Thứ Bảy, 23/11/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Bảy, 19/10/2019 20:45'(GMT+7)

Phụ nữ thực hành tiết kiệm và tham gia xây dựng nông thôn mới

Hội viên phụ nữ thôn 2, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) chăm sóc tuyến đường hoa kiểu mẫu. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Hội viên phụ nữ thôn 2, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) chăm sóc tuyến đường hoa kiểu mẫu. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

TIẾT KIỆM ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU AN SINH XÃ HỘI

Thiết thực triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã gắn việc học và làm theo Bác với phong trào vận động phụ nữ thực hành tiết kiệm bằng những việc làm từ nhỏ tới lớn trên tinh thần tự lực, tự chủ. Thực hành tiết kiệm vốn là hoạt động được phụ nữ và các cấp Hội quan tâm thực hiện từ lâu. Những năm gần đây, cách làm của các cấp hội đã có những nét đổi mới, sáng tạo. Trung ương Hội đã phát động phong trào phụ nữ tiết kiệm với mức tối thiểu hàng tháng là 5.000 đồng/người. Tính đến ngày 30-6-2019, sau 3 năm phát động, đã có hơn 11 triệu hội viên phụ nữ trong cả nước tham gia, huy động được 9,8 nghìn tỷ đồng, cho trên 1,2 triệu lượt phụ nữ vay vốn (xấp xỉ 12,7% tổng dư nợ mà tổ chức Hội đang tín chấp vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội). Với cách làm đó, những mô hình tiết kiệm như “Bơ thóc tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”… mang tính nhân văn sâu sắc trên khắp cả nước đã giúp nhiều chị em vượt qua khó khăn nhờ sự chia sẻ, đùm bọc nghĩa tình của cộng đồng.

Trong thời gian gần đây, việc tiết kiệm của các chị em còn hướng tới thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, như xây nhà tình nghĩa, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, xây dựng nhà vệ sinh... Mô hình “Phụ nữ Nam Định thực hành tiết kiệm mua bảo hiểm y tế - vì sức khỏe gia đình” là một minh chứng. Từ tháng 9-2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định đã thành lập 3 mô hình thí điểm “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế - vì sức khỏe gia đình” tại thị trấn Liễu Đề, Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) và xã Hải Phú (huyện Hải Hậu).

Tại xã Hải Phú, sau 2 năm triển khai mô hình trên, đã vận động, thu hút 588 hội viên, phụ nữ tham gia tiết kiệm ở 50 nhóm với tổng số tiền là 258 triệu đồng; mua 482 thẻ bảo hiểm y tế cho chị em và gia đình hội viên phụ nữ. Từ hiệu quả mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã triển khai mô hình trên toàn huyện. 100% xã, thị trấn của huyện đã thành lập được 817 nhóm phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm ở 503 chi hội với hơn 10.000 hội viên tham gia. Trung bình, mỗi tháng có hơn 1.500 thẻ bảo hiểm y tế được mua thông qua tổ chức hội. Từ mô hình đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có hướng dẫn các cấp hội phụ nữ của 10 huyện, thành phố triển khai nhân rộng mô hình. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.048 nhóm phụ nữ tiết kiệm, thu hút 13.008 hội viên, phụ nữ tham gia với tổng số tiền tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, mua 15.814 thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên trong nhóm cùng người thân trong gia đình. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phụ nữ tham gia mua bảo hiểm y tế, Hội Phụ nữ các cấp đã ký kết làm đại lý thu mua bảo hiểm tại các huyện, xã trong toàn tỉnh. Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh Nam Định đạt 83,8%.

Câu chuyện tiết kiệm giúp nhau mua thẻ bảo hiểm y tế của các cấp hội phụ nữ tỉnh Nam Định đã được nhân lên với hơn 10.000 tổ, nhóm trong các tỉnh, thành cả nước với sự tham gia của trên 1,5 triệu phụ nữ. Tiêu biểu như, tỉnh Bắc Ninh hiện có gần 30.000 thẻ; Thanh Hóa có gần 50.000 thẻ. Qua cách làm này, các cấp hội không chỉ góp phần thực hiện chỉ tiêu số người dân tham gia bảo hiểm y tế của các địa phương mà quan trọng hơn, đã tạo cơ hội cho người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với tấm “bùa hộ mệnh” và có điều kiện chăm sóc bản thân.

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỪ VIỆC NHỎ NHẤT

Tham gia xây dựng nông thôn mới, các cấp hội cơ sở lựa chọn, hướng dẫn chị em phụ nữ đăng ký phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới với cấp ủy, chính quyền địa phương bắt đầu từ việc nhỏ nhất như: sạch nhà, sạch ngõ, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom rác thải đến những con đường hoa...

Những năm qua, các cấp Hội phụ nữ thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm, mô hình thiết thực, đóng góp một phần quan trọng đưa Đông Triều trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của miền Bắc. Các cấp hội phụ nữ từ thị xã đến cơ sở đã lựa chọn những phần việc cụ thể, tập trung nâng cao các tiêu chí về vệ sinh môi trường. Qua đó, không ngừng phát huy vai trò nòng cốt của hội viên, phụ nữ, tạo sự lan tỏa, huy động sự vào cuộc của nhân dân. Cụ thể hóa chủ đề công tác năm của tỉnh, của thị xã về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên, đẩy mạnh phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, Hội đã xây dựng và triển khai mô hình dân vận khéo “Tuyến đường hoa” gắn với phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, mô hình “3 sạch”, “Phụ nữ Đông Triều chung tay giữ sạch đường làng ngõ phố”... Mô hình được triển khai điểm từ cuối năm 2017 và đến năm 2018 đã được nhân rộng tại 21 xã, phường trên địa bàn. Đến nay, toàn thị xã có 165 tuyến đường hoa và cây cảnh với tổng chiều dài 20km, trong đó có 62 tuyến do Hội liên hiệp phụ nữ các xã, phường trực tiếp quản lý.

Song song với đó, các cấp hội từ thị xã đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện mô hình 3 sạch “Sạch nhà, sạch vườn, sạch ngõ” với 12.862 gia đình hội viên đăng ký thực hiện. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn gia đình hội viên, phụ nữ xây dựng vườn mẫu, nhà mẫu theo các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, mô hình “Tổ phụ nữ thu gom rác thải” đến năm 2018 đã được triển khai tại 173/173 thôn, khu phố của thị xã, tỷ lệ thu gom rác từ các hộ dân đạt trên 80%. Thông qua mô hình, không chỉ nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường mà còn tạo việc làm cho trên 80 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với thu nhập trung bình đạt từ 800.000-1.500.000 đồng/tháng.

Với những tên gọi khác nhau như “Đường hoa phụ nữ”, “Tuyến đường hoa”, “Đường hoa nông thôn mới”, những mô hình này đã lan tỏa tới khắp các tỉnh, thành trên cả nước, không chỉ thúc đẩy các hoạt động của hội, mà còn góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từ chính những việc “bình thường và nhỏ bé”, đến nay, phụ nữ cả nước đã trồng và duy trì trên 50.000km đường hoa, cây xanh trong các thôn xóm, khu dân cư. Các cấp hội cũng đã vận động ngày công, đóng góp từ cộng đồng, từ chính bản thân mỗi gia đình để xây dựng 180.000 nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh… 

Có thể khẳng định, với cách lựa chọn những vấn đề thiết thực, đúng với nhu cầu thực tế, phù hợp với khả năng thực hiện của phụ nữ, đến nay, việc tiết kiệm cũng như tham gia xây dựng nông thôn mới không chỉ là những mục tiêu, chỉ tiêu trong các văn bản, nghị quyết của Trung ương Hội mà đã trở thành nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên của chị em và Hội phụ nữ cơ sở trên khắp cả nước.

Trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trên cả nước sẽ tiếp tục thực hiện theo tinh thần của Bác “đi từ việc nhỏ, những việc dễ nhớ, dễ làm”, trên cơ sở phát huy nội lực của phụ nữ trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước./.

Nguyễn Thị Thu Hà
Ủy viên Trung ương Đảng
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

_____________________________

(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 10/2019)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất