Thứ Hai, 25/11/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 15/6/2013 11:14'(GMT+7)

Quản lý xây dựng phòng học bộ môn trong điều kiện hiện nay

Phòng học bộ môn toán, trường THCS An Khánh

Phòng học bộ môn toán, trường THCS An Khánh

Giáo dục đào tạo có vị trí quan trọng để phát triển nguồn nhân lực, quyết định thành công của công cuộc xây dựng đất nước. Việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đào tạo nước ta đang đặt ra yêu cầu cấp thiết, trong đó việc xây dựng phòng học bộ môn để hướng tới xây dựng các tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia đang là nhiệm vụ quan trọng của các trường THCS trong bối cảnh hiện nay.

 
 
Phòng học bộ môn toán, trường THCS An Khánh

Nhân tố “Phòng học bộ môn” (PHBM) là điều kiện quan trọng trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học.

Quá trình dạy học được xem như một hệ thống toàn vẹn bao gồm các thành tố liên hệ tương tác với nhau tạo nên chất lượng mới. Trong đó Mục tiêu quy định nội dung chương trình, nội dung đó truyền đạt cho học sinh (người học) theo phương pháp đặc trưng với mỗi lứa tuổi, người truyền đạt đó là giáo viên. Để truyền đạt nội dung đó phải có điều kiện về cơ sở vật chất. Các thành tố phải đặt trong mối quan hệ biện chứng để cho Kết quả đầu ra như mong muốn.

Chính vì thế, việc xây dựng PHBM ở các trường THCS là ý tưởng mang tầm chiến lược trong chủ trương đổi mới phương pháp dạy học. Điều này giúp học sinh sớm làm quen với môi trường khoa học, có những kiến thức thực tiễn, đồng thời, giúp công việc giảng dạy của giáo viên tiện lợi hơn. Vì vậy, các nhà trường đều coi đó như là một trong những mục tiêu chiến lược tạo nên thành công trong việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và xây dựng trường chuẩn Quốc gia.

Để minh chứng cho điều vừa nêu, xin đơn cử một ví dụ minh họa về quá trình xây dựng PHBM của trường THCS An Khánh (Hoài Đức - Hà Nội). Đây là một ngôi trường trải qua 52 năm xây dựng và trưởng thành, đã được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2005, trường đạt chuẩn Quốc gia tháng 12 năm 2012. Đặc biệt, trường THCS An Khánh đã tham dự cuộc thi “Sáng tạo giáo dục” dành cho cấp THCS với đề tài "Hoạt động chỉ đạo tổ chức dạy và học ở phòng học bộ môn trong trường THCS " do thầy giáo Nguyễn Trung Đạo – Nguyên Hiệu trưởng làm chủ nhiệm đề tài và đã được Ban giám khảo cuộc thi lựa chọn là một trong 35 trường THCS được lọt vào vòng trong, được Dự án Phát triển Giáo dục Trung học cơ sở II ký hợp đồng thực hiện đề tài và đã đạt giải A. Hiện nay trường THCS An Khánh có 12 phòng học bộ môn đáp ứng được quy định về phòng học bộ môn theo quyết định số 37/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tất cả các phòng này được trang bị đồng bộ các thiết bị dạy học hiện đại như bàn ghế thí nghiệm cho học sinh, hệ thống điện, cấp thoát nước hiện đại, bảng chống lóa, các thiết bị kĩ thuật số, các trang thiết bị phục vụ cho giờ thí nghiệm. Có máy tính, máy chiếu  phục vụ cho công tác dạy và học. Thực tế đã phát huy tích cực trong quá trình giảng dạy và học tập của nhà trường.

Với tất cả các trường THCS, khi chưa có phòng bộ môn, học sinh được học trong các lớp truyền thống. Những giờ thực hành, học sinh và giáo viên phải kê dọn lại bàn ghế rất mất thời gian nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giờ dạy. Đồ dùng thực hành của học sinh được lưu giữ trong phòng thiết bị giáo dục, vì vậy giáo viên phải đăng ký mượn, lục tìm rất khó khăn và mất thời gian. Việc triển khai CNTT hoặc ứng dụng thông tin vào bài rất hạn chế vì giáo viên đa số là ngại phải chuẩn bị máy tính, phông, máy chiếu. Học sinh không được tiếp cận các thông tin, hình ảnh sinh động liên quan, làm giảm hứng thú học tập và hạn chế lĩnh hội kiến thức. Kho học liệu điện tử của nhà trường chưa được khai thác thường xuyên. Độ bền và chất lượng của các thiết bị chưa thực sự tốt và chưa được thay thế bổ sung kịp thời, vì vậy việc khai thác sử dụng PHBM kém hiệu quả...

Giải pháp nâng cao hiệu quả của việc dạy học ở PHBM:

Để triển khai dạy học có hiệu quả ở phòng học bộ môn, Ban giám hiệu cần xác định đây là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy và học: 100% giáo viên phải nghiên cứu học tập các văn bản quy định về PHBM, đặc biệt hiểu được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của PHBM trong quá trình giáo dục và giảng dạy. Thực tế đã có nhiều trường phát huy tốt hiệu quả của PHBM như THCS Song Hồ (Thuận Thành - Hà Bắc); trường THCS Tả Thanh Oai (Thanh Trì - Hà Nội); trường THCS Đống Đa (Quận Đống Đa – Hà Nội)...  Nên tổ chức cho giáo viên tham quan ở các trường đó, đồng thời tham quan Hội chợ triển lãm sách và thiết bị đồ dùng dạy học do Bộ giáo dục - Đào tạo tổ chức vào tháng 5 hàng năm. BGH cũng nên cử giáo viên tham gia các đợt thi đồ dùng dạy học và thiết kế giáo án điện tử cũng như thực hiện các chuyên đề, giờ dạy thí điểm đạt hiệu quả cao trong việc khai thác đồ dùng, thiết bị vào bài dạy.

Với giáo viên: cần nắm chắc tổng thể thiết bị đồ dùng của nhà trường; danh mục đồ dùng cho các môn học để chủ động trong quá trình chuẩn bị và sử dụng. Thực hiện nghiêm túc đăng ký cụ thể thời gian biểu về sử dụng đồ dùng và phương tiện dạy học trước một tuần theo biểu mẫu đăng ký sử dụng đồ dùng vào sáng thứ sáu, thứ bẩy hàng tuần. Từng giáo viên phải xây dựng danh mục đồ dùng tối thiểu từng tiết, tuần theo biểu mẫu kẹp vào trang đầu giáo án.

Cần có những kế hoạch chi tiết, phối hợp đồng bộ:

Về phía nhà trường, nên dùng phần mềm TKB để xếp thời khóa biểu, sao cho các tiết học cùng môn trong khối lệch nhau để tạo điều kiện sử dụng tối đa  PHBM.

Tổ chuyên môn lập kế hoạch về việc dạy học ở PHBM : Giáo viên rà soát lại chương trình, nghiên cứu, phân tích theo bài cụ thể, từng chương, từng học kỳ, cả năm  xem bài nào có thể ứng dụng CNTT, bài nào dạy ở PHBM, bài nào dạy trên lớp học. Từ đó có hướng soạn bài, tìm tư liệu, đăng ký phòng học, ngày học, giờ học để khỏi trùng giờ với giáo viên khác và chủ động trong công việc.

 Chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng cho bài dạy : Bài giảng điện tử, các thí nghiệm, mẫu vật, tranh ảnh, bản đồ, bảng nhóm, phiếu học tập. Khâu chuẩn bị rất quan trọng sẽ quyết định chất lượng và sự thành công của bài dạy, vì vậy giáo viên dạy ở PHBM phải chuẩn bị trước từ 1 đến 2 ngày.

Các nhóm xây dựng bài giảng mẫu:  Giáo viên thiết kế bài dạy phù hợp với đặc trưng của PHBM, phải làm rõ sự khác biệt và tính hiệu quả so với phòng học truyền thống, chú ý xây dựng hệ thống câu hỏi tình huống để học sinh được trao đổi thảo luận, nghiên cứu trong hoạt động nhóm nhằm phát huy tính tích cực của học sinh để cho học sinh được sống trong bầu không khí khoa học thực sự, nâng cao kỹ năng thực hành của các giáo viên và học sinh. Tổ nhóm sinh hoạt chuyên môn và góp ý xây dựng bài hỗ trợ cho giáo viên. Đặc biệt chú ý đến kỹ năng sử dụng kết hợp nhiều thiết bị trong giờ dạy như đèn chiếu, máy tính, các đồ dùng thí nghiệm, thiết bị nghe nhìn để đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi dạy mẫu các tổ nhóm triển khai dạy đại trà và thống nhất quy trình dạy ở PHBM.

Về hoạt động học của học sinh ở PHBM: Học sinh di chuyển đến PHBM đúng giờ. Chuẩn bị bài, sưu tầm tài liệu dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo dạy bộ môn trước khi đến học ở PHBM. Trong giờ học cần tham gia học tập nghiêm túc; có ý thức và tinh thần học tập sáng tạo, khoa học; ghi chép đầy đủ nội dung tiến trình buổi học, mạnh dạn trao đổi thảo luận nhóm về những kiến thức trong bài học. Để việc tổ chức thí nghiệm thực hành an toàn, khi có sự cố xảy ra học sinh phải bình tĩnh theo hướng dẫn của thầy cô, đồng thời có ý thức giữ gìn các thiết bị trong PHBM. Riêng các nhóm trực nhật phải  đến sớm để phụ giúp thầy cô chuẩn bị và thu dọn sau mỗi tiết học.

Về công tác quản lý PHBM: BGH cần phân công 1 Phó Hiệu trưởng cùng các tổ trưởng chuyên môn chỉ đạo hoạt động của các PHBM. Hàng năm nhà trường tiến hành kiểm kê tài sản hai lần vào đầu năm và cuối năm, có biên bản lưu giữ. Việc tổ chức sắp xếp bàn ghế, thiết bị, kho lưu giữ đảm bảo khoa học, tiện cho việc sử dụng. Cán bộ phụ trách phòng thiết bị đồ dùng dạy học được giao trách nhiệm quản lý PHBM là các nhân viên có tinh thần trách nhiệm, có nghiệp vụ quản lý, hiểu biết và sử dụng thành thạo các thiết bị, chịu trách nhiệm trước nhà trường về quản lý tài sản, tham mưu mua sắm, sửa chữa các thiết bị dạy học. Giáo viên tích cực làm đồ dùng dạy học để bổ sung thêm cho các PHBM.

Phấn đấu xây dựng PHBM đạt chuẩn là nhiệm vụ khó khăn đối với các nhà trường ở vùng nông thôn. Theo tôi, muốn xây dựng PHBM theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải huy động các nguồn tài chính,  làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục. PHBM phải có nội quy chặt chẽ, người dạy và người học phải nắm vững nội quy và thực hiện nghiêm túc hàng ngày; cần giáo dục cho học sinh ý thức tự giác, tôn trọng và làm theo hướng dẫn của giáo viên, phòng học phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Trang thiết bị PHBM phải đồng bộ, đảm bảo  chất lượng. Việc sắp xếp phải đảm bảo chất lượng,  khoa học, tiện lợi cho người sử dụng theo nguyên tắc “ Dễ tìm – dễ thấy – dễ lấy”. Hàng năm cần làm đồ dùng dạy học để bổ sung cho PHBM. Thường xuyên cập nhật TBDH mới để đáp ứng việc đổi mới phương pháp dạy học. Các PHBM được kết nối mạng để giáo viên tìm thêm tư liệu  phục vụ cho công tác giảng dạy. Mặt khác, BGH phải tạo điều kiện về mọi mặt cho giáo viên sử dụng PHBM một cách hiệu quả. Với giáo viên, cần thực hiện tốt phong trào “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Để làm được điều này, thiết nghĩ không chỉ có Ban giám hiệu, mà còn phải có ý thức của giáo viên, học sinh và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt công tác xã hội hóa giáo dục. Có phát huy tốt PHBM, mới có thể đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực.

Muốn vậy, cần phát huy tối đa tác dụng của Phòng học bộ môn.

 Bài và ảnh: Nguyễn Thị Kim Dung
 P.Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất