Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 21/3/2009 11:51'(GMT+7)

Quản lý truyền hình cáp chưa đồng bộ

Khách hàng đăng ký dịch vụ truyền hình cáp tại TP.HCM - Ảnh: D.Đ.Minh

Khách hàng đăng ký dịch vụ truyền hình cáp tại TP.HCM - Ảnh: D.Đ.Minh

  Hiện nay, cả nước có 45 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, triển khai ở 60 địa phương, tuy nhiên, hoạt động này chưa có quy hoạch. Cho nên, sự liên kết trên tổng thể mạng cáp còn khá manh mún và tập trung chủ yếu ở các khu đô thị lớn, những khu vực đông dân cư. Chủ yếu là sử dụng công nghệ analog nên chất lượng còn hạn chế, loại hình dịch vụ cũng còn nghèo nàn. Hơn nữa số nhà cung cấp dịch vụ có năng lực mạnh về tài chính, kỹ thuật và nhân lực còn ít. Bên cạnh đó, việc quản lý truyền hình cáp về kỹ thuật vẫn chưa đồng bộ với nội dung.

* Xin ông nói rõ hơn về nguyên nhân của việc "chưa đồng bộ" đó.

- Hoạt động truyền hình cáp ra đời cách đây hơn 10 năm như là hoạt động tạo nguồn thu của các cơ quan báo hình, và được quản lý như đối với hoạt động của cơ quan báo chí. Đến năm 2002, Chính phủ ban hành quyết định quản lý hoạt động thu xem các kênh truyền hình nước ngoài, trong đó bắt đầu đề cập cụ thể đến truyền hình trả tiền (trong đó có truyền hình cáp), tuy nhiên quyết định này cũng nêu "việc cấp phép, quản lý hoạt động của cơ quan truyền hình trả tiền theo các quy định của Nhà nước đối với cơ quan báo chí", vì vậy truyền hình cáp được quản lý chủ yếu về nội dung…

Mặt khác, trước đây không có đầu mối quản lý tập trung về phát thanh truyền hình, Bộ Văn hóa - Thông tin quản lý về nội dung, Bộ Bưu chính - Viễn thông quản lý về truyền dẫn phát sóng nhưng chủ yếu là tần số… nên có những khoảng trống trong quản lý nhà nước về mặt kỹ thuật đối với truyền hình cáp.

Đến cuối năm 2007, Bộ Thông tin và Truyền thông ra đời là Bộ quản lý nhà nước thống nhất về phát thanh truyền hình, và tháng 9.2008 Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử mới đi vào hoạt động. Một trong những việc đầu tiên mà Cục tiến hành là rà soát hoạt động truyền hình cáp trên toàn quốc, và chúng tôi đã nhận thấy việc quản lý truyền hình cáp về kỹ thuật chưa đồng bộ với nội dung.

* Giải pháp nào để tháo gỡ tình trạng không đồng bộ ấy?

- Từ thực trạng như tôi đã nói, chúng tôi đã đề xuất và soạn thảo trình Bộ Thông tin và Truyền thông văn bản quy định về tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật tín hiệu đầu cuối truyền hình cáp. Đây có thể coi là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên để quản lý về mặt kỹ thuật đối với chất lượng truyền hình cáp. Văn bản này dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 4.2009. Trên cơ sở đó công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động dịch vụ truyền hình cáp sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hơn.

* Ông có nhận định gì về thị trường truyền dẫn, phát sóng trong thời gian tới?

- Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020. Theo quy hoạch này, sẽ từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình trên cơ sở phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng.

Hoạt động cung cấp nội dung thông tin, biên tập, sản xuất chương trình của các đài phát thanh, truyền hình thực hiện theo Luật Báo chí và quy hoạch phát thanh, truyền hình. Còn hoạt động thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng của các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về viễn thông và quy hoạch truyền dẫn, phát sóng. Trên cơ sở đó thị trường truyền dẫn, phát sóng sẽ được từng bước hình thành và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nói riêng và truyền hình trả tiền nói chung.

 Hoàng Vân(Thanhniên)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất