Những năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.
Thông tin về các chính sách và kết quả đạt được của giáo dục đối với
học sinh dân tộc thiểu số, miền núi tại cuộc họp thông tin về công tác
nhân quyền, ngày 11/4, đồng chí Vũ Thị Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc,
Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Những năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào
tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm
đặc biệt của của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách đối với đồng
bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi được thể chế hóa thành các văn bản
quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời,
đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục đào tạo, được nhân dân đồng tình,
ủng hộ.
Ngoài chính sách của Nhà nước có tính ổn định, còn có các chương trình,
đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn. Các tổ chức, cá nhân
đều ưu tiên hỗ trợ cho giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã
có những chuyển biến đáng kể.
TẠO SỰ BÌNH ĐẲNG TRONG GIÁO DỤC
Những thành tựu nổi bật trong công tác phát triển giáo dục dân tộc thiểu
số trong 10 năm qua có thể kể đến như: Hệ thống cơ sở giáo dục từ mầm
non đến THPT được củng cố và phát triển. Các xã vùng sâu,
vùng xa, vùng mà người dân tộc thiểu số ở phân tán, địa hình cách trở
cũng đều có trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS,
tất cả các huyện đều có ít nhất từ 2 trường THPT trở lên,
đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày
càng giảm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT hằng năm tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ
thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị
đại học) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Chế độ cử tuyển đã góp
phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số có trình
độ ở địa phương.
Các chế độ, chính sách đối với
cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên (cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên)
và người học là người dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời,
đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình
đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an
ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
BẢO ĐẢM QUYỀN HỌC TẬP CỦA TRẺ EM MIỀN NÚI
Về tình hình phát triển giáo dục dân tộc trong các cấp, bậc học, đối với
giáo dục mầm non, năm học 2021-2022, toàn quốc có 884.689 trẻ em người
dân tộc thiểu số đến trường; 80.643 giáo viên mầm non dạy trẻ em người
dân tộc thiểu số. Cấp tiểu học có hơn 1,6 triệu học sinh tiểu học người
dân tộc thiểu số/ tổng số 9,1 triệu học sinh cả nước; nhà giáo tiểu học
người dân tộc thiểu số là 51.321 người/tổng số 443.186 nhà giáo toàn
quốc. Cấp THCS có hơn 999 nghìn học sinh dân tộc thiểu
số/tổng số hơn 5,9 triệu em; 24.615 nhà giáo là người dân tộc thiểu
số/307.488 nhà giáo cả nước. Cấp học THPT có 348.775 học
sinh là dân tộc thiểu số/ tổng số hơn 2,7 triệu học sinh cả nước; nhà
giáo là người dân tộc thiểu số là 9.460 người/tổng số 166.686 giáo viên
của cả nước.
Về giáo dục thường xuyên, năm 2002, có 2.912 học viên ở vùng dân tộc
thiểu số học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS/6.514 học viên của cả nước. Cũng trong năm học 2021-2022, cả nước có
hơn 2,1 triệu sinh viên đại học, trong đó có 125.414 sinh viên là người
dân tộc thiểu số; 1.027 giảng viên người dân tộc thiểu số/79.041 giảng
viên của cả nước.
Tổng số trường học của vùng dân tộc thiểu số, miền núi cấp mầm non và
phổ thông là 20.495 trường, 329.280 lớp và 10.145.199 trẻ em, học sinh.
Số cơ sở giáo dục đại học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi chiếm khoảng
1/3 so với số lượng cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc. Cơ sở vật
chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện rõ rệt, từng bước hiện
đại hóa. Một số cơ sở giáo dục đại học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
miền núi đang phát triển theo hướng đa ngành; đào tạo nhiều cấp trình
độ từ trình độ cao đẳng đến tiến sĩ...
Cả nước hiện có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 48 tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô 101.847 học sinh; 1.161
trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh/thành phố với 249.369 học
sinh; 4 trường dự bị đại học, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú trực
thuộc Ủy ban Dân tộc có dạy học hệ dự bị đại học, với quy mô khoảng
3.000 học sinh dự bị/năm. Bên cạnh đó, còn có 4 khoa dự bị đại học dân
tộc thuộc các trường đại học...
ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Quốc
hội đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã
hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 để
đầu tư phát triển cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Các chính sách cho người học và nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã được quan tâm, ban hành thông qua các
Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư
của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phương hướng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra thời gian tới là: Tiếp
tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
về phát triển giáo dục đào tạo. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện có
hiệu quả các chính sách đã ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách ưu
tiên đầu tư phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi
(quan tâm ưu tiên nguồn kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị
trường học thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm
nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực
cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi).
Các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản được đề ra là: xây dựng, hoàn thiện chính
sách đối với giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền
núi; rà soát, hoàn thiện việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng
đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; nâng cao chất lượng đối với giáo
dục dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường đầu tư
cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng dân tộc thiểu số, miền núi; phát
triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; tiếp tục thực hiện
đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo
dục, giáo viên ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội
đặc biệt khó khăn...
PHÚC HẰNG (TTXVN)