Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 6/3/2014 10:26'(GMT+7)

Phú Quốc: Tập trung phát triển thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao vào năm 2020

Bãi tắm và nơi nghỉ dưỡng khách sạn 3 sao Du lịch Sài Gòn-Phú Quốc.

Bãi tắm và nơi nghỉ dưỡng khách sạn 3 sao Du lịch Sài Gòn-Phú Quốc.

Thiên nhiên đã ban tặng cho đảo Phú Quốc các yếu tố thuận lợi nhất để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái vào loại tốt nhất Việt Nam. Đảo Phú Quốc có diện tích 567 km2 cùng với quần đảo An Thới gồm 12 đảo, diện tích 10 km2, ở gần cạnh và quần đảo Thổ Chu 8 đảo, diện tích 20 km2, cách Phú Quốc 142 km. Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất nước ta, đơn vị hành chính gồm: có 8 xã và 2 thị trấn (Dương Đông, An Thới), tài nguyên thiên nhiên phong phú cả trên đất liền và dưới biển, lại ở vào vùng khí hậu điều hòa ít bảo. Phú Quốc có điều kiện thuận lợi về giao thông (đường bộ, đường biển, đường hàng không). Từ thị trấn Dương Đông có 5 tuyến đường bộ tỏa ra khắp đảo, có các cảng: An Thới là cảng chính trên bờ biển phía cực Nam, cảng Bãi Vòng-Hàm Ninh, cảng Dương Đông; đặc biệt là cảng hàng không Quốc tế đã hoàn thành đi vào hoạt động, tạo ra khả năng phát triển mới cho Phú Quốc. Phú Quốc là điểm tựa của nước ta trong vịnh Thái Lan, cách vùng phát triển công nghiệp và du lịch nổi tiếng phía Đông Nam Thái Lan gần 500 km, cách vùng biển phía Đông Malaixia gần 700 km, cách Singapo 1.000 km và gần kề cửa ngõ phía Tây Nam Campuchia. Với vị trí như thế, Phú Quốc có vị thế quan trọng đối với đường hàng không, hàng hải của các nước trên thế giới đi qua. Trong khoảng 2 giờ bay của hàng không dân dụng, từ Phú Quốc có thể đến thủ đô 10 nước Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc.

Phú Quốc có điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp (2.800 ha), tập trung ở giữa và phía Nam đảo với các loại cây trồng như: cây công nghiệp, cây ăn quả, rau đậu,... phục vụ xuất khẩu. Vùng đảo Thổ Chu là ngư trường cá ngừ, cá thu, Hòn Thơm có nhiều hải sâm... Phú Quốc có 99 ngọn núi, núi lớn nhất là dãy Hàm Ninh, có bãi biển dài bằng phẳng, nhiều nắng và lặng sóng, khí hậu trong lành; 17 điểm khoáng sản gồm đá quý huyền đen có thể làm đồ trang sức, đá xây dựng, đất sét, cát trắng,... Mặt khác, toàn bộ tuyến bờ biển đông, tây, nam, bắc của đảo đều có thể khai thác cho mục tiêu du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Với du lịch nghỉ dưỡng, do điều kiện thiên nhiên thuận lợi nên du khách hoàn toàn có thể tắm biển cả 365 ngày trong năm. Với du lịch sinh thái, du khách có thể leo núi, thăm các khu rừng nguyên sinh trên đảo quanh năm. Bờ biển xa các mỏ dầu và các khu công nghiệp nên chất lượng nước biển và bãi cát dành cho tắm biển không có nơi nào ở Việt Nam sánh được. Đây là ưu thế lớn cho Phú Quốc để phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao, là địa bàn chiến lược, quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của nước ta nói chung và của tỉnh nói riêng trong giai đoạn mới.

Ngày 05-10-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 178/2004/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”; Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 05/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Thực hiện Quyết định số 1197/QĐ-TTg “về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020”; ngày 11/5/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 633/QĐ-TTg “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Đã có 1.426 doanh nghiệp thành lập, vốn đăng ký 33.254 tỷ đồng, số doanh nghiệp tăng gấp 5,53 lần và vốn đăng ký gấp 89,12 lần so với năm 2004. Đã thu hút 204 dự án đầu tư với diện tích 9.490 ha (trong đó có 88 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, diện tích 4.138 ha, vốn đầu tư 94.010 tỷ và 116 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư diện tích 5.352 ha); đã có 13 dự án đi vào hoạt động; 11 dự án đang triển khai xây dựng, diện tích 447ha, vốn đầu tư 4.080 tỷ đồng. Mạng thông tin di động, điện thoại cố định, internet... tiếp tục được đầu tư nâng cấp đảm bảo liên lạc thông suốt với bên ngoài. Một số công trình hạ tầng trọng điểm được triển khai đầu tư như: Đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục: Cảng Bãi Vòng, Vịnh Đầm, Đá Chồng, đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách và trung tâm quản lý bay. Cảng biển Quốc tế An Thới... Đường vòng quanh đảo và đường trục chính Bắc-Nam đảo dài 200 km, vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, đã triển khai thi công 82,6 km, vốn đầu tư 4.455 tỷ đồng, giá trị khối lượng thực hiện 2.215 tỷ đồng (bao gồm các tuyến đường: Dương Đông-Cửa Cạn, Dương Đông-Cửa Lấp, Cửa Cạn-Gành Dầu, Dương Đông-Suối Cái-Bãi Thơm, Dương Đông-An Thới). Tuyến cáp ngầm 110KV Hà Tiên-Phú Quốc chiều dài 55,8 km, vốn đầu tư 2.336 tỷ đồng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Qua triển khai thực hiện đề án của Chính phủ, Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Phú Quốc. Kinh tế phát triển ổn định và tăng trưởng cao, bình quân hằng năm tăng trên 24%, gấp 5,57 lần so năm 2005; GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 70,30 triệu đồng/người/năm theo giá hiện hành, gấp 7,43 lần so năm 2005; lượt khách du lịch tăng bình quân hàng năm trên 14,3% (năm 2013 khách du lịch đạt 380.000 lượt, bằng 2,91 lần so năm 2005). Thu ngân sách tăng bình quân hằng năm trên 36%. Các sản phẩm du lịch đa dạng hóa, tạo ra nét đặc thù riêng cho đất đảo, như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo. Các loại hình câu cá ban ngày, thẻ mực ban đêm, lặn biển ngắm san hô có bước phát triển, với 100 chiếc tàu chở khách, tăng 6,6 lần so với năm 2005. Du lịch kết hợp với tổ chức hội nghị, hội thảo, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức các sự kiện) được chú trọng, đã có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế tại Phú Quốc, thu hút nhiều khách du lịch. Các sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa như: nước mắm, tiêu, rượu sim, chó Phú Quốc, ngọc trai... được nâng lên chất lượng, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, khu di tích trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, chùa Hộ Quốc, chùa Sư Muôn, đền thờ Nguyễn Trung Trực, Dinh Cậu, hiện là một sản phẩm du lịch là tâm điểm thu hút khách đến Phú Quốc.

Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong đó có Quyết định 178 là hành lang pháp lý là điều kiện cơ bản mà Phú Quốc đã được Trung ương quan tâm chỉ đạo và tập trung nguồn nhân lực cho đầu tư hạ tầng. Kể từ đó đến nay, Phú Quốc được mọi người biết đến như là một đảo ngọc, thiên đường du lịch biển, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Phú Quốc ngày càng được nhiều người biết đến quan tâm Phú Quốc là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng. Hình ảnh “Hòn đảo ngọc Phú Quốc” trên cả nước, khu vực và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch và trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, các khu, điểm du lịch được đầu tư nâng cấp và phát triển, các danh lam thắng cảnh được quan tâm tôn tạo. Các tuyến du lịch trong tỉnh được định hình và khai thác hiệu quả, tuyến du lịch quốc tế đã kết nối với các nước như Campuchia, Thái Lan và một số nước ASEAN. Sản phẩm du lịch từng bước đa dạng hóa với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nét đặc trưng về tài nguyên thiên nhiên của Phú Quốc. Công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được đẩy mạnh, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, trình độ quản lý, nghiệp vụ và khả năng giao tiếp với khách du lịch của đội ngũ cán bộ, công chức ngành du lịch có bước nâng lên. Đầu tư phát triển du lịch gắn chặt với việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh-quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội. Phú Quốc cũng đang đầu tư xây dựng một số khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp 4 sao, 5 sao, nơi sẽ tổ chức những sự kiện mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế; xây dựng những khu vui chơi, giải trí, sân golf... để thu hút lượng khách nước ngoài có thu nhập cao vào Phú Quốc, khi hoàn thành đưa vào hoạt động, sẽ là lợi thế rất lớn, giúp Phú Quốc có điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh hơn.

Mục tiêu huyện Phú Quốc đưa ra là từ nay đến 2015: Phấn đấu nâng cấp Đô thị loại II và Thành phố trực thuộc tỉnh. Thực hiện cơ bản đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ huyện đề ra. Từ 2016-2020: Phấn đấu trở thành đặc khu hành chính kinh tế trực thuộc Trung ương.Phấn đấu đến năm 2020 thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu sau: Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 27% trở lên, cơ cấu kinh tế: Thương mại- dịch vụ 62%, nông-lâm-thủy sản 14%, công nghiệp-xây dựng 24%. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm trên 3.500 tỷ đồng, thu hút trên 2 triệu khách du lịch, giải quyết việc làm bình quân 1.500 lao động/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%; phấn đầu hoàn hạ tầng kinh tế- xã hội; đáp ứng đủ phòng nghỉ cho khách du lịch./.


Quốc Tuấn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất