Thứ Sáu, 22/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 6/6/2019 7:47'(GMT+7)

Quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao Giải Nhất cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao Giải Nhất cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017.

GÓP PHẦN QUAN TRỌNG PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA VIỆT NAM TẠI CÁC DIỄN ĐÀN KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ, NÂNG CAO UY TÍN VÀ VỊ THẾ CỦA ĐẤT NƯỚC

PV: Xin đồng chí thông tin những điểm mới của Giải thưởng năm 2018 so với các năm trước?

Đồng chí Bùi Trường Giang: So với Giải thưởng các năm trước, số lượng, cơ cấu Giải thưởng năm 2018 có sự mở rộng hơn. Thời lượng phát sóng các tác phẩm truyền hình dự thi từ 90 phút, nay tăng lên tối đa là 120 phút.

Đây cũng là năm đầu tiên, các tác phẩm đăng tải trên một số trang thông tin điện tử được tham gia dự thi. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng sẽ xem xét, tặng Bằng khen cho các các đơn vị, tập thể có nhiều tác phẩm dự thi chất lượng tốt.

PV: Còn về chất lượng của những tác phẩm dự thi năm nay, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Trường Giang: Trước tiên, phải khẳng định rằng, các tác phẩm dự thi năm nay đáp ứng yêu cầu, thể lệ, tiêu chí của giải thưởng.Với nội dung phong phú, hình thức thể hiện đa dạng, sinh động, hiện đại, các tác phẩm đã góp phần to lớn trong việc định hướng tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại.

Giải thưởng được triển khai từ năm 2014 và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhà báo của các cơ quan thông tấn, báo chí, nhà xuất bản trong nước và các tác giả ở nước ngoài quan tâm, yêu mến Việt Nam.

Giải thưởng năm 2018 có hơn 1.000 tác phẩm dự thi, thể hiện bằng 13 ngôn ngữ là: Việt Nam, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Khmer, Lào, Mông Cổ.

Đặc biệt, các tuyến nội dung những tác phẩm dự thi hết sức đồng đều, đề cập đến mọi vấn đề của công tác thông tin đối ngoại như: các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, kinh tế đối ngoại; giới thiệu, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử con người Việt Nam; thành tựu của công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua; chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa; những đóng góp của Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các vấn đề chung của quốc tế, khu vực; đấu tranh, phản bác những thông tin sai sự thật, xuyên tạc về Việt Nam; hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với các nước, hoạt động của kiều bào ta… Các tác phẩm đã bám sát những sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của đất nước, đóng góp tích cực vào thành công của các đợt thông tin tuyên truyền, phục vụ các hoạt động đối ngoại lớn.

Đồng chí Bùi Trường Giang: Để công tác thông tin đối ngoại thiết thực, hiệu quả, cần làm tốt công tác thông tin đối nội.

Đồng chí Bùi Trường Giang: Để công tác thông tin đối ngoại thiết thực, hiệu quả, cần làm tốt công tác thông tin đối nội.

Số lượng các tác phẩm bằng tiếng nước ngoài, do các tác giả người nước ngoài và các cơ quan báo chí trong nước thực hiện tăng đáng kể so với các năm trước. Trong đó, nổi bật là các bài viết, các chương trình đặc sắc, ấn tượng viết về đời sống chính trị - xã hội, các địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Một số tác phẩm được đăng tải trên các báo, tạp chí uy tín của nước ngoài, tạo sức lan tỏa cao.

Các tác giả đã có sự đầu tư công phu, thể hiện sự tác nghiệp chuyên nghiệp, sự dấn thân vào thực tiễn; ứng dụng công nghệ báo chí điện tử tiên tiến như longform, megastory, tích hợp đa phương tiện.

Chùm tác phẩm “Đặc sắc văn hóa Việt Nam” của tác giả Yuri A.Denisovich, Thường trú Hãng thông tấn TASS Liên bang Nga tại Việt Nam về du lịch văn hóa ẩm thực Việt Nam, sứ mệnh áo dài - bản sắc văn hóa của người Việt, vì sao người Việt thích café nội hơn café ngoại… Với hình ảnh minh họa đẹp, ngôn ngữ khúc triết, dí dỏm, tác phẩm đã khắc họa nên một Việt Nam hấp dẫn, hiếu khách.

