Sáng nay, 28-8, Hội nghị quốc gia về sinh vật biến đổi gen và quản lý an toàn sinh học (ATSH) đã khai mạc tại Hà Nội.
Nhiều tham luận tại Hội nghị cho thấy, tuy đã là thành viên của Nghị định thư Cartagena về ATSH từ năm 2004, song khung pháp lý của Việt Nam về vấn đề này vẫn chưa hoàn thiện, khó thực thi vì thiếu những hướng dẫn cụ thể.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, nhiều văn bản pháp quy quan trọng sẽ được hoàn thiện và ban hành như: Nghị định quản lý ATSH đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen (dự kiến sẽ được Bộ TN&MT trình Chính phủ trong tháng 10-2009); Quy định khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen.
Ngoài ra còn có 3 thông tư do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng gồm: thông tư về quản lý ATSH trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp đối với sinh vật biến đổi gen; thông tư quản lý ATSH đối với vi sinh vật biến đổi gen và thông tư quản lý quản lý ATSH đối với phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biến đổi gen.
Tại Hội nghị, dự thảo mới nhất của Nghị định quản lý ATSH đối với sinh vật biến đổi gen cũng đã được giới thiệu. Theo đó, một nội dung đáng lưu ý là việc lấy ý kiến công chúng trong thời gian xem xét hồ sơ cấp Giấy chứng nhận an toàn môi trường và đa dạng sinh học. Bộ TN&MT sẽ đưa thông tin về báo cáo đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học lên trang thông tin điện tử về an toàn sinh học để lấy ý kiến của công chúng trong khoảng thời gian tối đa 30 ngày (kể từ ngày thông tin được đăng tải trên trang thông tin điện tử). Thời hạn cấp giấy chứng nhận an toàn môi trường và đa dạng sinh học là 10 năm.
Riêng sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen nhập khẩu vào Việt Nam cho mục đích làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến sẽ do Bộ Y tế quy định cụ thể. Theo đó, sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen nhập khẩu phải bảo đảm các điều kiện như: đã được nước xuất khẩu cho phép sử dụng với cùng mục đích trên phạm vi lãnh thổ quốc gia đó; thuộc Danh mục sinh vật biến đổi gen an toàn đối với sức khỏe con người hoặc đã được phép sử dụng cùng mục đích tại ít nhất 5 quốc gia phát triển; đã được Bộ quản lý ngành cho phép sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực đăng ký...
TH