Tập trung đầu tư cho an ninh quốc phòng và hỗ trợ ngư dân bám biển
Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao các chủ trương, giải
pháp của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là qua sự chỉ đạo của Thủ tướng trong
giải quyết vấn đề ở Biển Đông, dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất
nước và chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song, Chính phủ đã quyết định dành một
nguồn lực lớn để đầu tư cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và hỗ trợ
ngư dân vươn khơi bám biển.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nhìn nhận Chính phủ đã có những chính sách
mới hỗ trợ ngư dân, đó là quyết sách rất quan trọng, nhất là trong tình
hình hiện nay. Trong khi Việt Nam còn rất nhiều khó khăn nhưng Chính phủ
đã quyết định dành 16.000 tỷ đồng để tăng cường phương tiện, thiết bị
cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và dành 10.000 tỷ đồng để ngư dân
vay với lãi suất ưu đãi 3%/năm, ân hạn 1 năm và được thế chấp bằng chính
con tàu.
Những ước mơ khao khát của ngư dân lâu rồi giờ mới có khả năng được đáp
ứng, niềm vui, hy vọng, niềm tin vào Chính phủ, Thủ tướng đã được khẳng
định bởi những điều đã diễn ra sau kỳ họp thứ sáu của Quốc hội đến nay,
từ hội nghị chuyên đề bàn chính sách ngư dân do Thủ tướng chủ trì ở Đà
Nẵng đến thành lập lực lượng Kiểm ngư cho tới quyết định hỗ trợ này, đại
biểu nêu rõ.
Các đại biểu đề nghị trước tình hình khó khăn, phức tạp, thử thách mà
đất nước đang phải đối mặt, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế
xã hội cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước là nhiệm vụ của tất
cả những người Việt Nam yêu nước. Những tác động không thuận của tình
hình trên sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc
phòng an ninh không chỉ trong năm nay mà còn những năm tiếp theo.
Đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất về cách điều hành kinh tế xã hội,
ngân sách Nhà nước của Chính phủ đã đề ra nhưng cho rằng cần thiết phải
rà soát tổng thể lại và có những điều chỉnh hợp lý thích ứng với tình
hình mới.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), tình hình trên Biển Đông mới
đây đòi hỏi phải điều chỉnh các chủ trương, giải pháp cho phát triển
kinh tế-xã hội trong những tháng còn lại của năm nay.
Đại biểu đề nghị cân đối nguồn lực trên các lĩnh vực một cách hợp lý, có
thể giãn, hoãn các công trình chưa cần thiết, ưu tiên nguồn lực cho các
lĩnh vực cấp thiết, trước hết là ưu tiên nguồn lực cho quốc phòng, an
ninh quốc gia, trong đó ưu tiên số một là ban hành ngay những chính sách
thỏa đáng cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo,
nhất là các lực lượng đang làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên
các vùng biển của Tổ quốc.
Sự việc gây rối xảy ra tại Bình Dương, Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua
đòi hỏi không chỉ đầu tư cho lĩnh vực biển mà còn cần đầu tư cho lực
lượng công an để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, đại biểu nhấn mạnh.
Các đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh),
Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cùng nhiều đại biểu khác đồng tình với quan
điểm trên và cho rằng đó là những quyết sách thể hiện đúng lòng dân;
đồng thời, đại biểu đề nghị phải làm tốt công tác dự báo nắm tình hình.
Phát huy nội lực
Chỉ khi nào người dân biết được khó khăn của đất nước, mới sẵn lòng thắt
lưng, buộc bụng, cùng đưa đất nước ra khỏi gian nan, đây là ý kiến của
đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khi đề nghị Chính phủ chủ động, kịp
thời hơn trong cung cấp thông tin về tình hình đất nước.
Dẫn chứng từ việc một tháng qua, nhân dân cả nước và cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài đều lo lắng, quan tâm đến việc Trung Quốc trắng
trợn đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong Vùng biển
chủ quyền của Việt Nam và bằng các biểu hiện khác nhau đã có việc làm cụ
thể khẳng định quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, đã có hơn 850.000 tin nhắn
chung sức vì biển đảo quê hương, đại biểu cho rằng sức mạnh của lòng yêu
nước là nền tảng để Việt Nam vững chắc vượt qua thách thức.
Còn theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), trong khi nguồn ngân sách
Nhà nước còn rất hạn hẹp, cần khơi dậy, phát huy lòng yêu nước của mọi
người dân bằng nhiều hình thức thích hợp, vận động quyên góp, tạo nguồn
lực tài chính đóng góp cùng với nguồn lực từ ngân sách để đầu tư cho
quốc phòng, an ninh, hỗ trợ, khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi
bám biển.
Chính phủ cần dự báo những tác động về kinh tế, xã hội sau sự kiện Biển
Đông để chủ động các giải pháp đối phó, đặc biệt là phải chủ động nguồn
hàng hóa, nguyên liệu, thiết bị máy móc, thị trường tiêu thụ sản phẩm
hiện đang lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khi cho rằng các mục tiêu và các
chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra chưa cần thay đổi nhưng cơ
cế chính sách và công tác tổ chức thực hiện, công tác quản lý điều hành
sẽ đổi mới để biến thách thức thành thời cơ, biết tận dụng thời cơ để
tạo ra những đột phá mới, sớm đưa nền kinh tế Việt Nam từng bước giảm sự
phụ thuộc vào bên ngoài, tăng tính tự chủ, độc lập, ổn định và phát
triển bền vững.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn
với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong
đó có tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân đủ sức vươn xa vùng biển thuộc chủ
quyền của Việt Nam để phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền
Tổ quốc; đồng thời phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ,
công nghiệp chế biến nông sản, mở rộng thị trường giao thương với các
nước, chú ý phát triển thị trường trong nước, có chính sách tháo gỡ khó
khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) và Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị cần
tận dụng mọi nguồn lực, chủ động ứng phó với tình hình biến động thị
trường, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc theo lộ trình trước
mắt và lâu dài.
Chú trọng đầu tư cho “tam nông” và xây dựng nông thôn mới
Trước ý kiến của nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu ngành
nông nghiệp, đầu tư cho “tam nông” và xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết gần một năm
qua Bộ đã triển khai tổ chức quán triệt chủ trương tái cơ cấu trong
toàn ngành và đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa 12 chủ trương để hướng
dẫn các địa phương thực hiện, lựa chọn triển khai các lĩnh vực ưu tiên.
Bộ đặc biệt chú ý đến chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân bám
biển, nâng cao chất lượng trồng rừng và cải tiến hệ thống thủy nông.
Bộ trưởng thừa nhận tiến độ triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải
có sự tham gia của các ngành, địa phương nhưng tiến độ chậm, đến nay,
mới có 23 tỉnh có đề án và kế hoạch hành động. Bộ trưởng cũng cho biết 6
tháng đầu năm nay, các lĩnh vực trong ngành có bước tăng trưởng khả
quan hơn, sản lượng lúa gạo tăng ở cả 3 miền, chăn nuôi, dịch bệnh được
kiềm chế và phục hồi, sản lượng thủy sản tăng…
Đến nay, có gần 600 xã đạt 15-16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy
vậy, ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong
đó nổi bật là vấn đề thị trường, xuất khẩu giảm, nhiều mặt hàng bị ảnh
hưởng thị trường Trung Quốc.
Tới đây, Bộ sẽ thực hiện các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để
phát triển thị trường xuất khẩu, điều chỉnh sản xuất những ngành hàng
có khó khăn về thị trường theo hướng tìm thị trường mới, giảm phụ thuộc
vào thị trường Trung Quốc. Bộ cũng sẽ có báo cáo chuyên đề về phát triển
rừng để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này./.
Nêu những thành tựu trong nông nghiệp, song, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng mặc dù nhiều sản phẩm nông sản của
Việt Nam có năng suất cao nhưng thu nhập của nông dân vẫn thấp.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra 6 giải pháp liên quan đến đầu vào và 5 giải
pháp cho đầu ra; trong đó nhấn mạnh đến việc nội địa hóa các đầu vào
cung cấp cho nông nghiệp, chủ động hóa khâu sản xuất, đẩy mạnh tạo ra
giống có chất lượng cao, đổi mới kỹ thuật chăm sóc và ứng dụng công nghệ
mới cho năng suất cao, hình thành sàn giao dịch nông nghiệp, hỗ trợ
nông dân xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống kho lưu trữ, nhân
rộng bảo hiểm trong nông nghiệp…/.
Chu Thanh Vân (TTXVN)