Tết Việt là dịp để mọi người tiến hành nhiều ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như gia đình. Đây cũng là dịp để đoàn tụ và thế hệ trẻ biết về những công lao, đóng góp của tổ tiên, dân tộc mình cho cuộc sống ngày nay. Vì thế, Tết rất quan trọng trong sinh hoạt của mỗi người Việt Nam. Với mỗi người dân Việt Nam, trước khi Tết đến mang lại cho họ cảm giác tất bật sẽ đón Tết thế nào, gặp gỡ những ai.
Chúng ta ai cũng biết rằng, cuộc sống cứ trôi đi và biết bao nhiêu những phong tục tập quán, cảnh huống của dịp Tết xưa không phải lúc nào cũng nhớ lại được nhất là những thế hệ trẻ. Vì thế, tái hiện hình ảnh Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long vào dịp đầu năm mới là sinh hoạt đẹp trong đời sống tình cảm của người Việt.
Tết cổ truyền có nhiều ý nghĩa khác nhau chứ không đơn thuần chỉ là thời gian, năm tháng thay đổi. Việt Nam ăn Tết theo Âm lịch bởi nền văn hóa của chúng ta vẫn gắn với nền văn minh lúa nước. Thế hệ cha ông ta đã tính lịch như thế là phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Tết thể hiện hồn Việt rất rõ, tôi cho rằng, Tết Âm lịch cần được bảo tồn và phát triển để thế hệ sau này không thể quên truyền thống văn hóa của cha ông.
GS Sử học Lê Văn Lan: Tết là dịp để đoàn tụ gia đình
Với tâm thức của người Việt, Tết Nguyên đán rất có ý nghĩa. Chúng ta đang rất cần phát triển gia đình trong xã hội hiện nay bởi gia đình vốn là một tế bào của xã hội. Xã hội ngày nay có những đổi thay nên dường như gia đình hiện nay gặp nhiều thử thách . Vì thế để để củng cố lại gia đình - hạt nhân của xã hội thì Tết đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vào dịp Tết, dù ai đi đâu vẫn cố tìm nhà về để đoàn tụ gia đình. Ý nghĩa của hai tiếng gia đình còn được thể hiện trong bữa cơm ngày 30 Tết, ở bàn thờ tổ tiên, ở việc mừng tuổi…
|
GS Sử học Lê Văn Lan. |
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, Tết không nên sa đà vào vật chất, không nên để Tết bị “biến tướng” bằng sự xa hoa…những cái đó phải điều chỉnh lại để Tết trở về như xưa, thể hiện sự bình dị vốn có của Tết cổ truyền. Vì vậy, Tết mới thực sự có ý nghĩa.
Một trong những điểm du xuân ý nghĩa vào dịp Tết cổ truyền là du khách được đến với chương trình Tết Việt tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Tết Việt chỉ gói gọn trong một không gian nhỏ nhưng chứa đựng tâm hồn mùa xuân của đất nước. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng những hình ảnh, hiện vật điển hình của Tết xưa và nay, trong đó có hình ảnh ông Đồ viết chữ, cho chữ; ban thờ tổ tiên; múa rồng…
Sinh viên Đại học FPT Trần Việt Hưng: Phát triển, gìn giữ nền văn hóa của cha ông
Chúng tôi là những chủ nhân của đất nước thì sẽ cố gắng phát triển, gìn giữ nền văn hóa của cha ông ta sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục. Bản thân tôi là sinh viên ngành công nghệ thông tin của Đại học FPT, thường xuyên tiếp cận với những công nghệ mới nhất của thế giới nhưng tôi luôn dành niềm đam mê với thư pháp, vẫn hướng tới những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Tôi cùng một số bạn trẻ đam mê thư pháp lập ra các nhóm để hoạt động, giữ gìn vốn văn hóa của cha ông để lại. Là những ông Đồ thuộc thế hệ 8x, chúng tôi mong muốn Tết cổ truyền năm nay sẽ tặng được nhiều chữ cho nhiều người, được đến các tụ điểm văn hóa để nhân lên ngọn lửa đam mê thư pháp với nhiều bạn trẻ.
|
Sinh viên Đại học FPT Trần Việt Hưng. |
Tôi đam mê thư pháp từ khi còn nhỏ và sau này dù có làm gì, đi đâu, tôi vẫn luôn mong muốn được làm ông Đồ để được tặng chữ đồng bào mình mỗi dịp Tết đến Xuân về. Cố gắng phát huy văn hóa truyền thống của cha ông là khẩu hiệu mà chúng tôi hướng đến.
Ông Phạm Văn Hải (Đội múa Tứ Linh thôn Đục Khê, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội): Tết là sự trở về, sum họp, đoàn viên
Ngày Tết Nguyên đán được coi ngày quan trọng và đặc biệt của người dân Việt Nam. Tết là sự trở về, là sum họp, đoàn viên, dù có đi xa đến đâu, dù ở trong hay ngoài nước thì cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về là mọi người cố gắng trở về bên gia đình để đón Tết cùng ông, bà, cha, mẹ, anh em.
|
Ông Phạm Văn Hải. |
Trong những ngày Tết, bên cạnh những món ăn cổ truyền, thú trưng cây cảnh, bày câu đối Tết thì những buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống cũng luôn thu hút mọi người, mang lại nhiều niềm vui háo hức trong những ngày đầu năm mới.
Múa Tứ linh vừa là trò diễn vừa là trò chơi phổ biến ở Kinh thành Thăng Long từ lâu đời. Tương truyền, mỗi khi có con vật nào trong tứ linh xuất hiện là báo điềm lành, có thánh nhân ra đời.
Tứ linh bắt nguồn từ bốn linh thần gồm Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước, biểu trưng cho 4 chòm sao cùng tên ở 4 phương trời là nguyên tố tạo thành trời đất.
Điệu múa dùng hình tượng linh vật và múa không có lời hát kèm theo, diễn tả những động tác tiêu biểu của 4 con vật theo nhịp nhạc bát âm.
Tết Mậu Tuất năm nay chúng tôi vinh dự được biểu diễn những màn múa Tứ Linh đặc sắc phục vụ đồng bào mình, dân tộc mình.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN/QĐND