 Tác phẩm “Nơi gắn kết tình hữu nghị Việt - Thái” đã giới thiệu những thông tin nóng hổi, chính xác, cập nhật về khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bản Đông, tỉnh Phichit, Thái Lan vừa được xây dựng xong vào đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người. Đây là điểm đến để giới thiệu với bạn bè Thái Lan, cộng đồng người Thái gốc Việt, những tình cảm của Bác Hồ đối với người dân Thái Lan.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bản Đông (Thái Lan) được xây dựng trên khu đất với diện tích 6.400 m2 gồm một tòa nhà bảo tàng 2 tầng, một ngôi nhà sàn và các công trình phụ trợ.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bản Đông (Thái Lan) được xây dựng trên khu đất với diện tích 6.400 m2 gồm một tòa nhà bảo tàng 2 tầng, một ngôi nhà sàn và các công trình phụ trợ.

Chùm tác phẩm “Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc” của nhóm tác giả báo Le Courrier du Vietnam, Thông tấn xã Việt Nam đã mang đến góc nhìn đa dạng, tổng thể về đời sống tôn giáo của Việt Nam, khẳng định tôn giáo trở thành một bộ phận không thể tách rời trong khối Đại đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, một số cơ quan báo chí địa phương đã tham gia Giải thưởng nhưng chất lượng chưa đồng đều. Một số tác phẩm có chất lượng khá tốt nhưng cách thức thể hiện, kết cấu kịch bản, xử lý lời bình, hình ảnh còn thiếu tính hấp dẫn.

PV: Theo đồng chí, điều gì đã làm nên thành công của Giải thưởng lần này?

Đồng chí Bùi Trường Giang: Có thể nói, Giải thưởng năm nay tiếp tục được tổ chức một cách chuyên nghiệp, công phu, bài bản. Thành công của Giải thưởng là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Để đạt được thành công đó, trước hết là do sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với các ban, bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại (nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…). Bên cạnh đó là sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, hiệu quả của các cơ quan báo chí, các tác giả là các nhà ngoại giao, nhà báo, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Chúng ta cũng rất tự hào vì các cơ quan báo chí, xuất bản chủ lực như Thông tấn xã Việt Nam (đơn vị đăng cai Giải thưởng), báo Nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… tích cực tham gia Giải thưởng với những tác phẩm có chất lượng cao.

 PV: Để chất lượng Giải thưởng ngày càng được nâng cao, góp phần hiệu quả vào hoạt động đối ngoại của Việt Nam, theo đồng chí, cần phải tiếp tục hoàn thiện như thế nào?

Đồng chí Bùi Trường Giang: Để Giải thưởng tiếp tục được lan tỏa rộng rãi hơn nữa, theo chúng tôi, cần quan tâm, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như sau:

Trước tiên, chúng ta phải đầu tư hơn nữa cho công tác thông tin đối ngoại. Để làm được điều đó, chúng ta cũng phải làm tốt công tác thông tin đối nội. Đây là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời mà hòa quyện, bổ sung cho nhau. Khi làm tốt công tác thông tin đối nội, chúng ta có thông tin tốt để tuyên truyền, giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Thứ hai, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, ấn phẩm dự thi, nhất là trong xu thế bùng nổ thông tin hiện nay; phải chú trọng, đầu tư, ứng dụng thành thạo thành tựu của truyền thông hiện đại, sản xuất các tác phẩm chất lượng cao, sinh động, hấp dẫn cả về nội dung, hình thức thể hiện, thu hút được sự quan tâm của độc giả. Tăng cường các ấn phẩm quảng bá về văn hóa, đất nước, con người, tiềm năng… của Việt Nam bằng tiếng nước ngoài, tăng cường trao đổi thông tin với các đối tác truyền thông nước ngoài, đưa thông tin lên internet, mạng xã hội nhằm phổ biến rộng rãi thông tin về Việt Nam đến độc giả trong và ngoài nước.

Thứ ba, rất cần sự phối hợp nhịp nhàng của công tác đối ngoại Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân để truyền cảm hứng cho các nhà báo, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn để tạo nên tác phẩm tuyên truyền thông tin đối ngoại tốt.

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương; huy động hiệu quả các nguồn lực từ xã hội, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá về Giải thưởng, thu hút sự quan tâm, tham dự của các cơ quan báo chí, xuất bản, các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở trong nước cũng như khuyến khích các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi tác phẩm dự thi…

Năm APEC Việt Nam 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Năm APEC Việt Nam 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

CẦN XÂY DỰNG MỘT CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THÔNG QUỐC GIA

PV: Trong những năm gần đây, công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân ngày càng được chú trọng, trở thành điểm sáng trong những thành tựu chung của đất nước. Đồng chí có nhận xét như thế nào về những đóng góp của công tác thông tin đối ngoại thời gian qua?

Đồng chí Bùi Trường Giang: Mặc dù tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động nhanh chóng và phức tạp, bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng, công tác đối ngoại Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân hoạt động tích cực, đạt được nhiều thành quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 Công tác thông tin đối ngoại, đã phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam tới đông đảo bạn bè các nước, nhất là thông qua các sự kiện chính trị - đối ngoại lớn, có tầm quốc tế được tổ chức trong nước.

Đó là Năm APEC Việt Nam 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã thúc đẩy hợp tác khu vực, nâng cao vị thế Việt Nam. Năm 2018, tại Việt Nam, diễn ra nhiều Hội nghị quan trọng như Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26), Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6; Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10; Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018)…

Gần đây nhất, tháng 2-2019, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội đã thể hiện sự coi trọng của hai nước đối với quan hệ với Việt Nam, sự ghi nhận vị thế quốc tế, kinh nghiệm và khả năng bảo đảm an ninh cho sự kiện quốc tế lớn, nhất là nhìn nhận về những thành tựu phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác, thể hiện mong muốn và năng lực của Việt Nam trong việc tham gia xử lý các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 được tổ chức tại Hà Nam tháng 5 vừa qua đã vượt trên một lễ hội văn hóa tôn giáo thông thường, tạo nền tảng cho việc thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo và là chất liệu để góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, đem đến hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, vì lợi ích tốt đẹp của nhân loại.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nam, từ ngày 12 - 14/5/2019.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nam, từ ngày 12 - 14/5/2019.


Các hoạt động tuyên truyền đối ngoại đã giúp dư luận bên ngoài hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam, thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam hoà bình, ổn định, đổi mới, phát triển năng động, là điểm đến an toàn và tin cậy của đầu tư, du lịch. Đây là những tiền đề rất thuận lợi để nước ta chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021…

Một đóng góp rất quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trong thời gian qua là đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Những thông tin tích cực của chúng ta đã góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động.

PV: Theo đồng chí, cần làm gì để công tác thông tin đối ngoại ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, khẳng định được tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII và các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan?

Đồng chí Bùi Trường Giang: Trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ còn diễn biến nhanh, khó lường, song xu thế chủ đạo vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong bối cảnh đó, công tác thông tin đối ngoại cần được chú trọng và tăng cường đầu tư hơn nữa. Chúng tôi đã kiến nghị với Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng một chiến lược truyền thông quốc gia. Đây sẽ là điểm nhấn trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại thời gian tới.

Hai là, phải đổi mới cả về nội dung, hình thức tuyên truyền; nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trên tất cả các kênh; tranh thủ thành tựu của truyền thông hiện đại, mạng xã hội để tuyên truyền về hình ảnh, trách nhiệm và những nỗ lực của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thông tin đối ngoại ở Trung ương và địa phương.

Chúng ta phải đầu tư hơn nữa cho đội ngũ, cơ sở vật chất làm công tác thông tin đối ngoại, từ cơ quan báo chí chủ lực cho đến đội ngũ phóng viên, cộng tác viên.

Ba là, thắt chặt quan hệ với các hãng thông tấn lớn trên thế giới, đưa nhà báo, phóng viên nước ngoài đến với Việt Nam để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người, thành tựu và những tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển du lịch… đến với đông đảo bạn bè quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài.

Bốn là, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành và các địa phương. Đây chính là lực lượng chủ lực, tạo nên những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để chúng ta có những nội dung tuyên truyền thông tin đối ngoại tốt nhất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Hằng (thực hiện)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất