Từ hạt thông khô, vỏ ốc, vải vụn, vỏ bắp ngô, bã củ dong, báo cũ,
những vật dụng tưởng chừng như phế phẩm, rẻ tiền qua bàn tay tài hoa, sự
sáng tạo, các chị đã biến chúng thành hàng hóa. Không chỉ là cơ hội làm
giàu cho bản thân, gia đình, các chị còn tạo công ăn việc làm cho cộng
đồng, nhất là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Những hành động nhân
văn ấy, bắt nguồn từ "Ngày phụ nữ sáng tạo" do Hội LHPN Việt Nam tổ
chức.
Từ suy nghĩ đến hành động
"Ngày
phụ nữ sáng tạo" được tổ chức hai năm một lần. Sau hai lần phát động,
đã xuất hiện nhiều sản phẩm, ý tưởng sáng tạo độc đáo. Nếu như ngày Phụ
nữ sáng tạo năm 2011 thu hút sự tham gia của 140 sản phẩm, ý tưởng sáng
tạo được chọn lọc từ 29 bộ, ngành và 49 tỉnh, thành phố, thì năm 2013,
Ban tổ chức đã nhận được 130 sản phẩm sáng tạo, 219 ý tưởng, đề án sáng
tạo của 57 tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc đăng ký chỉ trong sáu
tháng phát động. Từ 30 ý tưởng "lọt" vào vòng chung khảo, đã có tám ý
tưởng mang tính khả thi được Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng số tiền
hơn 2,2 tỷ đồng để hiện thực hóa tại cộng đồng trong vòng một năm.
Chủ
nhân của những sản phẩm, giải pháp sáng tạo không chỉ là những phụ nữ
làm công tác nghiên cứu, khoa học, quản lý mà còn là những chị em ở nông
thôn chân lấm, tay bùn, cả cuộc đời chưa bước chân ra khỏi lũy tre
làng. Nhiều sản phẩm không chỉ có giá trị kinh tế mà còn góp phần giảm ô
nhiễm môi trường, được tạo ra từ những vật liệu phế thải: gỗ, giấy báo
cũ, vải vụn, quả thông khô. Nhiều công trình nghiên cứu tạo ra các giống
cây trồng cho năng suất cao, khả năng chịu sâu bệnh tốt, đã được đưa
vào ứng dụng thành công trong thực tế.
Có thể nhắc tới sản phẩm
Máy tẽ ngô của chị Ðiêu Thị Xiêng, dân tộc Thái, xã Nghĩa An, Nghĩa Lộ,
Yên Bái. Chị Xiêng cho biết: Từ thực tế việc tẽ ngô bằng tay tốn quá
nhiều công sức, thời gian, chị đã mày mò, chế tạo ra máy tẽ ngô từ ổ bi
xe đạp hỏng, gỗ tạp. Bình thường, một lao động trong tám giờ liên tục tẽ
được 40 - 50 kg ngô, nếu dùng máy tẽ ngô do chị Xiêng sáng chế, hiệu
suất đạt khoảng 300 kg, nhanh gấp sáu lần. Hiện nay, chị Xiêng đã hướng
dẫn cho nhiều gia đình trong bản làm theo, được bà con vui mừng đón
nhận.
Ðối với người Ðà Lạt (Lâm Ðồng), cây thông là món quà do
thiên nhiên ban tặng. Thế nhưng, quanh năm suốt tháng, những quả thông
khô rơi lăn lóc trong những cánh rừng. Gần đây, nhờ bàn tay tài hoa,
sáng tạo của chị Phan Thị Thu Thủy, ở phường 3, thành phố Ðà Lạt đã biến
những quả thông thành những sản phẩm lưu niệm độc đáo, được khách du
lịch yêu thích. Xưởng thủ công mỹ nghệ của chị Thủy đã tạo công ăn việc
làm với thu nhập ổn định cho mười phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Hướng tới cộng đồng
Ðã
có nhiều sản phẩm độc đáo trong "Ngày phụ nữ sáng tạo". Như sản phẩm
"Quà của biển", tác giả là thạc sĩ chuyên ngành du lịch Tăng Thị Duyên
Hồng, người sáng lập Công ty TNHH Quà của biển. Chị Hồng là người được
nhận giải nhất Ý tưởng Doanh nghiệp xã hội Ðông - Nam Á năm 2010, do
Thammasat Business School trao tặng. Chị Hồng kể: Thấy phụ nữ ở những
khu vực vùng biển thường có cuộc sống kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó,
việc bảo tồn sinh thái biển thật khó có thể thực hiện nếu như không
hướng tới chính những người dân bản địa. Bởi vậy, chị ấp ủ thành lập một
doanh nghiệp xã hội nhằm nâng cao hiểu biết của phụ nữ nghèo sinh sống
chung quanh các Khu bảo tồn biển thông qua đào tạo nghề, kỹ năng sống,
cũng như nhận thức về mối quan hệ giữa bảo tồn tài nguyên biển với phát
triển kinh tế gia đình. Doanh nghiệp xã hội Quà của biển đã ra đời tháng
3-2011, 20% lợi nhuận thu về từ việc bán các sản phẩm do chị em làm
được dành để mở lớp dạy nghề cho phụ nữ vùng biển. Ðến nay, doanh nghiệp
đã tổ chức 25 lớp tập huấn kỹ năng nghề cho 350 phụ nữ nghèo, thiết kế
hơn 100 mẫu sản phẩm từ phụ phẩm của biển, tạo việc làm cho hơn 50 chị
với mức thu nhập từ 1,7 đến 5 triệu đồng/tháng. Từ mô hình đầu tiên tại
Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, đến nay đã mở rộng đến các vùng ven
biển như: Xuân Thủy (Nam Ðịnh), Cù Lao Chàm, rừng ngập mặn Tân Phú Ðông
(Quảng Nam), Rạn Trào (Khánh Hòa) và Núi Chúa (Ninh Thuận) góp phần cân
bằng mục tiêu bảo tồn và phát triển.
Ðáng chú ý, trong 30 ý tưởng
sáng tạo lọt vào vòng chung khảo có hơn 30% số ý tưởng hướng đến phụ nữ
vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật và vùng biển,
đảo. Trong đó, tập trung các đề xuất nâng cao năng lực kinh tế, sản
xuất; cải thiện điều kiện kinh doanh, cân bằng giữa công việc kinh doanh
và quản lý gia đình cho các bà mẹ đơn thân; khôi phục và phát triển
nghề truyền thống... Không chỉ thu hút những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo
của cá nhân, nhóm, ngày hội còn thu hút được các ý tưởng sáng tạo đến từ
các Hội LHPN địa phương. Ðây cũng là những nỗ lực trong công tác Hội
nhằm thu hút, phát triển hội viên, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ. Phó
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết: "Các sản phẩm,
giải pháp, công trình sáng tạo này đã chứng minh, ở bất kỳ vị trí nào,
công việc gì đều có thể sáng tạo, đổi mới nếu chị em thật sự tự tin, tâm
huyết, có khát vọng, ước mơ, say mê. Bên cạnh đó là sự quan tâm, lãnh
đạo của Ðảng, Nhà nước, các cấp ngành, sự ủng hộ, chia sẻ của gia đình".
ÐẶNG THANH HÀ/NhanDan