Chính phủ I-rắc mấy ngày qua đã mất quyền
kiểm soát đối với thành phố chiến lược Pha-lu-gia cách thủ đô Bát-đa
khoảng hơn 60km về phía Tây vào tay nhóm chiến binh nổi dậy có liên hệ
với Al Qaeda và nhóm này đã tuyên bố thành lập “Nhà nước Hồi giáo I-rắc
và Cận đông (ISIL)”, với Pha-lu-gia là thủ phủ của "Nhà nước" này.
Diễn biến này chẳng khác nào “quả bom hẹn
giờ”, tạo ra đột biến đáng chú ý trong cục diện I-rắc, vốn rối ren bởi
bạo lực đẫm máu trong suốt hơn 2 năm qua, kể từ khi những lính chiến
cuối cùng của Mỹ rời khỏi đây vào ngày 18-12-2011. Tin tức về những vụ
tấn công liều chết ở I-rắc còn nhiều hơn những tin tức về một ngày bình
yên hiếm hoi ở thủ đô Bát-đa.
Kể từ khi quân đội Mỹ chấm dứt sự hiện diện gây tranh cãi ở I-rắc, dù chính phủ I-rắc non trẻ đã dốc hết sức lực để ổn định tình hình an ninh, chính trị nhưng mọi nỗ lực đều thất bại. Đất nước I-rắc sau hơn 10 năm Mỹ triển khai quân tại đây với cam kết mang lại dân chủ, ổn định, phát triển vẫn còn nguyên hiện trạng u ám bởi bạo lực và chia rẽ. Thậm chí, tình hình còn tồi tệ hơn trước bởi mâu thuẫn trên chính trường cùng các cuộc xung đột và tranh giành lợi ích giữa các sắc tộc, tôn giáo diễn ra không dứt. Các diễn biến bạo lực dường như vượt ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, vốn chưa đủ khả năng bảo đảm an ninh, đang đe dọa cuộc sống của người dân nước này từng ngày, từng giờ.
Tình hình càng tồi tệ hơn khi những cuộc “đấu đá” từ chính trường đã biến thành bạo lực bởi những vụ tấn công nhằm ám sát, tiêu diệt đối phương của các chính khách cực đoan. Các cuộc tranh giành quyền lợi giữa nhóm sắc tộc càng tiếp thêm lửa cho bạo lực. Chưa kể, sau khi Mỹ rời đi, I-rắc bị biến thành “sân chơi” cho các nước láng giềng tranh giành lợi ích và không gian ảnh hưởng. Tất cả đã góp phần vẽ lên một bức tranh tối màu về I-rắc.
Một đất nước I-rắc gần như tan nát chính là mảnh đất lý tưởng cho các phần tử khủng bố Al Qaeda hoành hành và nắm thời cơ trỗi dậy. Sau hơn 10 năm trải qua cuộc chiến do Mỹ phát động nhằm mục tiêu chống khủng bố, đây vẫn là mảnh đất nuôi dưỡng khủng bố bạo lực. Dân chủ, ổn định và phát triển tại I-rắc dường như là mục tiêu quá xa vời. Công sức trong chừng ấy năm của Oa-sinh-tơn và các đồng minh vật lộn ở I-rắc đang có nguy cơ bị “đổ xuống sông xuống biển”.
Không thể phủ nhận một thực tế là Al Qaeda đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ ở I-rắc cũng như tại các quốc gia đang có xung đột khác tại Trung Đông như Xy-ri, đe dọa tới hòa bình và ổn định của khu vực. Đây là minh chứng cho một thực tế vẫn được các chuyên gia chống khủng bố cảnh báo, đó là thánh chiến bạo lực nói chung và mạng lưới khủng bố Al Qaeda nói riêng, không hề bị thu hẹp sau khi trùm Bin La-đen bị tiêu diệt. Al Qaeda vẫn phát triển chặt chẽ, hồi sinh và đang khai thác những cơ hội mới. Giờ đây, Al Qaeda đã thay đổi hình thái hoạt động, không nằm dưới sự chỉ đạo của một trung tâm đầu não nữa mà phân tán ra thành các chi nhánh nhỏ lẻ, hoạt động theo tôn chỉ của mạng lưới khủng bố và xây dựng lực lượng đủ sức để đánh chiếm các vùng lãnh thổ, hình thành các nhà nước Hồi giáo. Việc Al Qaeda tuyên bố thành lập “Nhà nước Hồi giáo I-rắc và Cận đông (ISIL)” cho thấy rõ tham vọng của tổ chức khủng bố này.
|
Cảnh sát và lực lượng vũ trang chiến đấu chống lại các phiến quân tại Ramadi ngày 2-1. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Đối với Mỹ, khủng bố luôn là mối đe dọa hàng đầu và Al Qaeda là cựu thù mà Mỹ phải tận diệt bằng mọi cách. Hẳn Oa-sinh-tơn chưa thể quên cuộc tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Ben-ga-di (Li-bi) của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan tình nghi có liên hệ với Al Qaeda năm 2012, khiến đại sứ Mỹ tại Li-bi cùng 3 nhân viên ngoại giao khác thiệt mạng, hay sự cố Mỹ phải đóng cửa một loạt cơ quan đại diện ngoại giao của mình ở Trung Đông và Bắc Phi vào năm ngoái vì bị đe dọa tấn công khủng bố.
Theo lô-gích, Oa-sinh-tơn vốn là “đầu tàu” trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế nên người ta có thể trông đợi sẽ có động thái thích hợp để đáp lại những diễn biến nguy hiểm ở I-rắc nhằm bảo vệ thành quả dù còn khiêm tốn trong 10 năm ở đây. Thế nhưng, Oa-sinh-tơn chỉ đưa ra phản ứng khá dè dặt. Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri tuyên bố, Oa-sinh-tơn sẽ làm mọi việc có thể để giúp đỡ Bát-đa nhưng cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố và việc tái lập ổn định, trật tự thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của I-rắc. Ông còn nhấn mạnh rằng, Mỹ đã rút quân khỏi I-rắc và không có ý định đưa quân trở lại quốc gia này.
Với Mỹ lúc này, cân bằng giữa các mục tiêu chống khủng bố và mục tiêu chiến lược khác không hề đơn giản. Hiện chính quyền Mỹ phải lo giải quyết các vấn đề rắc rối nội bộ và đang hướng tới các mục tiêu thực dụng hơn như tìm kiếm cơ hội tăng trưởng kinh tế, nên khó có thể dồn sức cho các mục tiêu đối ngoại. I-rắc hay Trung Đông không còn chiếm phần nổi bật trong các chương trình nghị sự trọng tâm của Oa-sinh-tơn như trước đây. Tuy nhiên, trước nguy cơ trỗi dậy của Al Qaeda tại Trung Đông, Oa-sinh-tơn không thể nhắm mắt làm ngơ bởi mặc dù đã tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhưng việc “rũ bỏ trách nhiệm” với khu vực này là không hề dễ dàng. Bởi một khi Al Qaeda thật sự hồi sinh, đó sẽ là nguy cơ an ninh trực tiếp đối với nước Mỹ./.
Mỹ Hạnh (QĐND)