Thứ Bảy, 23/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 21/3/2013 16:20'(GMT+7)

Phú Thọ: Tạm ứng kinh phí hỗ trợ các hộ dân di dời khẩn cấp khỏi vùng sụt lún

Sụt lún xảy ra trong nhà dân.

Sụt lún xảy ra trong nhà dân.

Tình trạng sụt lún đất tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) đã xảy ra từ khá lâu đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp. Từ những năm 1993-1994, hiện tượng sụt lún đã xẩy ra trên đất canh tác của một số hộ dân trong xã, tuy nhiên đến nay hiện tượng này đã xảy ra liên tiếp với quy mô lớn, mức độ ngày càng trầm trọng không chỉ trên đát canh tác mà cả trên đất thổ cư dọc trục đường giao thông, làm nghiêng, nứt, sụt lún nền và tường nhà của trên 400 hộ dân và trường mầm non thuộc khu 3, 4 xã Ninh Dân. Nhiều hộ dân ở đây ngày đêm thấp thỏm lo âu vì tính mạng, tài sản luôn trong tình trạng bị đe dọa nhất là trong mùa mưa bão.

Theo kết luận điều tra, khảo sát của liên đoàn Quy hoạch điều tra tài nguyên nước Miền Bắc, xã Ninh Dân là khu vực thấp trũng, chịu tác động mạnh bởi dỏng chảy mặt và nước mưa làm rời bở lớp đất trên bề mặt địa hình, đồng thời nằm trên thung lũng karst có nền đá vôi phân bổ rộng, trong phạm vi của đới đứt gãy có phương Tây bắc - Đông nam đã làm cho các tầng đá vôi bị đập vỡ mạnh tạo điều kiện cho quá trình  phong hóa, hình thành nhiều hang karst ngầm dưới mặt đất. Quá trình vận động của nước ngầm làm xói ngầm, mở rộng các hang và bào mỏng nóc hang. Mặt khác do tác động của biến đổi khí hậu, các nguồn nước bị suy giảm, mực nước ngầm bị hạ thấp dần dẫn đến mất cân bằng trọng lực dần dần phá hủy, bào mòn gây sập nóc hang, gây nên tình trạng sụt lún đất. Một số tác nhân khác gây ảnh hưởng cục bộ như việc khai thác mỏ đá, đào giếng lấy nước sinh hoạt của các gia đình… hoạt động này diễn ra trong thời gian dài và lặp đi lặp lại đã gây nên biến động bất lợi làm đẩy nhanh tiến trình xói mòn ngầm trong các khe nứt, các hang karst kéo theo hiện tương sụt lún đất ở các thời điểm khác nhau khi có tác động của nước mưa.

Trước tình hình trên, cùng với việc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban ngành trong tỉnh, Huyện Thanh Ba đã khẩn trương tổ chức các đoàn, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra thực địa và kịp thời thăm hỏi, động viên nhân dân khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp, phổ biến nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của sự cố để nhân dân hiểu và chủ động phòng tránh. Đồng thời, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cảu Trung ương, của tỉnh, huyện Thanh Ba đã ban hành các văn bản và chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với xã Ninh Dân xây dựng thiết kế, hoàn thiện khu tái định cư số 2 với 139 ô và tiến hành kiểm đếm, giao đất tại khu tái định cư cho 88 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất. Tuy nhiên, hiện tượng sụt lún vẫn tiếp tục lạn rộng, huyện đang tiến hành quy hoạch khu tái định cư số 3 với diện tích 21,7 ha (quy mô 428 hộ dân) dự kiến trong năm 2013 hoàn thành một phần hạ tầng để có thể di dời 100 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp, năm 2014, 2015 sẽ di dời hết 400 hộ dân bị ảnh hưởng. Hoàn thành quy hoạch, lập dự án di chuyển trường Mầm non về khu vực Núi Trục để đảm bảo an toàn cho 400 học sinh, giáo viên của trường và triển khai các biện pháp xử lý kỹ thuật các điểm sụt lún mới phát sinh.

Xác định việc di dời các hộ vùng sụt lún đến nơi an toàn là việc làm cấp bách, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, chủ động cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, bố trí chỗ ở tạm thời và tạo mọi điều kiện cho các hộ dân  phải di dời khẩn cấp ổn định cuộc sống; thành lập Tổ công tác đến từng hộ dân trong vùng nguy hiểm để tuyên truyền, vận động gia đình sơ tán; Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thành niên chủ động giúp các gia đình sơ tán và quyên góp hỗ trợ một số đồ dùng thiết yếu, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 20 triệu đồng để di chuyển, nhưng nhu cầu kinh phí phục vụ việc di chuyển, thuê nhà, xây dựng nhà mới, ổn định đời sống và sản xuất của các hộ dân là rất lớn. Huyện đã tích cực đề nghị tỉnh hỗ trợ để di dời ngay những hộ phải di rời khẩn cấp và đề nghị Trung ương ban hành cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ khẩn cấp thiên tai vùng bị sụt lún.
Để kịp thời giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho các hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp khỏi vùng lún sụt có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống, trong khi Chính phủ chưa ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, vừa qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 3297/QĐ-UBND về chủ trương tạm ứng kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp khỏi vùng sụt lún đất ra khu tái định cư số 2.

Đối tượng được hỗ trợ là những hộ gia đình đang sinh sống hợp pháp tại địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của sự cố sụt lún đất, bắt buộc phải di dời ra khu vực an toàn. Thời gian hỗ trợ thuê nhà là 6 tháng kể từ khi phải di dời khỏi chỗ ở, định mức tạm ứng 150.000đồng/khẩu/tháng.

Hỗ trợ nhà ở mới tại khu tái định cư số 2, mức tạm ứng bẳng 50% giá trị vật liệu kiến trúc nhà ở tính theo phương án bồi thường tài sản kiến trúc được quy định tại Quyết định số 1467/2011/QĐ-UBND ngày 27/4/2011 của UBND tỉnh, nhưng tối đa không quá 250 triệu đồng/hộ gia đình.

Đây là chủ trương đúng đắn thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền nhằm ổn định cuộc sống cho bà con trong vùng bị ảnh hưởng sụt lún đất. Tuy nhiên các cấp, các ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo thực hiện tốt, đảm bảo công khai, minh bạch chủ trương tạm ứng kinh phí hỗ trợ các hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Tiếp tục kiểm kê, xác định giá trị vật kiến trúc nhà ở của các hộ phải di chuyển đề nghị tỉnh phê duyệt kịp thời, đặc biệt phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rõ nguyên nhân sụt lún đất, phổ biến cơ chế hỗ trợ trước mắt của tỉnh để người dân biết, đồng thuận thực hiện./.

Hoài Phương
Trung tâm Nghiên cứu KH, NV&TL - Ban TGTW



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất