Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tần số vô tuyến điện được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại hội trường
ngày 15/6.
Theo ban soạn thảo, việc xây dựng dự án Luật nhằm quản lý chặt chẽ,
phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi
trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát
triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia,
từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính,
nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc
sử dụng tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc
phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô
tuyến điện.
Ngoài ra, việc xây dựng dự án Luật cũng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu
quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành
và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất
với các luật và điều ước quốc tế có liên quan; trong đó bổ sung 3 điều,
sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số
điều.
Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Nhóm các vấn đề về quy
hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm;
Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; Sửa đổi quy định về đào
tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm
soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế
về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc
phòng an ninh...
Tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của
dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cơ
quan thẩm tra dự án Luật, nhấn mạnh tần số vô tuyến điện là tài sản quốc
gia, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc quản
lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ
tinh trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội
nhập quốc tế của đất nước.
Cho rằng hồ sơ dự án, tính hợp hiến, hợp pháp của dự thảo Luật về cơ
bản đã đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi
trường đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định được sửa
đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (như Luật
Quy hoạch, Luật Đầu tư,
Luật Xử lý vi phạm hành chính) và tương thích với các điều ước quốc tế
có liên quan mà Việt Nam là thành viên (như Hiệp định Đối tác Toàn diện
và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP).
Vấn đề cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện là một trong những
nội dung chính của dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật đã kế thừa, sửa
đổi, bổ sung quy định về ba phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô
tuyến điện gồm: cấp trực tiếp, đấu giá, thi tuyển của Luật Tần số vô
tuyến điện hiện hành.
Liên quan đến nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy
phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc
biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp.
Đối với phương thức cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển, cơ
quan thẩm tra nhận thấy, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
là phương thức công khai, minh bạch, công bằng và được nhiều nước trên
thế giới lựa chọn áp dụng.
Phương thức này đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm
2009 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa
được triển khai trên thực tế. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần giải trình
lý do trong 13 năm qua không thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử
dụng tần số vô tuyến điện theo Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành.
Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên
cứu bổ sung quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số
được đấu giá, thi tuyển; quy định rõ những trường hợp nào phải đấu giá,
những trường hợp nào phải thi tuyển.
Cho ý kiến về nội dung này tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn
Thị Kim Anh (Bắc Ninh) chỉ rõ: Qua khảo sát thực tế, đa phần các doanh
nghiệp đều đề xuất hình thức thi tuyển, thay vì đấu giá quyền sử dụng
tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo Luật lại chủ yếu
là đấu giá.
"Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thận trọng vì qua tổng kết chưa
trường hợp nào thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số
vô tuyến điện, nếu quy định đấu giá như dự thảo Luật thì có phù hợp với
thực tiễn hay không?", đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cũng nhấn mạnh dù lựa chọn phương thức
nào cũng phải hướng tới mục tiêu giảm lãng phí tài nguyên vì đây là tài
nguyên quốc gia; giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Về giới hạn tổng độ rộng băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin
di động mặt đất mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng (sửa đổi,
bổ sung điểm b khoản 1 Điều 11 Luật Tần số vô tuyến điện), Ủy ban Khoa
học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, tổng lượng băng thông của băng
tần di động là hữu hạn, doanh nghiệp nào càng nắm giữ nhiều băng tần di
động thì doanh nghiệp đó sẽ càng có lợi thế cạnh tranh.
Nếu không quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần phân bổ cho từng
doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu
tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông
và dẫn tới độc quyền doanh nghiệp.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra tán thành việc cần quy định về giới hạn tổng
độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử
dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu
quả, gây lãng phí tài nguyên tần số vô tuyến điện./.
Phan Phương-Thanh Trà (TTXVN)