Thứ Bảy, 30/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 18/2/2018 16:53'(GMT+7)

Phục hồi dòng tranh dân gian quý ở Hà Nội

Đó là dòng tranh dân gian quý của xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị thất truyền từ hàng chục năm qua, nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của những người yêu tranh truyền thống, đến nay tranh Kim Hoàng đã được phục hồi, dần được nhiều người biết tới. 

* Vang bóng một nghề truyền thống 

Cũng giống như hai dòng tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ, tranh Kim Hoàng thường dùng để thờ và chơi Tết, nhưng tranh Kim Hoàng được vẽ trên giấy hồng điều, nét vẽ vui nhộn, đề tài thể hiện đa dạng, từng là thú vui của nhiều người chơi tranh. Với chủ đề đa dạng từ tranh thờ đến tranh về các đề tài lễ hội, cuộc sống, con vật... nên tranh Kim Hoàng gần gũi với đời sống người dân. Các loại màu sử dụng trong tranh đều có nguồn gốc từ tự nhiên như màu trắng từ thạch cao, màu đỏ từ son, màu đen từ tro rơm rạ, màu vàng từ hoa dành dành..., rất dân dã. 

Theo tương truyền, xuất hiện ở làng Kim Hoàng từ giữa thế kỷ 18, dòng tranh đỏ nhanh chóng phát triển, tạo danh tiếng cho làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Phần lớn người dân trong làng đều làm tranh, đặc biệt nhộn nhịp vào dịp cuối năm khi nhu cầu chơi tranh và dùng để thờ cúng tăng mạnh. 

Các cụ cao niên trong làng nhớ lại, thời đó nhà thì làm tranh, nhà lại mua tranh mang đi bán khắp các vùng quê, tranh Kim Hoàng phát triển hưng thịnh, đời sống người dân tương đối khá giả. Những ngày phường tranh Kim Hoàng mở kho tranh, phát ván cho các hộ gia đình tới lĩnh là những ngày người dân Kim Hoàng náo nức cho một vụ tranh mới. Để thể hiện sự cung kính đối với tổ nghề, người ta dâng hương, cúng tế, sau đó chủ phường mở kho phân phát cho các gia đình làm tranh theo đăng ký trước đó. Hết vụ tranh, ván khắc lại được đưa về kho bảo quản cẩn thận. 

Thế nhưng trận lụt lịch sử năm 1915 khiến đê Liên Mạc bị vỡ, dòng lũ đã cuốn trôi hầu hết các ván in tranh. Cuộc sống theo đó cũng khó khăn, nhu cầu chơi tranh ngày Tết không còn sôi động như trước và dòng tranh đỏ Kim Hoàng cũng mai một theo thời gian. Đến năm 1945, ở làng Kim Hoàng hầu như không còn ai làm tranh nữa. 

* Hồi sinh dòng tranh quý 

Những tưởng dòng tranh Kim Hoàng sẽ chỉ còn lại trong ký ức của người dân nhưng thật tình cờ khi nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội lại đem lòng say mê dòng tranh dân gian, trong đó có tranh Kim Hoàng và đau đáu với sự mai một của dòng tranh đỏ này. 

Ngày qua ngày, chị nung nấu ý tưởng khôi phục dòng tranh Kim Hoàng để giữ lấy dòng tranh dân gian quý dù chị chẳng phải là người làng Kim Hoàng cũng chưa bao giờ gắn bó với dòng tranh ấy. Nhiều lần về làng Kim Hoàng để tìm hiểu về dòng tranh đỏ, mong manh hy vọng sẽ tìm lại được những tấm ván khắc cũ, những tư liệu còn lại nhưng chị đều tay không đi về. Một ngả đường khác được chị tìm tới là mày mò tìm tư liệu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, gặp gỡ các nhà sưu tập. Cuối cùng, khi tìm được một số mẫu tranh, chị nhờ các nghệ nhân điêu khắc tiếp tục khắc lại trên những ván gỗ dù công việc này mất rất nhiều thời gian, công sức do tranh Kim Hoàng chứa nhiều chi tiết tinh tế. Rồi việc lựa chọn màu sắc cho phù hợp với màu nguyên bản tiếp tục là thách thức với nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa. Nhiều lần đi về làng tranh Kim Hoàng, tham khảo ý kiến các cụ cao niên, chị cũng tìm ra màu sắc cơ bản giống với nguyên gốc. 

Một sự tình cờ khác khi chị Thu Hòa tìm được cuốn sách quý về các dòng tranh dân gian ở Việt Nam, trong đó có đầy đủ bộ tranh Kim Hoàng của một tác giả người Pháp. Cuốn sách có 60 mẫu tranh Kim Hoàng, phần lớn không còn được lưu giữ ở Việt Nam và nó trở thành nguồn tư liệu quý giá để chị phục hồi hầu hết các mẫu tranh Kim Hoàng. Cùng vào thời điểm đó, một người dân ở Kim Hoàng tìm thấy 3 mộc bản cổ khắc in tranh. Được tận mắt xem ván khắc cổ, biết được khổ tranh, nét chạm nên chị tiếp tục nhờ người dựng lại bản khắc mới, mở ra nhiều cơ hội trong việc hồi sinh dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Theo chị, phục dựng tranh không chỉ tạo ra sản phẩm giống với bản gốc mà phải đảm bảo các yếu tố khác để đảm bảo sự chân thực, tinh xảo, tính thẩm mỹ của tranh. 

Khôi phục được tranh đã khó nhưng để giữ nghề, phát triển nghề, thu hút mọi người làm tranh được là điều khó hơn. Chị Thu Hòa đã vận động, hỗ trợ người dân địa phương tham gia các lớp học tìm hiểu về nghề sản xuất tranh dân gian, đồng thời xây dựng trung tâm làm tranh Kim Hoàng để người dân gắn bó với nghề. Cảm mến sự nhiệt huyết của chị Thu Hòa và hiểu được ý nguyện của chị, nhiều người dân làng Kim Hoàng đồng lòng ủng hộ chị. Từ chỗ người làng Kim Hoàng hoàn toàn lãng quên dòng tranh quý của quê hương, đến nay chị đã đào tạo được nhiều người theo nghề, tổ chức được một cơ sở sản xuất ở chính xã Vân Canh để làm tranh phục vụ thị trường. 

Anh Đào Đình Trung - người làng Kim Hoàng theo nghề làm tranh chia sẻ, quá trình khôi phục dòng tranh quý gặp không ít khó khăn nhưng đến nay chúng tôi hoàn toàn tự tin khi làm tranh. 

Hiện nay, tranh Kim Hoàng bắt đầu được biết đến rộng hơn với những người yêu tranh dân gian nhưng để những người trong làng thực sự gắn bó với nghề, sống bằng nghề, chị Thu Hòa vẫn đang tiếp tục những hành trình với niềm hy vọng đó. Chị mong muốn gắn kết làng nghề tranh Kim Hoàng với du lịch, gắn kết các điểm di tích trên địa bàn với bảo tàng tranh dân gian, khu trưng bày, trình diễn nghề làm tranh để thu hút mọi người đến tìm hiểu, mua tranh. Một thuận lợi cơ bản khi Dự án khôi phục nghề tranh Kim Hoàng của chị Nguyễn Thị Thu Hòa được sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. 

Hiện tại, chị Thu Hòa đang nỗ lực đưa dòng tranh dân gian Kim Hoàng tiếp cận gần hơn với người chơi tranh. Bên cạnh việc tích cực trưng bày, giới thiệu, trình diễn làm tranh ở các sự kiện văn hóa, chị đang sáng tác những tranh mới trên nền truyền thống để phục vụ nhu cầu xã hội đương đại. Nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018, chị cho ra mắt mẫu tranh "Khuyển nghê", phù hợp với con giáp của năm nay nhằm phục vụ nhu cầu nhân dân và từng bước đưa tranh Kim Hoàng trở lại đời sống. Tết nguyên đán năm 2017, chị cũng cho ra mắt mẫu tranh “Thần kê”, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Các mẫu tranh này được bán tại Hội chữ Xuân tổ chức ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám và bước đầu được sự đón nhận của người chơi tranh. Dù còn nhiều việc phải làm nhưng đó là những tín hiệu tốt để chị Nguyễn Thị Thu Hòa được tiếp thêm nhiệt huyết trong nỗ lực khôi phục dòng tranh dân gian quý này./. 

Đinh Thuận/TTXVN 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất