, chùa khuôn hội được sửa chữa, xây dựng như: các chùa Thiền Tôn, Thiên Minh, Từ Lâm… Công giáo: Chỉ tính từ năm 1990 đến nay có khoảng 105 ngôi nhà thờ, nhà nguyện được sửa chữa, xây dựng mới khang trang. Tin Lành có trụ sở Ban Trị sự Chi hội thánh đã sửa chữa nâng cấp; Chi Hội thánh Tin lành Sịa (huyện Quảng Điền) khang trang. Cao đài: Xây dựng mới Thánh thất Cao đài họ đạo Vĩnh Lợi.v.v..
Về sự phát triển tín đồ: Số lượng tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có tăng nhanh theo sự phát triển dân số. Các tín đồ giáo dân các tôn giáo được tự do tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở gia đình và nơi thờ tự tôn giáo. Riêng 02 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới trước đây không có cơ sở thờ tự, nay đã được chính quyền cấp đất, tạo điều kiện giao đất và cho xây dựng 05 cơ sở chùa, nhà thờ.
Qua khảo sát và thực tế ở cơ sở cho thấy đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở tại Thừa Thiên – Huế đang gặp nhiều khó khăn về phương pháp, phương tiện, điều kiện làm việc. Cơ sở vật chất, kinh phí của Nhà nước đầu tư cho xã, thôn làng, ấp, bản còn hạn chế. Trụ sở làm việc ở nhiều xã, thôn bản chật hẹp, sơ sài, thiếu điều kiện, phương tiện làm việc. Kinh phí dành cho đào tạo, bỗi dưỡng, tham quan học tập còn quá ít. Việc học tập tập trung và tự học của đội ngũ cán bộ cơ sở gặp khó khăn. Cơ sở vật chất, kinh phí của trường chính trị Nguyễn Chí Thanh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện khó khăn, bất cập. Kinh phí của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở dành cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cùng hạn chế. Bên cạnh những cấp ủy, chính quyền quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở, thì không ít nơi chưa quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Các quy định, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở đang bộc lộ nhiều bất cập.
Vì vậy, để làm tốt hơn nữa công tác vận động tín đồ các tôn giáo trong thời gian tới, từ tình hình thực tế, xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
Một là, tích cực đổi mới công tác vận động tín đồ các tôn giáo, lấy nội dung kinh tế - xã hội để tập hợp quần chúng; kết hợp việc vận động với việc bài trừ sự hoạt động của các tà đạo, đạo lạ, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Đồng thời cần chú ý tuyên truyền đồng bào các tín đồ tránh xa các hoạt động tôn giáo trái pháp luật của các tổ chức như “GHPGVNTN Thừa Thiên Huế”, “Tăng đoàn GHPGVNTN Thừa Thiên Huế”…tổ chức.
Hai là, đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt tuyên truyền, vận động tín đồ. Cụ thể như đối với Hội liên hiệp thanh niên có chi hội thanh niên Công giáo; chi hội thanh niên Phật giáo ... Đối với Hội liên hiệp Phụ nữ có chi hội phụ nữ Công giáo; chi hội phụ nữ Cao đài... Dựa vào những tổ chức quần chúng này mà liên tục phát động phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bởi vì tín đồ của tôn giáo nào cũng muốn tổ chức của tôn giáo mình tiến bộ hơn, xuất sắc hơn, thành công hơn so với hoạt động của các tôn giáo khác ở cùng một địa bàn dân cư.
Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ công chức cơ sở (nhất là cán bộ làm về công tác tôn giáo) đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên phù hợp với thực tiễn cơ sở. Đồng thời, làm tốt quy hoạch, tạo nguồn cán bộ kế cận, gắn với tăng cường luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tiếp tục tăng cường cho cơ sở những cán bộ có trình độ, năng lực, nhiệt tình và có triển vọng.
Bốn là, chuẩn hóa các chức danh cán bộ, công chức chính quyền cấp cơ sở. Xây dựng, cụ thể hóa tiêu chuẩn, từng chức danh cán bộ, công chức để làm căn cứ xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ. Có xác định tiêu chuẩn cán bộ đúng mới có thể đánh giá, lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ trong quy hoạch. Đối với một số xã đặc thù, có số lượng giáo dân đông cần chuẩn hóa chức danh cán bộ làm công tác tôn giáo ngay tại cơ sở, thậm chí cần có công tác quy hoạch và điều động những người có chuyên môn hoặc cử đi nghiên cứu, tập huấn các lớp về vấn đề quản lý nhà nước về tôn giáo…
Tóm lại, với việc đề xuất một số giải pháp cụ thể nêu trên chúng tôi hy vọng rằng sẽ góp một phần nhỏ vào việc tăng cường hiệu quả của hệ thống chính trị trong công tác vận động tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo” cùng xây dựng đất nước giàu mạnh./.
Văn Nam Thắng
Học viện Chính trị khu vực III