Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 19/6/2014 10:36'(GMT+7)

Phóng viên đồng hành cùng ngư dân bám biển

Đặc biệt, khi tàu thuyền của ngư dân không may gặp nạn, thì phóng viên là người đồng hành để vận động, kêu gọi những cơ quan, đơn vị, cá nhân hảo tâm cùng chung tay tiếp sức, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.

Sau mỗi chuyến ra khơi trở về, cùng với các ngành chức năng như chính quyền địa phương, bộ đội Biên phòng thì phóng viên báo chí tại Quảng Ngãi lại có mặt trên tàu để hỏi thăm tình hình đánh bắt trên biển của ngư dân. Phóng viên luôn là những người tiếp xúc thường xuyên với ngư dân, đồng hành cùng ngư dân bám biển. Để có những tác phẩm nhanh, đúng, trúng, hay viết về ngư dân, người làm báo cũng bám tàu, bám biển, làm bạn với ngư dân để tìm hiểu, chia sẽ những khó khăn cùng ngư dân. Phóng viên Lê Văn Chương - Báo Biên phòng tại Quảng Ngãi cho biết: nhiệm vụ của phóng viên là cố gắng bám sát và theo dõi chặt tình hình xảy ra trên biển. Đặc biệt, từ đầu tháng 5 tới nay, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thường xuyên va ép tàu cá của ngư dân Việt Nam, phóng viên chúng tôi luôn theo dõi, ghi chép, đối chiếu để phản ánh đầy đủ và trung thực về những vụ việc ngư dân bị Trung Quốc tấn công. Ngư dân chính là nhân chứng, vật chứng kể lại cho nhân dân trong và ngoài nước hiểu rõ hành vi hung hăng và ngang ngược bất chấp đạo lý của Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc đưa tiếng nói của ngư dân lên mặt báo còn làm cầu nối để các tổ chức và cá nhân chia sẻ giúp đỡ, để họ có hậu phương vững chắc, yên tâm tiếp tục bám biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Tiếng nói của ngư dân sẽ tạo sự lan tỏa cho nhân dân cả nước hiểu được quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam. Đó là khi giang sơn, khi chủ quyền biển, đảo bị xâm phạm thì mỗi người dân Việt Nam đều sát cánh cùng đấu tranh để giữ biển, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”.

Còn phóng viên Trần Thị Thanh Phương - phóng viên Báo Quảng Ngãi cho rằng: Bên cạnh những niềm vui thì n ghề báo cũng có nhiều khó khăn, vất vả. Đặc biệt phóng viên nữ sẽ có nhiều hạn chế trong quá trình đi xa, đi vào ban đêm, mùa mưa bão. Nhưng khi tác phẩm của mình được phát trên sóng và tạo ra được một hiệu ứng xã hội tốt thì những khó khăn vất vả trước đó đều qua rất nhanh và là động lực để chúng tôi tiếp tục lao vào công việc, kịp thời đưa được hơi thở cuộc sống đến với công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngư dân Nguyễn Lộc (chủ tàu cá QNg 96416) ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi là một trong những ngư dân bị tàu của Trung Quốc rượt đuổi, đâm gây hư hại tàu thuyền khi hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng 5/2014. Cũng từ những thông tin cung cấp kịp thời của báo chí, nay anh đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí, có điều kiện trở lại Hoàng Sa tiếp tục bám biển mưu sinh. Đây không phải là trường hợp ngư dân duy nhất được báo chí tiếp sức để bám biển. “Vừa qua tàu của chúng tôi bị nạn, rất may là được sự lên tiếng của chính quyền, các cơ quan báo chí nên tôi cũng như một số tàu cá khác đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, các nhà hảo tâm. Nhờ vậy, tàu nhanh chóng được sửa chữa xong; thiết bị, ngư lưới cụ được mua sắm lại, và anh em bạn thuyền lại tiếp tục lên tàu rời bến, vươn ra khơi xa khai thác thủy sản, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo”, anh Lộc tâm sự.

Ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi cho biết: Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hảo tâm trong nước. Qua đó, Quỹ đã hỗ trợ đến các tàu cá, chủ tàu cá, ngư dân bị nạn khi hành nghề trên biển. Trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục vận động có nguồn vốn, kịp thời chia sẻ, hỗ trợ cho những ngư dân gặp rủi ro, đặc biệt là những tàu thường xuyên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, để có được sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm và trao tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng thì một phần quan trọng nhờ vào các cơ quan báo chí, các phóng viên đã kịp thời phản ánh nhanh, đúng trường hợp những ngư dân bị nạn.

Để có được những bài viết, thước phim sinh động về những nhọc nhằn mưu sinh của ngư dân giữa biển khơi; niềm vui khi đón những mẻ cá đầy và bình an trở về sum họp cùng người thân; những lúc gặp hiểm nguy giữa biển khơi…thì phóng viên phải vượt qua mọi khó khăn, thậm chí dẫn thân vào hiểm nguy. Nhưng bằng tình yêu nghề, yêu biển đảo đã giúp những người làm báo luôn sát cánh, đồng hành cùng ngư dân bám biển./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất