Thứ Bảy, 28/9/2024
Môi trường
Thứ Tư, 28/4/2010 8:54'(GMT+7)

Quản lý tài nguyên nước hiệu quả, bền vững

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định sự  cần thiết  triển khai một chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước. Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định sự cần thiết triển khai một chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước. Ảnh: Chinhphu.vn

Thực hiện một chương trình mục tiêu quốc gia từ 2010 đến 2020

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu và thực trạng biến động tiêu cực của nguồn tài nguyên nước Việt Nam, tại Hội thảo quốc tế  về tài nguyên nước diễn ra sáng 27/4, các cơ quan hoạch định đề xuất 8 nội dung tổng thể, đồng bộ để thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước”.

Chương trình sẽ triển khai ở lưu vực 13 con sông lớn trên phạm vi cả nước nhằm khai thác và bảo vệ tài nguyên quý giá này một cách toàn diện, bền vững và hiệu quả; dự kiến chương trình được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2010 – 2020, kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó 60% vốn hỗ trợ và vốn trong nước 40%.

 8 mục tiêu: Hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước; Xây dựng và triển khai quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trên lưu vực các sông chính, hồ chứa thủy điện; Bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ, duy trì các loài thủy sinh đặc hữu;  Kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước trên phạm vi cả nước và các vùng kinh tế trọng điểm; Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tài nguyên nước quốc gia; Tăng cường bộ máy, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước; Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên nước.

..

Các giải pháp thực hiện tập trung vào 3 lĩnh vực tài chính, khoa học – công nghệ và hợp tác quốc tế.

Cụ thể, Nhà nước cần bảo đảm các nguồn lực thực hiện , đặc biệt là các cơ chế miễn, giảm thuế, ưu đãi đầu tư để khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và ứng phó với các biến đổi của tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một cơ chế hợp tác cụ thể với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế về hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo và nâng cao năng lực trong quá trình triển khai Chương trình, trong đó có việc đạt được những thỏa thuận, phối hợp cụ thể đối với các quốc gia láng giềng có chung lưu vực sông.

Theo kết quả nghiên cứu, phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam là sông quốc tế (8/13 lưu vực sông, diện tích trên 10.000km2) và trên 200 sông suối (khoảng 8%) là sông xuyên biên giới.

Việt Nam nghèo về tài nguyên nước

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tính cần thiết xây dựng và triển khai một chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước. Phó Thủ tướng nêu rõ, thực tế cho thấy Việt Nam không còn được coi là phong phú mà là nước “nghèo” về tài nguyên nước, khi 70% nguồn nước phụ thuộc vào bên ngoài, lưu lượng giữa các mùa chênh lệch lớn. Những dấu hiệu của tình trạng biến đổi khí hậu đã làm nguy cơ khan hiếm, thiếu nước, căng thẳng về nước biểu hiện rõ ràng trên nhiều vùng, lưu vực sông. Chất lượng nước trên nhiều dòng sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong khi việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước chưa phát huy hiệu quả, hợp lý do thiếu các giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng nước không theo chương trình cụ thể, hiệu quả nên dẫn đến tình trạng tại các đô thị,  mực nước ngầm bắt đầu có nhiều dấu hiệu sụt lún.

 Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đại biểu, chuyên gia, hoàn thiện các nội dung Chương trình để trong vòng 1 tháng tới trình Chính phủ xem xét quyết định. Trong đó, lưu ý tránh trùng lặp với các chương trình, dự án nằm trong chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai hiện đang tiến hành. Cần xác định và đưa ra các mốc thời gian hoàn thành cụ thể cùng với các giải pháp đảm bảo khả thi, thực tế.

Chương trình cũng cần cụ thể hóa các giải pháp, dự án để kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cũng như đưa ra cơ chế tài chính thực hiện trong nước nhằm đạt được những kế hoạch mang tính chiến lược trong mục tiêu bảo vệ nguồn nước của Việt Nam, Phó Thủ tướng kết luận.

(Chính phủ.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất