Thứ Bảy, 23/11/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 9/6/2013 17:51'(GMT+7)

Quản lý hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện

Lễ ký kết thỏa thuận phân chia băng tần dân sự, quốc phòng, an ninh.

Lễ ký kết thỏa thuận phân chia băng tần dân sự, quốc phòng, an ninh.

Khoa học trong xây dựng quy hoạch, đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin

Chặng đường 20 năm của Cục Tần số vô tuyến điện đánh dấu sự phát triển không ngừng của lĩnh vực thông tin vô tuyến điện với những thành tựu hết sức quan trọng. Thành tựu đầu tiên phải kể đến là Cục Tần số đã chủ động tham mưu cho Tổng cục Bưu điện; Bộ Bưu chính, Viễn thông nay là Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tần số vô tuyến điện, đỉnh cao là Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2009. Ðây là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất khẳng định vị trí tài nguyên quốc gia của phổ tần số; tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về tần số; tạo môi trường pháp lý công bằng, thuận lợi, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. 

Với phương châm đi tắt đón đầu công nghệ, dựa vào những dự báo chính xác và những tính toán khoa học, Cục Tần số VTÐ đã nghiên cứu xây dựng hệ thống quy hoạch có tính chất mở đường, thúc đẩy sự phát triển thông tin vô tuyến trên tất cả các lĩnh vực phát thanh truyền hình, thông tin di động, dẫn đường hàng không, hàng hải, đến những hệ thống thông tin dùng riêng. Năm 1998, Cục đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch phổ tần số VTÐ của Việt Nam cho các nghiệp vụ", quy hoạch này được tiếp tục cập nhập, bổ sung và được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành với tên gọi "Quy hoạch phổ tần số VTÐ quốc gia" vào các năm 2005 và 2009. Ðây là cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành các quy hoạch cụ thể, các quy định chi tiết về quản lý, khai thác sử dụng tần số VTÐ, như "Quy hoạch phân kênh cho nghiệp vụ cố định và lưu động dải tần 30MHz đến 30GHz"; "Quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động tế bào số của Việt Nam trong các dải tần 821-960 MHz và 1710-2200 MHz"... Do làm tốt công tác quy hoạch, Việt Nam là một trong những nước có mức độ sẵn sàng cao về tần số cho thông tin di động và vô tuyến băng rộng. Các quy hoạch băng tần thể hiện rõ chính sách công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về tần số, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong việc định hướng về công nghệ và đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần cũng như cơ sở hạ tầng viễn thông.

Bên cạnh đó, Cục Tần số VTÐ đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình số mặt đất băng tần VHF/UHF đến năm 2020. Quy hoạch này sẽ thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ truyền hình số mặt đất đồng thời giải phóng một phần băng tần UHF để phát triển các hệ thống truy cập băng rộng vô tuyến.

Một thành công nữa trong quy hoạch phải nhắc đến là Cục Tần số VTÐ đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy định phân bổ băng tần phục vụ mục đích kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh dải tần 9KHz đến 470 MHz", quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng có hiệu quả tần số VTÐ phục vụ mục đích quốc phòng,  an ninh và dân sự.

Bên cạnh công tác quy hoạch tần số, công tác ấn định và cấp phép tần số là công tác thực thi pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số. Nếu như những năm đầu thành lập, Cục chỉ cấp rất ít giấy phép cho các mạng dùng riêng thì đến nay, Cục đã ấn định và cấp phép hàng chục nghìn giấy phép trên mọi lĩnh vực như viễn thông, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải, ta-xi...

Nhiều năm qua, Cục đã rất chú trọng triển khai cấp phép cho thiết bị VTÐ đặt trên phương tiện nghề cá, góp phần giúp ngư dân có thông tin kịp thời, chính xác khi gặp sự cố, giảm đáng kể thiệt hại do thiên tai, bảo đảm an toàn cho hoạt động khai thác của ngư dân trên vùng biển, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biển, đảo. 

Phát thanh truyền hình là lĩnh vực sử dụng phổ tần số với tỷ lệ rất lớn và dùng chung với các nghiệp vụ thông tin VTÐ khác, nên việc ấn định cấp phép trong lĩnh vực này phải dựa trên những tính toán rất chi tiết và khoa học để tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên phổ tần số. Ðến thời điểm này, Cục đã thực hiện cấp phép và quản lý hệ thống máy phát thanh,  phát hình, bao gồm hệ thống truyền dẫn và phát sóng của tất cả các Ðài Phát thanh - Truyền hình trên địa bàn cả nước.

Ðể bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực sử dụng tần số, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm tốt quyền lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng tần số, Cục Tần số VTÐ đã luôn chủ động và  đi đầu trong việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới quy trình nghiệp vụ. Kể từ khi Luật Tần số có hiệu lực, nhiều thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tần số đã cắt giảm từ 50% số hồ sơ, giấy tờ so với trước đó; Cục là một trong những cơ quan đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công mức độ 4 với gần 30 nghìn giấy phép điện tử đã được cấp, năm 2010, Cục Tần số được nhận giải thưởng "Cơ quan Nhà nước cấp Tổng cục, Cục và tương đương ứng dụng CNTT hiệu quả nhất"; từ năm 2009, Cục Tần số đã xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000, năm 2012 là tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

Ðể bảo đảm thực thi quyền quản lý nhà nước về tần số, công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm và xử lý can nhiễu đóng vai trò quan trọng. Từ khi thành lập đến nay, đặc biệt trong hơn 10 năm trở lại đây, bằng các công nghệ kiểm soát đa năng, hiện đại và trang thiết bị kiểm soát chuyên dụng, Cục đã thực hiện kiểm soát thường xuyên các dải tần từ (9KHz-3GHz) tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, chú trọng kiểm soát các mạng đài HF phục vụ an toàn cứu nạn, hàng không hàng hải, phòng, chống bão lụt, kiểm soát các băng tần HF, V/UHF của PTTH, của các phương tiện đánh bắt cá xa bờ. Nhờ tăng cường kiểm soát thường xuyên và mở rộng địa bàn kiểm soát, số vụ vi phạm đã giảm đáng kể, trật tự sử dụng phổ tần được thiết lập, ý thức tiết kiệm trong sử dụng phổ tần của các tổ chức và cá nhân ngày càng được nâng cao; Cục đã tiếp nhận và xử lý dứt điểm nhiều kháng nghị nhiễu, trong đó có nhiều vụ việc xác định nguồn nhiễu hết sức khó khăn, phức tạp liên quan đến các nghiệp vụ thông tin di động, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải...

Bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh

Một đặc điểm quan trọng trong quản lý tần số là sóng vô tuyến truyền lan không bị hạn chế về biên giới hành chính. Vì vậy, hoạt động hợp tác và phối hợp quốc tế trong quản lý tần số có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia cũng như thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế về tần số và quỹ đạo vệ tinh mà Việt Nam đã ký kết.     

Từ khi mới thành lập đến nay, Cục luôn chủ động mở rộng hợp tác quốc tế song phương, đa phương. Cục đã tham gia tích cực trong các tổ chức quốc tế như Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) và Tổ chức viễn thông châu Á - Thái Bình Dương (APT). Tại các hội nghị quốc tế, Cục luôn có những đóng góp tích cực, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia về tần số, quỹ đạo vệ tinh; đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiêu biểu như: tại Hội nghị vô tuyến thế giới WRC -1997, Cục đã đấu tranh giành được quyền phủ sóng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho nghiệp vụ thông tin vô tuyến quảng bá;  tại Hội nghị WRC-2000, đoàn Việt Nam đã thành công trong việc đề nghị Hội nghị thông qua việc Việt Nam thay đổi vị trí quỹ đạo cho vệ tinh quảng bá trong băng tần quy hoạch, sửa đổi vùng phủ sóng để bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị WRC-2003, lần đầu tiên, Việt Nam đã đề xuất một dự thảo Nghị quyết về việc sử dụng băng tần quy hoạch cho vệ tinh và đã được sử dụng làm cơ sở cho Nghị quyết chung  của Hội nghị WRC.

Cũng trên phương diện hợp tác quốc tế, Cục đã hỗ trợ nước bạn Lào trong công tác kiểm soát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong suốt thời gian diễn ra SeaGames 2009 tổ chức tại Lào. Với thành tích này, Cục Tần số VTÐ đã vinh dự được Nhà nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng nhì.

Một trong những thành tích nổi bật nhất của Cục Tần số đó là đã chủ trì thực hiện các thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo và thực hiện đàm phán thỏa thuận với 27 quốc gia. Sau hơn 10 năm kiên trì, sáng tạo trong việc thực hiện các thủ tục phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh hết sức phức tạp, chúng ta đã có được vị trí quỹ đạo 132 độ Ðông, sẵn sàng cho việc phóng vệ tinh VINASAT-1. Ngày 19-4-2008, VINASAT-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo, mở ra một kỷ nguyên mới về thông tin và truyền thông, đem lại nhiều lợi ích to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.  Trên đà thắng lợi đó, Cục đã đăng ký và đàm phán thành công vị trí quỹ đạo 131,8 độ Ðông để Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các đối tác tiếp tục phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-2 lên quỹ đạo vào năm 2012. Mới đây, Cục đã đàm phán thành công quỹ đạo và tần số để phóng vệ tinh viễn thám VNRedsat -1. Với việc phóng thành công hai vệ tinh VINASAT-1 và vệ tinh VINASAT-2, Việt Nam đã có hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm rủi ro giữa các vệ tinh, củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, đồng thời đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần tăng cường khả năng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số quỹ đạo vệ tinh. 

Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển thông tin vệ tinh của Việt Nam, đặc biệt là đóng góp xuất sắc vào việc phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-1, Cục vinh dự và tự hào được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì về thành tích này.

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh việc thực hiện đơn giản hóa triệt để thủ tục cấp giấy phép tần số hướng đến tối thiểu chi phí của khách hàng và chi phí quản lý của cơ quan quản lý, Cục luôn quyết tâm đổi mới lề lối làm việc, cải tiến quy trình tác nghiệp...

Năm 2011, Cục đã khai trương Phòng đo tương thích điện từ EMC. Ðây là phòng đo kiểm về EMC đầu tiên của khu vực phía bắc Việt Nam, được đầu tư hệ thống đo nhiễu điện từ EMI vào năm 1998, được công nhận trong hệ thống các phòng thí nghiệm của Việt Nam mã số VILAS 060 năm 2000. Hệ thống thiết bị phòng đo tương thích điện từ công nghệ hiện đại đạt chuẩn quốc tế của Phòng được đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 7-2011, đã đáp ứng được đầy đủ các phép đo kiểm về EMC (bao gồm đo phát xạ và thử miễn nhiễm điện từ); Triển khai thực hiện tốt việc đo kiểm mẫu sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị VTÐ cho khách hàng, phục vụ công tác chứng nhận hợp quy của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ðây được coi là một trong những công cụ rất quan trọng, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý về tần số VTÐ...

Với nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc, Cục Tần số VTÐ đã được Ðảng và Nhà nước ghi nhận với nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý. Ðặc biệt hơn cả, đúng vào thời điểm cả nước đang thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, và cũng là dịp Cục Tần số VTÐ kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển, Cục Tần số VTÐ vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất