Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 17/6/2009 13:51'(GMT+7)

Quảng Bình báo cáo Bộ Y tế việc “ăn cóc sống chữa ung thư”

Ông Khởi chuẩn bị ăn cóc sống

Ông Khởi chuẩn bị ăn cóc sống

Hiệu ứng từ những bài viết

Thời gian qua, Báo chí phản ánh về hiện tượng một số bệnh nhân bị ung thư ở Quảng Bình đã ăn gan, mật, mủ cóc sống để chữa bệnh đã gây sự chú ý trong bạn đọc, đặc biệt là đối với hàng ngàn gia đình có bệnh nhân đang bị bệnh ung thư.

Ngay trong bài viết đầu tiên, phóng viên đã khẳng định: Cóc là loài cực độc, gan, mủ, mật cóc có thể giết chết 5-7 người khỏe mạnh khi ăn phải. Song điều lạ là một số trường hợp bị ung thư ở Quảng Bình mà báo đề cập ăn gan, mật cóc sống để mong chữa khỏi bệnh ung thư đã không bị ngộ độc cóc như khoa học khuyến cáo lâu nay

Tác giả của loạt bài viết cũng đã đề nghị Bộ Y tế cần nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu để có kết luận chính xác, khoa học về các trường hợp bệnh nhân nói trên. Khuyến cáo người dân không nên lạm dụng việc ăn gan, mật, mủ cóc sống để chữa bệnh cho người thân bị ung thư trước khi khoa học y tế vào cuộc.


Sáng 15/6, chúng tôi đến Sở Y tế Quảng Bình gặp ông Ngô Văn Bốn - Phó Giám đốc Sở Y tế và ông Lê Viết Hùng - chuyên viên Phòng Nghiệp vụ của Sở để tìm hiểu thông tin. Ông Bốn từng là Trưởng đoàn của ngành Y tế Quảng Bình đi kiểm tra thực tế các trường hợp ăn cóc sống để chữa ung thư(có phóng viên đi cùng).

Ông Bốn cho biết: “Gần đây, liên tục nhiều người nhà bệnh nhân khắp cả nước gọi điện về để hỏi có thực hay không chuyện ăn cóc sống chữa ung thư ở Quảng Bình".

Báo cáo đầu tiên của cơ quan chức năng

Ngày 15/6, Sở Y tế Quảng Bình đã có Công văn số 709/SYT gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế về "thực trạng điều trị bệnh bằng ăn cóc sống tại Quảng Bình".

Sau khi nói về 2 trường hợp ông Mai Xuân Khởi và ông Nguyễn Thanh Lân ở Quảng Bình đã ăn gan, mật cóc sống để chữa ung thư ngay trước mặt đoàn cán bộ của Sở Y tế Quảng Bình vẫn không hề bị ngộ độc, công văn của Sở Y tế Quảng Bình ghi rõ: "Từ thực trạng 2 trường hợp nói trên, Sở Y tế nhận thấy: Sự việc ăn cóc (gan, mật, da…) để điều trị bệnh là hoàn toàn có thật. Thời gian ăn kéo dài nhiều năm (ông Khởi đã 4 năm, ông Lân đã 20 ngày) với số lượng nhiều (từ 15-20 con/ngày) nhưng không bị nhiễm độc. Các triệu chứng bệnh có phần thuyên giảm (giảm đau, buồn ngủ, cảm giác phấn chấn, cơ thể khỏe hơn, khối u nhỏ lại…). Ăn ngày càng cảm giác ngon miệng, lao động được, sức khỏe tốt lên (ông Khởi).

Từ thực tế trên, Sở Y tế nhận thấy đây là một sự việc có thật nhưng đang còn rất nhiều vấn đề mới, thậm chí còn hoàn toàn trái với khoa học đã công bố. Vì vậy, kính đề nghị Bộ Y tế trực tiếp khảo sát, nghiên cứu để đưa ra những khuyến cáo, kết luận có cơ sở khoa học giúp cho người bệnh định hướng đúng cách thức điều trị, tránh xảy ra những tai biến đáng tiếc.Sở Y tế Quảng Bình mong sớm nhận được sự trả lời bằng văn bản từ phía Bộ Y tế".

Từ xưa tới nay chưa thấy tài liệu khoa học hay y văn thế giới nào đề cập đến trường hợp cụ thể về việc chữa lành bệnh ung thư do ăn sống mật, gan, da cóc. Nên việc dùng cóc để chữa bệnh ung thư vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ, bởi những trường hợp dùng cóc chữa ung thư ở Quảng Bình vẫn đang dừng lại ở việc hy hữu trong thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, trước khi có kết luận của Bộ Y tế, những bệnh nhân ung thư chưa nên vội làm theo ông Mai Xuân Khởi, ông Nguyễn Thanh Lân vì có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

(Theo CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất