Thứ Sáu, 29/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 9/6/2014 14:8'(GMT+7)

Bác Hồ với công tác tuyên truyền cách mạng thời kỳ hoạt động ở Thái Lan (1928-1929)

Nhà đa năng trong Khu tưởng niệm

Nhà đa năng trong Khu tưởng niệm

Tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc tới Xiêm hoạt động, với mục đích "đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập"[1].

 Thái Lan là nơi có nhiều Việt kiều sinh sống, phần đông là nông dân, thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ. Cho tới cuối những năm 20 của thế kỷ XX, Việt kiều ở Thái Lan có khoảng 5 vạn người. Họ sống quần tụ thành làng xóm ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã cử Hồ Tùng Mậu sang gây dựng cơ sở ở Thái Lan, thành lập chi bộ thanh niên đầu tiên ở Phi Chịt, sau đó phát triển ra ở Nakhôn, Uđon, Sakhôn,...

Trong thời gian hoạt động ở Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực tuyên truyền, vận động, gây dựng cơ sở cách mạng và gây ảnh hưởng về trong nước. Tại đây, Người đã mở các lớp huấn luyện ngắn hạn cho các hội viên chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên; chọn dịch một số sách sang tiếng Việt; chỉ đạo xuất bản báo để tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ tinh thần yêu nước của Việt kiều; chỉ đạo mở trường dạy học cho con em Việt kiều, v.v..

Trong thời gian hơn 1 năm sống và hoạt động ở Thái Lan (7-1928 đến 11-1929), Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành những hoạt động tuyên truyền cơ bản sau:

Một là, Vận động Việt kiều vào các tổ chức

Đến cuối năm 1927, đầu năm 1928, tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên được mở rộng, ngoài chi bộ Phichịt ra, còn có thêm các chi bộ ở Uđon Thani, Sacôn Nakhon, Nakhôn Phanom. Ba chi bộ ở miền Đông Bắc nước Thái này được tổ chức thành Tỉnh bộ Uđon[2]. Nhờ vậy, mà tổ chức Việt kiều ở Thái được lãnh đạo chặt chẽ, hoạt động có nề nếp, tích cực hơn. Đóng vai trò như trạm trung chuyển giữa Quảng Châu (Trung Quốc) về trong nước.

Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Việt kiều ở Xiêm được tổ chức theo hai hình thức chủ yếu đó là Hội Hợp tácHội Thân ái.

Hội Hợp tác là một tổ chức trung kiên của kiều bào, đồng thời là một tổ chức dự bị của Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội kết nạp những thanh niên yêu nước có chí hướng cách mạng từ trong nước mới ra. Hội Hợp tác chuyên làm kinh tế, tổ chức lao động làm ăn tập thể để sinh sống và học tập. Những thanh niên có nhận thức chính trị khá thì được đưa vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Khi có điều kiện thì lần lượt đưa sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị hoặc phái về trong nước hoạt động.

Hội Hợp tác được tổ chức theo nghề nghiệp. Ở địa phương nào có điều kiện làm ruộng, thì Hội lấy việc làm ruộng là chính; những địa phương nào có điều kiện làm nghề thủ công thì Hội lấy nghề thủ công làm chính, như có các hội: Hội thợ mộc, hội thợ cưa, hội nề, hội làm ruộng, hội làm vườn, v.v.. Cứ 5-6 thanh niên hợp thành một tổ sản xuất, có nhà, trâu bò, dụng cụ lao động riêng và chịu trách nhiệm phần việc của mình. Kế hoạch làm ăn như thế nào là do tổ vạch ra, rồi đưa ra tập thể Hội xin ý kiến; khi gặp khó khăn về nhân lực thì đề nghị Hội giúp đỡ. Tiền thu nhập của Hội dùng vào những sinh hoạt cần thiết cho các tổ viên, phần còn lại làm công quỹ cho Hội, để chi tiêu vào những việc chung, như: đưa người ra nước ngoài hoặc đón người về; xây dựng nhà trường, nuôi các trẻ em của kiều bào từ trong nước gửi ra; chi cho công tác tuyên truyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ...

Nhờ có cách tổ chức quản lý dân chủ và phân công hợp lý, lại có ý thức tiết kiệm của các hội viên, nên trong một thời gian ngắn, Hội Hợp tác đã giải quyết được nhiều khoản chi phí lớn cho nhu cầu công tác cách mạng. Hội Hợp tác có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái rất cao, có tác dụng lớn làm kiểu mẫu cho kiều bào ta về cách sinh hoạt, cách làm ăn, xây dựng nếp sống mới... làm cho kiều bào ta càng thêm tin tưởng vào tiền đồ của cách mạng.

Hội Thân ái, là một tổ chức quần chúng rộng rãi của Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội được thành lập nhằm mục đích: "Đoàn kết giữa Việt kiều với nhau và đoàn kết giữa người Việt với người Thái; nhắc nhở kiều bào yêu Tổ quốc và giúp kiều bào học chữ quốc ngữ"[3]. Hội Thân ái là một tổ chức có tính chất mặt trận. Các hội viên luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, tích cực hoạt động cho Hội.

Ngoài hai tổ chức trên, ở các địa phương còn có Hội Phụ nữ, Hội Thiếu niên. Chỗ nào có trường học là các em học sinh được tổ chức vào Hội Thiếu niên, để rèn luyện các em thói quen sinh hoạt tập thể, nếp sống ngăn nắp; tự quản lý sinh hoạt và học tập của mình.

Như thường lệ, những người khách mới đến đều nói chuyện với Hội Hợp tác về tình hình trong nước và quốc tế. Nguyễn Ái Quốc đã nói về tình hình và triển vọng của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, phân tích tính chất trường kỳ gian khổ của cách mạng Việt Nam. Với tầm hiểu biết rộng, Người nói rõ ràng và sâu sắc, nội dung phong phú hơn, nhất là tình hình nước Xiêm và Việt kiều ở Xiêm. Ngoài việc nói về tình hình thế giới và trong nước, Nguyễn Ái Quốc  thường nhắc đến mối tình cảm của hai dân tộc Xiêm - Việt. Người nói: "Việt Nam là thuộc địa, Xiêm là nửa thuộc địa. Việt Nam bị Pháp áp bức, Xiêm cũng bị Pháp bắt ký nhiều điều ước bất bình đẳng. Mình ghét Pháp, người Xiêm cũng chẳng ưa gì Pháp. Xiêm và Việt Nam lại là láng giềng, nhất định người Xiêm có cảm tình với phong trào chống Pháp của Việt Nam"[4].

Trong cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", tác giả Trần Dân Tiên viết: "Mỗi ngày, khi xong công việc, họ họp nhau trong sân trường. Đàn ông, đàn bà, trẻ con ngồi thành vòng tròn, một người cán bộ gầy gò, đứng dậy và nói giọng chậm rãi rõ ràng, đọc cho họ nghe một bài báo hoặc một chương sách. Mọi người yên lặng nghe. Khi người này đọc xong, anh hỏi mọi người đã hiểu chưa và giải thích những điểm chưa rõ. Buổi họp xong, họ hát những bài ca yêu nước và các cụ già kể chuyện chiến tranh du kích"[5].

Từ khi có Nguyễn Ái Quốc đến, câu lạc bộ Hội Hợp tác đêm nào cũng chật ních người. Họ thích nghe Thầu Chín nói chuyện vì ông nói hấp dẫn và thiết thực. Từ chuyện làm ăn đến chuyện cứu nước. Mọi người thấy ở ông có cái gì đó vừa tôn kính, vừa thân mật. Nhiều người còn đem chuyện gia đình ra hỏi ý kiến ông và được ông khuyên bảo tận tình, giúp họ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.

Nguyễn Ái Quốc căn dặn các đồng chí trong Hội Hợp tác: Một mặt phải mở rộng tổ chức đoàn thể, củng cố cơ sở quần chúng Việt kiều; mặt khác phải làm cho nhân dân Xiêm có cảm tình với cách mạng Việt Nam, phải tuyên truyền giáo dục Việt kiều biết tôn trọng phong tục tập quán và luật pháp của nước Xiêm; cố gắng tạo mọi khả năng hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp.

Ngoài việc nói chuyện, đọc báo cho bà con tại câu lạc bộ của Hội Hợp tác, Nguyễn Ái Quốc đã cùng tham gia lao động với bà con Việt kiều như gặt hái, gánh nước, lấy củi, đào giếng, trồng cây, làm vườn, xẻ gỗ, đánh cá, bán hàng, v.v... Người cũng bỏ giầy đi chân đất như mọi người, trực tiếp gặp gỡ, uốn nắn họ về nhận thức, về tư tưởng, về tác phong. Bà Đặng Quỳnh Anh, sống ở bản Đông (Phichịt) kể lại: "Anh Chín ở chung với gia đình tôi một thời gian. Hàng ngày anh cùng đi làm với anh em ở trại cày. Những buổi nghỉ ở nhà, anh Chín đi thăm hỏi bà con. Chỉ một thời gian ngắn, anh Chín sống hòa chung được với mọi người, từ cách ăn, mặc, ở, lao động, nói năng. Ai cũng tưởng anh Chín là người bản Đông từ lâu"[6].

Ở Phichịt (Phítxanulốc), Nguyễn Ái Quốc nhận thấy kiều bào ở đây chưa thật sự đoàn kết, còn có những thành kiến với nhau giữa Việt kiều cũ và Việt kiều mới ở trong nước ra, giữa Việt kiều nhiều tuổi và ít tuổi. Nhiều lúc đã diễn ra những sự hiểu lầm không đáng có, làm ảnh hưởng đến khối đoàn kết thân ái trong Việt kiều. Nguyễn Ái Quốc đã chú ý uốn nắn giáo dục bà con, Người khuyên những hội viên Hội Hợp tác cần chủ động gần gũi với những Việt kiều cũ. Lúc đầu anh chị em chưa thông. Người đã đưa vấn đề này ra thảo luận trong Hội Hợp tác. Người phân tích sâu sắc, có lý có tình để anh chị em hiểu. Cuối cùng họ đã nhận thức ra vấn đề và tự nguyện làm theo lời khuyên của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó mà những thành kiến, những bất đồng trong Việt kiều được xóa bỏ, tình đoàn kết thân ái trong kiều bào được củng cố, tăng cường.

Ở Uđon Thani có các Hội Hợp tác thủ công, như Hội cưa, Hội mộc, Hội nề... Chi bộ ở Uđon Thani chủ trương chỉ tổ chức cho những thanh niên ở trong nước mới sang vào Hội, còn những người thợ cũ, dù tay nghề khá, muốn xin vào Hội, Chi bộ lại không cho họ vào. Thấy tình hình đó, Thầu Chín đã khuyên chi bộ nên tổ chức cho họ vào Hợp tác xã bằng cách: Tùy theo kết quả thu nhập của từng việc, từng ngày công lao động và kỹ thuật lao động của từng người mà phân phối; cách làm việc phải dân chủ thảo luận; tài chính phải công khai. Với cách làm như vậy, Hội Hợp tác đã kết nạp những người thợ cũ, có tay nghề khá vào Hội, góp phần tăng chất lượng sản phẩm làm ra.

Để Việt kiều ở Xiêm, kể cả người lớn và trẻ em biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, không quên tiếng mẹ đẻ, không quên cội nguồn dân tộc, giác ngộ lòng yêu nước, giác ngộ cách mạng; thanh niên có trình độ văn hóa nhất định, dựa vào pháp luật của Nhà nước Xiêm, Nguyễn Ái Quốc đã phát động một phong trào học tiếng Việt và học tiếng Thái trong Việt kiều.

Khi được Chính phủ Xiêm chấp nhận cho xây dựng trường học, Nguyễn Ái Quốc đã cùng bà con Việt kiều tham gia xây dựng trường và xin làm giáo viên dạy chữ quốc ngữ cho các em. Các trường học này có ảnh hưởng rất lớn trong Việt kiều, không những con em của Việt kiều, mà cả con em của người Thái cũng đến trường học ngày càng đông[7].

Ngoài việc dạy chữ quốc ngữ cho trẻ em, Nguyễn Ái Quốc còn vận động những người lớn tuổi trong Hội Hợp tác, Hội Thân ái, ngoài giờ làm việc, đi học chữ quốc ngữ và học chữ Thái, tiếng Thái. Một phong trào học tập sôi nổi diễn ra trong Việt kiều. Thời đó, trong Việt kiều có câu "Học lấy chữ, giữ lấy tiếng để khỏi mất giống nòi". Việt kiều ở bất cứ đâu, nơi đông người hay ít người đều tích cực học tập. Trẻ em thì học ở trường, người lớn thì học ở trụ sở Hội Hợp tác. Mọi người đều biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Người Xiêm, người Hoa phải khâm phục tinh thần học tập của bà con Việt kiều.

Bản thân Nguyễn Ái Quốc cũng rất tích cực học tiếng Xiêm. Người tự đặt ra cho mình, mỗi ngày học 10 chữ, dù bận đến đâu cũng phải sắp xếp học cho bằng được. Có người hỏi: Học ít như vậy thì khi nào sẽ học xong chữ Xiêm. Người trả lời: Học ít biết nhiều tốt hơn học nhiều biết ít. Thế mà chỉ trong 3 tháng, Người đã đọc được báo Xiêm và trong 4 tháng, Người đã sử dụng thành thạo tiếng Xiêm.

Thông qua việc học tập, một mặt vừa giúp ích cho bà con buôn bán được thuận lợi, một mặt vừa hòa nhập đoàn kết với đồng bào Xiêm. Bà con Việt kiều vui vẻ phấn khởi hơn, tích cực học tập và làm ăn hơn. Sau này, khi Việt kiều hồi hương về nước (năm 1960), đã hòa nhập được ngay vào cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Ngoài việc phát động phong trào học tập, Nguyễn Ái Quốc còn vận động, giáo dục bà con Việt kiều xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, những thói hư, tật xấu trong sinh hoạt, từng bước xây dựng lối sống mới trong cộng đồng người Việt. Nguyễn Ái Quốc viết bài thơ "Cô Vượng khuyên chồng" đăng trên Báo Thân ái để giáo dục bà con xóa bỏ những thói hư tật xấu trong sinh hoạt; viết bài ca Trần Hưng Đạo để cổ vũ lòng yêu nước của "đồ đệ" đức Thánh Trần, vừa tranh thủ tầng lớp trung gian giác ngộ cách mạng, vừa tuyên truyền giáo dục quần chúng lạc hậu, mở rộng tổ chức Việt kiều. Nguyễn Ái Quốc còn tổ chức diễn những vở kịch kịch về lịch sử nước Việt Nam, như các vở: Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái (diễn ở Phichịt); Người xuất dương (diễn ở Uđon Thani); Mất nước, Đề Thám khởi nghĩa (diễn ở Sacôn Nakhon)... Kịch tuy thô sơ, nhưng kiều bào xem rất thích và có ảnh hưởng sâu rộng trong kiều bào; các vở kịch về xây dựng lối sống mới và Người cũng tham gia đóng một vai. Đồng chí Đặng Văn Cáp kể lại: "Bác đóng vai ông Thần Hoàng, một cán bộ đóng vai thổ công, tôi đóng vai thầy thuốc. Nội dung vở kịch tả hai con bệnh đồng bệnh nhưng người dùng thuốc thì khỏi bệnh, còn kẻ theo "đồng cốt" uống những thứ nhảm nhí thì chết... Kịch vừa vui lại vừa có tác dụng giáo dục rất hay"[8].

Để nâng cao đời sống cho bà con Việt kiều, nhất là về mặt sức khỏe, Nguyễn Ái Quốc đã khuyên Hội Hợp tác lập tủ thuốc và chọn người biết làm nghề thuốc làm thầy lang để chữa bệnh cho kiều bào. Người cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người phải chú ý giữ gìn sức khỏe, thường xuyên luyện tập thể dục, chớ ngủ trưa quá trễ, chớ uống rượu quá nhiều; nhà cửa phải sạch sẽ, ngăn nắp...

Nguyễn Ái Quốc còn dành thời gian đi thăm hỏi các nhà sư Việt kiều trụ trì ở các chùa, họ là những người của phong trào Cần Vương, Duy Tân còn sót lại, như chùa Oátphô (ở thị xã Uđon Thani), chùa Bản Chính (Uđon Thani); chùa Xỉchômchưn (Noọngkhai)[9]; chùa Hội Khánh (chùa Mongkhol Samalkhol) nằm trên đường Pleng Nam (Băng Cốc); chùa ông Năm (chùa Somsanam (Borihara) ở phố Lan Luông (Băng Cốc); chùa ông Ba hay chùa Tư Tế Tự (chùa Lacunụ Khọ) ở phố Rajawong (Băng Cốc), v.v.. Nguyễn Ái Quốc đã được các nhà sư che chở, giúp đỡ "gặp khi nguy hiểm quá, ông Nguyễn đã tạm lánh vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động"[10].

Hai là, sử dụng báo chí để tuyên truyền trong Việt kiều

Để có điều kiện tuyên truyền cách mạng trong Việt kiều, dựa vào pháp luật của Chính phủ Thái Lan lúc bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc đã dùng hình thức hợp pháp và nửa hợp pháp để tiến hành tuyên truyền, giáo dục Việt kiều.

Pháp luật của Chính phủ Xiêm lúc đó quy định: Chỉ những nhà in, những tòa báo lớn có tính chất kinh doanh mới phải đăng ký và cũng không có chế độ kiểm duyệt. Còn những ấn phẩm có tính quảng cáo, phát hành không lấy tiền, in thô sơ (in thạch, in litô, giấy chỉ dầu) đều không phải đăng ký. Dựa vào tính hợp pháp đó, năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Xiêm đã xuất bản một tờ báo bằng tiếng Việt lấy tên là Đồng Thanh. Khi Nguyễn Ái Quốc đến Xiêm (1928), Người đã uốn nắn lại nội dung tuyên truyền của báo, sao cho ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu hơn. Người đã đổi tên báo Đồng Thanh thành Thân ái[11].

Báo Thân ái in litô, 2 trang, khổ 38,5 x 53,5cm. Báo sử dụng chữ Việt cải cách rất linh hoạt (như dùng chữ Z thay cho chữ D, chữ K thay cho chữ C, chữ F thay cho chữ Ph, chữ J, Z thay cho chữ Gi). Góc bên phải trên cùng của tờ báo thay vì măng sét của tờ báo là các câu thơ động viên tinh thần yêu nước, như:

"Nhiễu điều phủ lấy gương

Người chung một nước thì thương nhau kùng".

Hay:

Thương nòi nên phải gắng kông,

Nào ai xương sắt za đồng khác ai

 Báo Thân ái, có các mục: Tin tức, Tự do diễn đàn, giúp đỡ học vấn, phụ nữ đàm, văn uyển. Nội dung rất phong phú, cung cấp nhiều thông tin quý báu về lịch sử đấu tranh của dân tộc, về phương pháp cách mạng, kinh nghiệm hoạt động bí mật; vạch trần tội ác của đế quốc Pháp và phong kiến Việt Nam, phản ánh nỗi thống khổ của đồng bào, khuyên nhủ đồng bào đoàn kết cứu nước, giúp đỡ lẫn nhau; những hoạt động cách mạng ở trong nước, thông tin về sinh hoạt của kiều bào; về tình hình thế giới v.v.. Cách viết theo kiểu kể chuyện, đơn giản, dễ hiểu, hàm chứa nhiều ý nghĩa, vừa gợi mở, vừa giáo dục tuyên truyền cho đồng bào ta đang sinh sống làm ăn ở Xiêm.

Số 4, trang 2 tờ Thân ái có bài thơ nêu bật mục đích của báo:

"Báo Thân ái ngỏ lời thân ái

Đem máu đào tô điểm lại non sông

Ai cùng nòi, ai cùng giống

Ai đạp đất, đội giời chung

Đùm bọc lấy nhau cũng là lẽ phải

Hồn mơ mộng đã có chuông gọi dậy

Chắc từ đây xa mấy cũng nên gần...".

Năm 1928, tờ Thân ái có bài thơ "Nhịp kèn thân ái" kêu gọi Việt kiều đoàn kết:

"Đã là người đứng trong cõi đất

Ai là không tai mắt thông minh

Có đầu óc biết nhục vinh

Cuộc đời há dễ làm thinh sao đành

Việc thế giới bất bình lắm nỗi

Vận nước nhà chìm nổi đôi phen

Người sang sao chịu ta hèn

Người đua ta phải đua chen với người"[12].

Chỉ riêng mục Tin tức của Báo đã cung cấp cho người đọc những thông tin về phong trào đấu tranh của đồng bào ta ở quê nhà, về tội ác dã man của thực dân Pháp và chính quyền tay sai phong kiến đối với nhân dân ta ở cả ba miền; giới thiệu gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng.

Báo Thân ái xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ khoảng 200 số, gửi đi các địa phương có Việt kiều sinh sống. Được phổ biến rộng rãi trong Việt kiều, có tác dụng giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên Việt kiều. Báo Thân ái cũng là một bằng chứng về mối quan hệ lân bang và hữu hảo giữa hai dân tộc Việt - Thái trong những năm tháng mà dân tộc Việt Nam đang hướng tới con đường giải phóng dân tộc; nó khơi nguồn cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Thái trong lịch sử hiện đại.

       Với sự hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc, phong trào yêu nước của Việt kiều ở Thái Lan có nhiều chuyển biến mới, tích cực: Các tổ chức cách mạng được củng cố và phát triển; tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước được tăng cường; trình độ của cán bộ và bà con Việt Kiều được nâng lên... Những hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đã có ảnh hưởng tốt về trong nước.

PGS,TS. Nguyễn Thị Kim Dung
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Ảnh: Phương Vinh



[1] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.47.

[2] Tỉnh bộ Uđon gồm các đồng chí: Đặng Thúc Hứa, Đặng Thái Thuyến, Trần Văn Trấn, Võ Tòng, Cao Hoài Nghĩa...

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.24.

[4] Hồi ký của Lê Mạnh Trinh, bản chụp lưu Viện Hồ Chí Minh.

[5] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.75.

[6] Hồi ký của bà Đặng Quỳnh Anh, bản chụp lưu Viện Hồ Chí Minh.

[7] Hệ thống trường học này tồn tại khoảng 7 năm (1928-1935).

[8] Hồi ký của Đặng Văn Cáp, bản chụp lưu Viện Hồ Chí Minh.

[9] Hiện nay sau chùa Xỉchômchưn vẫn còn một cây dừa do Nguyễn Ái Quốc trồng.

[10] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.77.

[11] Báo Thân ái xuất bản năm 1927 ở Phichịt, do Tú Trinh (tức Nhuận, tức Tiến) chủ biên.

[12] Nguyễn Văn Khoan - Nguyễn Tiến: Bác Hồ ở Xiêm (1988-1929), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr.109.

Một số hình ảnh về khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại
thôn Nỏong Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani, Thái Lan


 Cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm


 Nhà làm việc của Bác tại làng Nọng Ổn năm 1928,
 phục dựng theo lời kể của các nhân chứng lịch sử



   Nhà đa năng trong Khu tưởng niệm



 Đại biểu Việt kiều dự Hội thảo về thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất