Thứ Bảy, 26/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 25/10/2024 13:51'(GMT+7)

Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo gồm có các đồng chí: Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng Ban liên lạc toàn quốc Cựu Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào; Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự.

Dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; Thượng tướng Thongloi Silivong, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thứ trưởng Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Lào; Đồng chí Khamphao Ernthavanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử cựu Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

“GIÚP NHÂN DÂN NƯỚC BẠN TỨC LÀ TỰ GIÚP MÌNH”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo nêu rõ, cách đây 75 năm, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và mang danh nghĩa là Quân tình nguyện. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, phát huy truyền thống của quân đội cách mạng, chủ nghĩa yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nước bạn Lào chiến đấu anh dũng, giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Những cống hiến, hy sinh to lớn của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam trực tiếp củng cố và xây đắp nên truyền thống đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam - Một biểu tượng đoàn kết quốc tế vô sản, mẫu mực có một không hai trong lịch sử quan hệ quốc tế.

Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo phát biểu khai mạc.

Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo phát biểu khai mạc.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, Hội thảo khoa học là sự kiện có ý nghĩa khoa học và lịch sử sâu sắc; là dịp để chúng ta nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn nữa về lịch sử, những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước để giành được thắng lợi, qua đó, quyết tâm gìn giữ và phát huy sức mạnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.

Hội thảo khoa học cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào; là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định, bổ sung tư liệu lịch sử, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung của Quân đội nhân dân anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng; khẳng định và làm sâu sắc thêm tầm nhìn chiến lược, đường lối, chủ trương đoàn kết quốc tế đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp bạn Lào; qua đó, bồi đắp và phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả cho thế hệ hôm nay và mai sau; đúc rút kinh nghiệm và bài học lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới.

“Kết quả Hội thảo góp phần tăng cường củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân hai nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực vào việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới”, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Ý NGHĨA VÀ TÌNH ĐOÀN KẾT, LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM - LÀO VẪN VẸN NGUYÊN GIÁ TRỊ

Trình bày Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khái quát, sau khi Việt Nam giành được độc lập vào ngày 2/9/1945, Việt Nam và Lào tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Để bảo vệ độc lập của mỗi nước và tiếp tục củng cố quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, ngày 16/10/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ítxala đã ký “Hiệp ước tương trợ Lào - Việt”. Tiếp đó, ngày 30/10/1945, Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam ký “Hiệp định về tổ chức liên quân Lào - Việt”. Đây là những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước hợp tác, đoàn kết liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, bảo vệ nền độc lập của mỗi nước vừa giành được.

Báo cáo Đề dẫn nêu, khi thực dân Pháp mở rộng xâm lược Lào, Đảng ta đã quyết định huy động lực lượng Việt kiều ở Lào và Thái Lan thành lập các đơn vị Việt kiều giải phóng quân phối hợp với các đơn vị Lào Ítxala chiến đấu bảo vệ các thành phố, thị xã, thị trấn. Trận chiến đấu bảo vệ thị xã Thà Khẹc năm 1946 dưới sự chỉ huy của Hoàng thân Xuphanuvông là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu liên quân Lào - Việt trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đến những năm 1948-1949, nhiều liên khu của Việt Nam đã có chủ trương giúp Lào bằng những hoạt động thiết thực như giúp Liên khu 4 thành lập Ban Cán sự Trung Lào và sử dụng lực lượng vũ trang phối hợp với bạn chiến đấu đánh địch trên Đường 7, Tây Nghệ An, Sầm Nưa, Tây Thanh Hóa, giúp Liên khu 5 xây dựng căn cứ kháng chiến và phát triển phong trào cách mạng ở Hạ Lào và Liên khu 10 (nay là Quân khu 2) chỉ đạo Ban Xung phong Lào Bắc xây dựng cơ sở cách mạng ở Bắc Lào...

Qua gần 4 năm xây dựng, chiến đấu và giúp Bạn của các đơn vị lực lượng vũ trang Việt Nam, Cách mạng Lào có bước phát triển mạnh mẽ. Việc thành lập Quân Tình nguyện nhằm bảo đảm tính thống nhất về tổ chức và quy mô giúp bạn đạt hiệu quả cao hơn trong xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng những năm tiếp theo.

Sự ra đời Quân Tình nguyện Việt Nam ở Lào tiếp tục khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam nhằm bảo vệ nền độc lập, bảo vệ thành quả cách mạng của mỗi nước và sự nghiệp giải phóng Đông Dương ra khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân. Từ những đơn vị hoạt động phân tán nhỏ lẻ (tổ, đội), Quân Tình nguyện Việt Nam phát triển thành các đơn vị độc lập quy mô đại đội, tiểu đoàn và đoàn (tương đương trung đoàn). Những hoạt động của Quân tình nguyện đã giúp Bạn phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ kháng chiến, phối hợp chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt địch trong nhiều chiến dịch. Những thắng lợi của liên quân Việt Nam - Lào đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Lào và thắng lợi vẻ vang của nhân dân ba nước Đông Dương.

Hiệp định Giơnevơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương về đình chỉ chiến tranh, các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương, đế quốc Mỹ đã từng bước can thiệp và thực hiện chính sách thực dân mới ở Lào, Việt Nam và Campuchia, buộc nhân dân ba nước Đông Dương phải tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu, bảo vệ độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mỗi nước.

Theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ kháng chiến Lào và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục giúp Lào tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1954, Trung ương Đảng cử Đoàn Cố vấn quân sự 100 sang giúp Cách mạng Lào, tiếp tục phát triển quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào chống kẻ thù chung. Phương thức hợp tác giúp đỡ của Việt Nam đối với Cách mạng Lào có thay đổi so với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đó là chuyển từ chế độ Quân Tình nguyện sang chế độ Quân Tình nguyện và Cố vấn quân sự (từ năm 1959 là chế độ Chuyên gia quân sự)...

Sau năm 1975, lợi dụng tình hình ở Lào còn rất nhiều khó khăn khi mới giải phóng, chính quyền còn non trẻ, lực lượng vũ trang cách mạng Lào tuy đông nhưng chưa được củng cố sau nhiều năm chiến đấu liên tục, các thế lực phản động nước ngoài hậu thuẫn các lực lượng phản động Lào lưu vong và lực lượng phỉ, phản động ngầm trong nước tiếp tục chống phá Cách mạng Lào. Để tiếp tục giúp bạn bảo vệ thành quả cách mạng, tháng 5/1976, sau hội đàm giữa Quân ủy Trung ương Việt Nam và Quân ủy Trung ương Lào, hai bên thống nhất tổ chức Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Cùng với đó, đáp ứng đề nghị của Đảng và Chính phủ Lào, từ cuối năm 1976, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã cử một số đơn vị Quân Tình nguyện Việt Nam trở lại giúp Lào. Hoạt động phối hợp chiến đấu giữa Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào, nòng cốt là Quân đội nhân dân Lào trong những năm 1976-1989, đã góp phần phá tan nhiều căn cứ phỉ ở Phu Bia, Buôn Loọng...; kết hợp giữa tiễu phỉ với xây dựng thế trận phòng thủ đất nước, chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân Lào.

Đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, căn cứ vào tình hình chính trị ở Lào đã có bước phát triển ổn định, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Lào thống nhất chuyển toàn bộ Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào về nước, đến đầu tháng 1/1989, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã rút hết về nước...

“75 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và tình đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào vẫn vẹn nguyên giá trị”, Trung tướng Trương Thiên Tô khẳng định.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

KHẲNG ĐỊNH QUAN ĐIỂM, ĐƯỜNG LỐI QUỐC TẾ VÔ SẢN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, đồng chí Khăm-phâu Ân-thạ-văn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam nêu rõ, trong những năm đầu kháng chiến (1954-1957), được sự giúp đỡ của Đoàn cố vấn quân sự 100, quân và dân Lào đẩy mạnh vận động nhân dân, củng cố chính quyền, xây dựng hệ thống khu chiến đấu ở hai tỉnh tập kết Sầm Nưa và Phông Xa Lỳ, góp phần làm thất bại âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng cách mạng của địch. Từ năm 1959-1961, Đoàn chuyên gia quân sự 959 và các đơn vị thuộc Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc của Việt Nam giúp Lào nhanh chóng khôi phục, mở rộng căn cứ kháng chiến, chiếm 2/3 diện tích nước Lào, góp phần buộc đối phương phải ngồi vào bàn đàm phán, tiến tới ký Hiệp định Giơnevơ về Lào năm 1962. Trong những năm sau đó, nhất là giai đoạn 1973-1975, cùng với việc giúp Lào xây dựng cơ sở quần chúng, củng cố căn cứ kháng chiến, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng lực lượng vũ trang, với nòng cốt là Quân giải phóng nhân dân Lào, ngày càng trưởng thành, tạo tiền đề vững chắc cho cách mạng Lào tiến lên giành những thắng lợi quân sự trên chiến trường và giành được chính quyền vào năm 1975.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, Chuyên gia quân sự và Quân tình nguyện Việt Nam cùng các lực lượng của Lào chú trọng xây dựng, cùng cố chính quyền cơ sở, xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhất là lực lượng vũ trang địa phương, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh. Nhờ đó, tình hình trật tự, an ninh của Lào dần ổn định, các lực lượng cách mạng Lào từng bước trường thành, tự đảm đương nhiệm vụ, làm chủ tình hình vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XX...

Đồng chí Khăm-phâu Ân-tha-văn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam phát biểu tham luận.

Đồng chí Khăm-phâu Ân-thạ-văn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam phát biểu tham luận.

Theo Đai sứ Khăm-phâu Ân-thạ-văn, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào đã cùng với lực lượng vũ trang nhân dân Lào lập nên nhiều chiến công hiển hách, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội và nhân dân hai nước, như lời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã khẳng định: “Trên đất nước Lào, không có nơi nào mà không có dấu chân của Quân tình nguyện Việt Nam, không có chiến thắng nào mà không có sự hy sinh đóng góp của Quân tình nguyện Việt Nam”.

“Cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự việt Nam được nhân dân các dân tộc Lào tin yêu, coi như con em của dân tộc mình”, Đai sứ Khăm-phâu Ân-thạ-văn nhấn mạnh.

Trong tham luận của mình, PGS. TS. Nguyễn Đình Lê khẳng định, Đảng ta đã phát huy sức mạnh nội lực của quần chúng cách mạng hai nước, phối hợp đấu tranh thắng lợi mọi thế lực ngoại xâm, nội phản. Đảng (bao hàm Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia và sau đó là Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào) của nhân dân Lào - Việt đã có chiến lược cách mạng đúng đắn, kêu gọi đoàn kết quần chúng hai nước, tạo sức mạnh tổng hợp, đưa phong trào từng bước phát triển, cuối cùng tiến lên giành thắng lợi. Bên cạnh đó, chính tinh thần quốc tế cao cả đưa nhân dân hai nước quyết chiến, quyết thắng thực dân, đế quốc. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, nhân dân hai nước đoàn kết với nhiều quốc gia, dân tộc, nhưng chính Đảng hai nước đã xây dựng được quan hệ đặc biệt chưa từng có trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nhờ tinh thần đoàn kết cao cả đó, nhân dân hai nước luôn thấu hiểu, đùm bọc nhau; lại có dãy Trường sơn che chắn nên hai nước có đủ các yếu tố cần và đủ để đánh giặc, giải phóng Tổ quốc. Sự hy sinh to lớn của nhân dân, quân đội hai nước đã làm nên thắng lợi vẻ vang của Lào - Việt...

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đại sứ quán, Tùy viên quốc phòng nước Cộng hòa DCND Lào tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Khoa học - Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng Lào; lãnh đạo, chỉ huy các quân khu, các cục, tổng cục, Bộ đội Biên phòng, binh đoàn, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội... Mỗi báo cáo, tham luận là một công trình nghiên cứu khoa học độc lập, có giá trị lịch sử và khoa học, tiếp tục luận giải, khẳng định và làm sâu sắc thêm nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, được thể hiện nổi bật ở một số nội dung chính sau:

Một là, khẳng định quan điểm, đường lối quốc tế vô sản của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Lào; tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu trong sáng, thủy chung giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước.

Hai là, tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Lào.

Ba là, tiếp tục làm sáng tỏ quá trình hình thành, phát triển và trưởng thành của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trên tất cả các mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội…

Bốn là, làm sâu sắc thêm những đóng góp, những chiến công xuất sắc, thành tích tiêu biểu, đóng góp to lớn của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam, của liên quân Việt - Lào trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào.

Năm là, khẳng định ý nghĩa lịch sử và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục xây đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự trình bày Tổng hợp tham luận Hội thảo.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự trình bày Tổng hợp tham luận Hội thảo.

GÌN GIỮ, VUN ĐẮP, ĐỂ QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO “MÃI MÃI XANH TƯỜI, ĐỜI ĐỜI BẾN VỮNG”

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo nhấn mạnh thêm một số vấn đề:

Thứ nhất, Hội thảo là dịp để tiếp tuc khẳng định việc tổ chức Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào là chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Lào. Thông qua Hội thảo để hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn và tôn vinh những công lao đóng góp to lớn, sự hy sinh xương máu của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào; đồng thời, tri ân sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Lào đối với bộ đội Việt Nam. Những đóng góp quý báu đó sẽ được hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước giữ gìn, vun đắp, để quan hệ Việt Nam - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Thứ hai, qua Hội thảo, ý kiến đóng góp của các đồng chí tướng lĩnh, sỹ quan cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cựu chiến binh Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội sưu tầm, tích lũy thêm được nhiều tư liệu, tài liệu quý giá liên quan đến quá trình công tác, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Vì vậy, để góp phần nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, sau cuộc Hội thảo này, các cựu chiến binh, các cơ quan chuyên môn cần nỗ lực nhiều hơn, tiếp tục sưu tầm, bổ sung, cung cấp thêm các tư liệu mới để phục vụ quá trình nghiên cứu tiếp theo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Thứ ba, các tham luận đã in thành sách Kỷ yếu Hội thảo khoa học là tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền, học tập, giáo dục lịch sử, có giá trị thiết thực, bổ ích sâu sắc đối với lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Ban Tổ chức hội thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện Kỷ yếu Hội thảo. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường tích cực phát huy kết quả Hội thảo vào thực tiễn quá trình nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, huấn luyện của đơn vị mình.../.

MINH THẾ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất