Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 10/9/2012 22:11'(GMT+7)

Phú Thọ: Huyện Thanh Ba coi trọng công tác xã hội hoá khuyến học khuyến tài

Trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi huyện Thanh Ba - Phú Thọ. (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi huyện Thanh Ba - Phú Thọ. (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Là huyện nghèo miền núi của tỉnh Phú Thọ, nhưng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện Thanh Ba trong những năm qua luôn được các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm và đã có những bước phát triển mạnh mẽ; tính xã hội hóa trong hoạt động khuyến học ngày càng được mở rộng về cả số lượng và chất lượng.

Trong nhiều năm liền, công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập của huyện luôn được xếp loại tốt và được Hội khuyến học tỉnh Phú Thọ, Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng bằng khen. Đạt được những kết quả đáng mừng đó, trước hết công tác tuyên truyền phải được tiến hành đa dạng, phong phú nhằm tạo chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn.

Công tác phổ cập giáo dục trong toàn huyện được duy trì và củng cố vững chắc, kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi đúng kế hoạch đảm bảo để trước khi bước vào tiểu học trẻ không còn bỡ ngỡ, cha mẹ các bé không còn phải lo lắng làm sao cho con hòa nhập với bạn bè khi đến lớp. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đạt 100% đúng độ tuổi, huyện phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt phổ cập giáo dục bậc trung học.

Quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển hợp lý, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trong toàn huyện. Tính đến nay, ngành giáo dục huyện Thanh Ba có 81 trường học, trong đó có 27 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 22 trường trung học cơ sở, 2 trường phổ thông trung học, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên và 01 trường cao đẳng nghề với 21.827 học sinh ở 691 lớp học. Các lớp bậc học mầm non và tiểu học, trung học cơ sở được phân bố đồng đều trên khu vực dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa trẻ đến trường. Hầu hết các trường được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, lớp học, bảo đảm cảnh quan môi trường sư phạm.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân viên tương đối đầy đủ ở các cấp học, bậc học và hầu hết đều được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Chất lượng giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Toàn huyện có 29 trường đạt chuẩn quốc gia. Ngành giáo dục huyện làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tạo mọi điều kiện đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các trường học, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường học.

Đến nay toàn bộ 27 xã, thị trấn trong huyện đều thành lập Hội khuyến học, 256/256 khu dân cư có chi hội khuyến học. 77 chi hội khuyến học trong nhà trường, 66 chi hội khuyến học thuộc dòng họ. Tất cả chi hội khuyến học đều hoạt động có hiệu quả. Hội khuyến học của huyện đã phát huy tốt vai trò nòng cốt liên kết các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ, cơ quan, đơn vị, cộng đồng khuyến học đã phát triển rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển toàn diện, thu hút ngày càng nhiều tập thể và cá nhân tham gia. Năm 2011, toàn huyện có 3.920 gia đình hiếu học. Qua các phong trào đó góp phần phát huy truyền thông hiếu học và xây dựng xã hội học tập ở cơ sở, tạo những thuận lợi cho tổ chức hội ngày càng phát triển.

Bằng nhiều hình thức vận động khác nhau, mỗi năm trên toàn huyện đã vận động ủng hộ Quỹ khuyến học từ 500 đến 800 triệu đồng. Các tổ chức kinh tế-xã hội, các nhà ủng hộ hảo tâm đã dành nhiều xuất học bổng cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học giỏi tiêu biểu. Từ nguồn quỹ vận động được, các chi hội và Hội khuyến học các cấp đã tổ chức trao khen thưởng hàng năm cho từ 8.000 đến 9.000 em.

Tỉ lệ học sinh đỗ đại học hàng năm của huyện cũng khá cao từ 300 đến 400 em. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập không chỉ dừng ở việc động viên thấy và trò thi đua học tốt, dạy tốt trong nhà trường mà còn được mở rộng ra bên ngoài như vận động nhân dân, hội viên tham gia học tập ở các trung tâm học tập cộng đồng. Hiện nay huyện đã có 27 trung tâm học tập cộng đồng, thu hút được nhiều lượt người tham gia học tập nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt.

Công tác vận động đăng ký, bình xét “gia đình hiếu học”, “dòng họ khuyến học”, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình “gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, nhà trường khuyến học” đã thúc đẩy công tác xã hội hóa học tập ngày càng phát triển tốt đẹp trên địa bàn huyện. Điển hình như gia đình bà Lưu Thị Hồng ở xã Ninh Dân, dòng họ Trần Bá, Hà Khắc ở xã Chí Tiên, họ Cao ở xã Đồng Xuân, Họ Tống ở Thị trấn Thanh Ba, họ Nguyễn ở xã Yên Nội, Thanh xa, Giáo xứ nhà thờ Đồng Xa.v.v..

Các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức, đoàn thể huyện Thanh Ba xác định: Ngoài sự chăm lo của Đảng, Nhà nước để phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một trong những yếu tố quan trong để phát triển nguồn lực con người trong tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.

Phương Uyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất