Thứ Hai, 23/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 24/3/2012 10:37'(GMT+7)

Quản lý và cung ứng dịch vụ công: Cần tiếp tục đổi mới

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Cơ chế chính sách đối với lĩnh vực sự nghiệp công đã từng bước được đổi mới theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các đơn vị; xã hội hoá một số dịch vụ nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong xã hội phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ sự nghiệp ngoài công lập... và thu được những tiến bộ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, cơ chế quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập trên thực tế chưa được đổi mới đồng bộ khiến cho chất lượng và hiệu quả cung ứng các dịch vụ chưa đáp ứng được tốt nhu cầu của xã hội. Phương thức phân bổ, giao kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN) đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với yêu cầu cải cách tổ chức hoạt động của đơn vị và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc phân bổ kinh phí từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công vẫn mang tính bình quân, chưa gắn việc giao kinh phí với khối lượng và chất lượng. Một số đơn vị sự nghiệp công lập quản lý tài chính chưa đảm bảo theo các nguyên tắc hạch toán kinh tế đầy đủ, sử dụng kinh phí chưa hiệu quả; quy chế chi tiêu nội bộ, phân phối thu nhập chưa gắn với hiệu quả và chất lượng công việc; khi mở rộng hoạt động dịch vụ (liên doanh, liên kết trong hoạt động) còn chạy theo số lượng, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu.

Đổi mới quản lý và cung ứng dịch vụ công được xem như là một khâu đột phá quan trọng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hoá xã hội của đất nước. Đổi mới quản lý nhằm đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với lộ trình cải cách hành chính Nhà nước và điều kiện thực tế của Việt Nam đã được xác định là một khâu hết sức cần thiết.

Vì vậy, cần phải tiếp tục đổi mới cơ cấu và phương thức đầu tư của NSNN. Bộ Tài chính cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các hoạt động sự nghiệp công cơ bản và cơ cấu lại chi thường xuyên NSNN đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ công theo hướng đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sư nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ theo số lượng, chất lượng hoạt động ở các địa bàn vùng núi, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc ít người trong các lĩnh vực sự nghiệp công; chuyển từ giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập nhằm tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh, bảo đảm phát triển bình đẳng giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập.

Cần hoàn thiện cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập bằng việc tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý; minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập; khắc phục tình trạng công - tư lẫn lộn.

Đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ công có khả năng xã hội hoá cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (các trường đại học, dạy nghề, bệnh viện…) theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản khi cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội, được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí hợp lý, đúng pháp luật do cấp có thẩm quyền ban hành; được Nhà nước giao vốn, xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; được quyền huy động vốn, sử dụng vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao theo quy định để mở rộng việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tự quyết định số người làm việc và trả lương trên cơ sở thang bảng lương của Nhà nước và hiệu quả, chất lượng công việc

Đồng thời hoàn thiện cơ chế đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công theo hướng ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình dịch vụ công. Đổi mới cơ chế tính giá đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công; Nhà nước quy định giá hoặc khung giá sản phẩm, dịch vụ đối với các loại dịch vụ cơ bản có vai trò thiết yếu đối với xã hội; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong giá dịch vụ sự nghiệp phù hợp với thị trường và khả năng của NSNN; xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ; thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng nghèo để được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu với chất lượng cao hơn; đảm bảo lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Hoàn thiện hơn các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nhằm cung cấp tốt hơn cho mọi tầng lớp nhân dân, phát huy các yếu tố tích cực, hạn chế các mặt trái của cơ chế thị trường. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển các đơn vị sự nghiệp công phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương. Ban hành tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp cung cấp cho xã hội; hệ thống các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng thực hiện nhiệm vụ được giao. Hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ, viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp; rà soát, sửa đổi, đơn giản hoá các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập, cấp đất, cho vay vốn, miễn, giảm thuế… Hoàn thiện chế độ thông tin báo cáo, công tác tài chính kế toán và trách nhiệm giải trình về kết quả của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; hình thành các tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công…/.

Lan Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất