Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 13/6/2009 9:19'(GMT+7)

'Sân golf ở VN nhiều gấp 10 mức bình quân thế giới'

Một dự án sân Golf ở Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An rộng 296 ha

Một dự án sân Golf ở Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An rộng 296 ha

Đăng đàn với vẻ khá mệt mỏi chiều nay, ông Phạm Khôi Nguyên giải trình 16 chất vấn bằng văn bản và trả lời 14 trong tổng số 22 lượt đại biểu đăng ký chất vấn trực tiếp.

Sau phần giải trình dài tới 15 phút của Bộ trưởng Tài nguyên, đại biểu Nguyễn Minh Hà tỏ ra khá bức xúc với hàng chục dự án sân golf trá hình trên khắp cả nước. Theo đại biểu này, 80% diện tích sân golf lấn vào đất nông nghiệp và 2/3 diện tích trung bình các dự án được dùng để xây xây biệt thự.

"Đây thực chất là kinh doanh bất động sản. Bộ Tài nguyên có tham mưu cho Thủ tướng như thế nào nếu thời gian tới tiếp tục phát triển sân golf?", bà Hà nêu câu hỏi.

Thừa nhận những thực trạng đại biểu Hà nêu, ông Nguyên cho biết, chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi phân cấp cấp phép dự án sân golf cho địa phương, số lượng đã bùng nổ gấp 3 lần so với 14 năm Trung ương quản lý. Không những thế, đa số các sân đều được cấp vượt quá nhiều lần diện tích quy định, lấn đất trồng lúa, chiếm cả quỹ đất dành cho du lịch, thể dục thể thao...

Mặc dù không giải trình được toàn bộ chất vấn của đại biểu và phải nhờ cậy đến người đồng nhiệm là Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc nhưng ông Nguyên vẫn khẳng định: "Nếu lợi dụng sân golf để kinh doanh bất động sản thì quan điểm của Bộ là phải thu hồi".

Chia sẻ với Bộ trưởng Tài nguyên, ông Võ Hồng Phúc cho biết, với số liệu vừa cập nhật cách đây 10 ngày, hiện trên cả nước có tới 166 dự án sân golf. Trong đó 145 dự án đã cấp đất, 84 cấp giấy phép đầu tư. Diện tích các dự án này đang chiếm dụng tới 10.500 ha đất nông nghiệp, trong đó có 2.900 ha đất lúa.

"Đa số dự án sân golf là trá hình, trung bình mỗi sân hơn 300 ha, gấp 3 lần quy định", ông Phúc nói.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch, sắp tới sẽ kiến nghị với Thủ tướng loại bỏ 50 dự án sân golf không đúng mục đích. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng loại bỏ 14 dự án; miền núi phía Bắc 7; Bắc Trung Bộ 17...

Trước việc Hà Nội dự định xóa bỏ Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môncada, Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng hàng đầu khu vực để xây 3 sân golf, đại biểu Nguyễn Đăng Vang và Nguyễn Minh Thuyết tỏ ra khá gay gắt.

"Sân golf Việt Nam nhiều gấp 10 lần bình quân thế giới. Vậy tại sao lại xóa bỏ 2 trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu để tiếp tục xây dựng?", đại biểu Vang nêu câu hỏi rất thực tế.

Đồng tình với hai đại biểu này, hai bộ trưởng Tài nguyên và Kế hoạch đều cho rằng đây là những trung tâm khoa học quan trọng, mang lại lợi ích cho hàng triệu người dân và cần được giữ lại.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, 41/63 tỉnh trong cả nước có dự án sân golf. Trong đó Hà Nội và Bình Thuận nhiều nhất, với 19 dự án; Bà Rịa - Vũng Tàu 14, Lâm Đồng 11, Khánh Hòa 9.

"Hà Nội có 19 dự án, chỉ giữ 9 cái đúng tiêu chí. Trung tâm nghiên cứu khoa học cần phải giữ, nhưng vấn đề là phân cấp với địa phương", ông Phúc nói.

Cũng trong phiên chất vấn hôm nay, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã thừa nhận những khuyết điểm trong thời gian qua. Trong đó, đội ngũ Thanh tra môi trường còn yếu kém. Riêng trong vụ nhà máy Vedan gây ô nhiễm, ông và 15 cán bộ cấp dưới đã nhận kiểm điểm. "Tôi đã phải kiểm điểm tới 2 lần mới được Thủ tướng chấp nhận", ông Nguyên nói.

Theo vị Bộ trưởng này, trên cả nước hiện có tới 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, một nửa số này cơ bản được giải quyết trong năm 2009, số còn lại sẽ được xử lý dứt điểm từ nay tới 2012.

Liên quan đến dự án khai thác bô xít Tây Nguyên, đại biểu Nguyễn Thị Mai bày tỏ lo ngại về sự ô nhiễm của nước thải cho môi trường nước và đất vùng hạ du.

Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyên cho biết, nguyên tắc sử dụng nước của 2 dự án Tân Rai, Nhân Cơ là dùng phương pháp tuần hoàn, thải nước bao nhiêu, thì tái sử dụng toàn bộ sau khi xử lý. "Về cơ bản, nước thải này không ảnh hưởng xuống vùng miền Tây Nam bộ cũng như miền Trung Trung Bộ", ông Nguyên khẳng định.

Cũng theo ông Nguyên, hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ sẽ lần lượt xây dựng hai hồ nước dung tích 17,5 và 20 triệu m3 giải quyết cùng lúc 2 hai mục tiêu sản xuất và phục vụ dân sinh.

TG-VnExpress

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất