Thứ Bảy, 21/12/2024
Hướng tới Diễn đàn APEC 2017
Thứ Sáu, 25/3/2016 15:40'(GMT+7)

Quan hệ Việt Nam - APEC

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nguyên thủ các nước tại Hội nghị APEC 2006 do Việt Nam đăng cai tổ chức.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nguyên thủ các nước tại Hội nghị APEC 2006 do Việt Nam đăng cai tổ chức.

Tham gia của Việt Nam trong APEC

Nhận thấy tầm quan trọng của APEC đối với sự phát triển kinh tế của các nước trong khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng, phù hợp với đường lối hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và nhà nước ta, ngày 15/6/1996, Chính phủ Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập APEC. Tiếp đó, theo yêu cầu của APEC, tháng 8/1996 ta đã gửi cho APEC "Bản ghi nhớ hệ thống chính sách kinh tế thương mại của Việt Nam" (Aide Memoire). Trong thời gian chờ quyết định chính thức kết nạp Việt Nam, ta cũng đã xin tham gia 3 Nhóm Công tác để làm quen và nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức. Ngày 25/4/1997, Việt Nam gửi đơn xin tham gia với tư cách khách mời vào Nhóm Công tác về Xúc tiến Thương mại; Nhóm Công tác về Khoa học và Công nghệ Công nghiệp; và Nhóm Chuyên gia về Hợp tác Kỹ thuật Nông nghiệp của APEC. Đây là những Nhóm mà ta có khả năng đóng góp, đồng thời có thể đem lại những lợi ích cụ thể cho ta.

Ngày 14/11/1998, tại Hội nghị Bộ Trưởng Ngoại giao - Kinh tế, APEC đã tuyên bố kết nạp Việt Nam, Nga và Pê-ru. Việc trở thành thành viên chính thức của APEC là một bước đi sâu hơn vào con đường hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện điện hoá đất nước mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Trong APEC, Việt Nam có nhiều đối tác quan trọng như các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Úc và Niu Di-lân. Một số thành viên APEC đang dần trở thành đối tác chiến lược trong kế hoạch phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam. Thống kê gần đây cho thấy các nền kinh tế APEC chiếm khoảng 67% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khoảng 75% vốn ODA và 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Quán triệt chủ trương “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường”, ngay sau khi gia nhập APEC, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nhiều chương trình, dự án hợp tác của APEC, tranh thủ được sự hỗ trợ và giúp đỡ to lớn về vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thực tế cho thấy, tuy là thành viên mới nhưng Việt Nam cũng đã tích cực và chủ động đề xuất nhiều sáng kiến tại các Hội nghị và Diễn đàn khác nhau của APEC. Kết quả tham gia APEC trong 10 năm qua là rất đáng khích lệ, chúng ta đã bước đầu tạo được uy tín và hình ảnh tốt đẹp với các thành viên về một Việt Nam năng động, cởi mở và hội nhập qua gần 20 sáng kiến đưa ra tại các lĩnh vực khác nhau của APEC.

Việt Nam và năm APEC 2006

Một sự kiện và đồng thời là đóng góp hết sức quan trọng của Việt Nam đối với tiến trình hợp tác APEC là việc Việt Nam chủ động đăng cai tổ chức năm APEC 2006. Điều này thể hiện tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình hợp tác APEC.

Kết quả

- Dưới sự chỉ đạo của UBQG về APEC 2006, sự phối hợp chặt chẽ của 5 Tiểu ban : Nội dung, Lễ tân, Vật chất - Hậu cần, An ninh, Tuyên truyền – Văn Hóa, các tỉnh, thành phố đăng cai các sự kiện (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam..) và sự ủng hộ của nhân dân trong cả nước, chúng ta đã tổ chức thành công hơn 100 sự kiện của năm , trong đó đáng chú ý là:

+ Tuần lễ Cấp cao (12-19/11/2006 tại Hà Nội) gồm Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14 (18-19/11), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế lần thứ 18 (15-16/11) và Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng Giám đốc Doanh nghiệp (CEO Summit, 17-19), Phiên họp thứ tư của ABAC; Diễn đàn đầu tư APEC, Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam...

+ 05 Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành (HNBT Thương mại, HNBT Tài chính, HNBT Doanh nghiệp vừa và nhỏ, HNBT Du lịch, HNBT về cúm gia cầm và dịch bệnh truyền nhiễm).

+ 04 Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM I, II, III và CSOM)....

Riêng trong Tuần lễ Cấp cao đã có hơn 10.000 đại biểu tham dự bao gồm các Nhà Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên, quan chức, doanh nghiệp, báo chí...

- Dưới chủ đề  “Hướng tới một Cộng đồng Năng động vì Phát triển Bền vững và Thịnh vượng”; Năm APEC 2006 đạt kết quả thực chất về nội dung, tạo dấu ấn của Việt Nam trong tiến trình APEC:

1/ Thông qua Tuyên bố Hà Nội của các Nhà Lãnh đạo, Tuyên bố của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-kinh tế APEC 18, trong đó khẳng định các kết quả hợp tác phong phú của năm APEC đồng thời đề ra phương hướng hợp tác APEC trên tất cả các lĩnh vực, cho tất cả các diễn đàn của APEC cho năm 2007 và các năm tiếp theo.

2/ Phê chuẩn Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm thực hiện Lộ trình Busan, hướng đến mục tiêu Bogor là thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Đây là sáng kiến quan trọng của Việt Nam, để lại dấu ấn của Việt Nam trong tiến trình hợp tác của APEC  và cơ sở mang tính định hướng cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong nhiều năm tới.

3/ Ra Tuyên bố riêng của Các Nhà Lãnh đạo APEC về Vòng đàm phán Đô-ha, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, đặc biệt nhấn mạnh mỗi thành viên APEC sẽ chủ động đưa ra các cam kết cao hơn nhằm thúc đẩy việc sớm khởi động lại Vòng đàm phán.

4/ Thông qua Báo cáo cả gói các biện pháp cải cách APEC nhằm làm cho APEC ngày càng có sức sống mạnh mẽ, năng động, hiệu quả hơn.

5/ Đạt được nhiều kết cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, hợp tác kinh tế-kỹ thuật như: thông qua 6 biện pháp mẫu của các Hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực chất lượng cao; hai hướng dẫn mẫu về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đánh giá Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại về giảm 5% chi phí giao dịch thương mại (TFAP) giai đoạn 1 (2001-2006) và khung Kế hoạch TFAP giai đoạn 2 nhằm giảm tiếp 5% giao dịch thương mại (2006-2010).

6/ Khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh con người, chống khủng bố, an ninh năng lượng, cùng nhau ứng phó với những thách thức chung như thiên tai, dịch bệch, HIV/AIDS, nạn tham nhũng…

7/ Thông qua kết quả năm Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành được tổ chức trong năm 2006 với nhiều sáng kiến của Việt Nam như Tuyên bố Hà Nội về nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thương mại và đầu tư; Tuyên bố Hội An về thúc đẩy du lịch; Kế hoạch hành động phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cúm...

8/ Trong Tuần lễ Cấp cao, chúng ta đã đón năm chuyến thăm song phương chính thức của lãnh đạo của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Chi-lê. Nhiều thoả thuận hợp tác quan trọng về kinh tế, chính trị đã đạt được trong các chuyến thăm song phương.

9/ Tại Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng Giám đốc doanh nghiệp APEC, đã có hơn 1500 đại biểu tham dự  (125 đến từ các tập đoàn được xếp hạng Top 500 trên thế giới) để bàn về cơ hội và thách thức, cũng như các định hướng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại khu vực. Đặc biệt, Diễn đàn thúc đẩy thương mại và đầu tư với Việt Nam với chủ đề “Những cơ hội kinh doanh khi Việt Nam trở thành thành viên WTO” được tổ chức bên lề Hội nghị đã thu hút hơn 1000 đại biểu tham dự. Trong dịp này, 06 hợp đồng trị giá 2 tỷ đô-la giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đã được ký kết.

Ý nghĩa

Nhìn chung lại, Năm APEC nói chung và Tuần lễ Cấp cao APEC nói riêng đã thành công rực rỡ trên cả 03 mặt; nội dung, tổ chức và lễ tân, và trên 02 phương diện đa phương và song phương. Tổ chức thành công Năm APEC 2006 chúng ta đạt các mục tiêu sau:

- Khẳng định đường lối đối ngoại tích cực hội nhập quốc tế, củng cố hòa bình, tăng cường hợp tác ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;

- Tạo dấu ấn Việt Nam cả về nội dung và cách tổ chức; nâng cao hình ảnh sâu đậm về một nước Việt Nam năng động, cởi mở, mến khách và an ninh;

- Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các trung tâm chính trị - kinh tế lớn trên thế giới;

- Thông qua hợp tác APEC, mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học công nghệ; tranh thủ sự hỗ trợ của các thành viên APEC trên những vấn đề ta quan tâm (gia nhập WTO, ngăn chặn dịch cúm gia cầm, thu hẹp khoảng cách phát triển, kể cả về công nghệ thông tin);

- Thông qua APEC, đưa ra một thông điệp mạnh mẽ đối với cộng đồng doanh nghiệp về chính sách thông thoáng của ta về thương mại, đầu tư phù hợp với chuẩn mực quốc tế, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC, tăng thêm lòng tin và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp APEC kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam.

Sự tham gia của Việt Nam sau năm APEC 2006

Sau thành công của năm APEC 2006, chúng ta tiếp tục phát huy những kết đã đạt được, tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của APEC, qua đó khẳng định vai trò của Việt Nam trong APEC, cụ thể là:

1/ Thực hiện nghiêm túc các cam kết hợp tác thường niên của APEC như cập nhật Chương trình Hành động Quốc gia và Báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình Hành động tập thể về Thuận lợi hóa Thương mại; cập nhật Kế hoạch Hành động Chống khủng bố; cung cấp các thông tin về chính sách trong một số lĩnh vực khác theo yêu cầu của APEC.

2/ Tại các diễn đàn, ta tham gia tích cực, có tiếng nói độc lập và thuyết phục, góp phần giải tỏa mâu thuẫn giữa các nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Qua đó, ta dành được thiện cảm và củng cố quan hệ với các nền kinh tế hàng đầu khu vực. Ngoài ra, ta cũng chủ động tham gia nhiều sáng kiến hợp tác mới trong APEC, ngay cả trong những lĩnh vực nhạy cảm như việc ta là một trong 3 thành viên tham gia thử nghiệm Quy tắc Ứng xử Doanh nghiệp với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khuôn khổ hợp tác chống tham nhũng, tham gia thử nghiệm Kế hoạch phục hồi thương mại trong trường hợp khủng bố tấn công. Điều này đã góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong APEC.

3/ Ta đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác mới, chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ xây dựng năng lực, trong hàng lọat lĩnh vực như thuận lợi hóa thương mại, sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng, phòng chống dịch bệnh và đối phó với tình trạng khẩn cấp. Những hình thức hợp tác này đã thu hút hàng trăm nghìn đô la tài trợ từ các dự án Hỗ trợ năng lực cảu APEC. Các dự án tuy không nhiều nhưng góp phần nâng cao trình độ cán bộ và ý thức của các doanh nghiệp về hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế./.

TG tổng hợp


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất