Thứ Bảy, 23/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 14/4/2017 10:22'(GMT+7)

Quan tâm giúp đỡ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống



Anh Nguyễn Văn Hiển, ở xóm 16 xã Chính Lý, huyện Lý Nhân bị khuyết tật vận động, đi lại rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm, động viên của gia đình, cấp ủy chính quyền, đoàn thể địa phương cùng với nghị lực của bản thân, anh Hiển luôn cố gắng phát triển kinh tế gia đình. Ngoài tiền trợ cấp của Nhà nước hơn 500.000 đồng/tháng, anh được hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn. Đặc biệt, anh được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư chăn nuôi. Đến nay, đàn lợn của gia đình anh đã có hơn 100 con lợn đẻ và lợn thịt. 


Chị Nguyễn Thị Nhuần, ở xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân năm 2011 bị tai nạn làm chùn hai đốt sống lưng và vẹo cột sống. Chị luôn tự ti về bản thân bởi cơ thể khuyết tật lại không có sức khỏe để làm kinh tế và lo cho con trai. Nhiều năm liền, chị Nhuần chỉ quẩn quanh với mảnh vườn, chăn nuôi nhỏ trong gia đình, ít giao tiếp với bên ngoài. Được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, chị được giới thiệu làm công nhân cho một doanh nghiệp Hàn Quốc với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Chị đã vượt qua mặc cảm, rồi dần ổn định cuộc sống. 


Tỉnh Hà Nam hiện có hơn 21.600 người khuyết tật. Để giúp người khuyết tật hòa nhập vào đời sống xã hội và cộng đồng dân cư nơi sinh sống, tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Luật Người khuyết tật gắn với việc thực hiện các chính sách bảo trợ, chính sách an sinh xã hội tại địa phương, đồng thời triển khai kịp thời, đúng quy định công tác xác định mức độ khuyết tật theo Luật Người khuyết tật. Tỉnh chủ động trong việc vận động sự chung tay giúp đỡ của các nguồn lực xã hội chăm lo vật chất, tinh thần và giải trí lành mạnh cho người khuyết tật; tổ chức tuyên truyền, tư vấn và thu thập nghề phù hợp cho các đối tượng người khuyết tật. Hàng nghìn người khuyết tật tham gia các lớp học nghề theo khả năng, năng lực bản thân đã được hưởng các chính sách ưu đãi theo đúng quy định. Các hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống, giải quyết vốn vay, hỗ trợ việc làm đã động viên, tiếp thêm nghị lực người khuyết tật, khích lệ người khuyết tật sống vui, sống có ích cho xã hội. Cùng với đó, các hoạt động trợ giúp khác như: khám chữa bệnh, tặng xe lăn cũng được tích cực triển khai. 


Để tiếp tục tổ chức có hiệu quả các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật, UNND tỉnh Hà Nam vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật và trẻ em mồ côi giai đoạn đến năm 2020. Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật và trẻ em mồ côi nhằm nâng cao nhận thức; xác định trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật, trẻ em mồ côi. UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật, đồng thời theo dõi, cập nhật đầy đủ, chính xác biến động về người khuyết tật để thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nâng cao chất lượng hoạt động công tác của Hội. Hội thực hiện tốt công tác tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo chỉ đạo giải quyết tốt công tác chăm sóc giúp đỡ người khuyết tật; vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ Quỹ Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, phấn đấu hằng năm có từ 1.000 - 1.500 người khuyết tật và trẻ mồ côi được hưởng lợi từ Quỹ. 


UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu ngành Y tế tỉnh thực hiện hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; khai thác các dự án phẫu thuật, phẫu thuật chỉnh hình cho người khuyết tật do các tổ chức trong và ngoài nước giúp đỡ. Ngành Giáo dục và Đào tạo trợ giúp người khuyết tật tiếp cận giáo dục; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với học sinh, sinh viên khuyết tật, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng nhân ái, bao dung, không phân biệt đối xử, chia sẻ, giúp đỡ học sinh, sinh viên khuyết tật trong trường học; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích trong các nhà trường./. 

TTX


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất